(Baothanhhoa.vn) - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3 trong những ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, làm nhiều diện tích lúa và một số cây trồng khác bị ngập úng, gây thiệt hại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ và chăm sóc cây trồng

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 3 trong những ngày trung tuần tháng 7 vừa qua, làm nhiều diện tích lúa và một số cây trồng khác bị ngập úng, gây thiệt hại.

Nông dân xã Thịnh Lộc (Hậu Lộc) chăm sóc cây trồng sau bão số 3. Ảnh: Minh Hà

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp của dải hội tụ nhiệt đới với hoàn lưu phía Nam và Tây Nam vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt – Trung, dự báo các ngày từ 27 đến 31 – 7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa to, có nơi mưa rất to. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 27-7, toàn tỉnh vẫn còn hơn 19.276 cây trồng bị ngập úng; trong đó, diện tích lúa mùa bị ngập úng là 12.150,3 ha; ngô 1.129,7 ha; rau, đậu các loại 2.088,3 ha...

Ðể chăm sóc, bảo vệ cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân công cán bộ tăng cường về cơ sở phối hợp với các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng bị thiệt hại do mưa, lũ. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhằm bảo đảm thành công các mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” cho nông dân. Đồng thời, đề nghị các địa phương và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu, khẩn trương khoanh vùng để bơm tiêu, rút nước chống úng cho lúa. Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục ngập úng và chăm sóc cây trồng kịp thời, phù hợp. Chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nông dân cấy, chắm dặm cho những diện tích lúa bị thiệt hại. Đối với diện tích lúa mới cấy, lúa mới gieo sạ bị ngập úng, nguy cơ chết cao, ngoài việc khẩn trương tiêu úng phải tiến hành chắm dặm, chăm sóc bằng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá để lúa nhanh hồi phục và đẻ nhánh bảo đảm mật độ... Đối với diện tích lúa đã bị chết, khẩn trương gieo cấy lại, chậm nhất phải hoàn thành xong trước ngày 10-8. Nếu tình hình thời tiết không thuận lợi, tiếp tục mưa úng kéo dài, thực hiện thay thế bằng các cây trồng khác phù hợp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ruộng bị bỏ hoang.

Đối với cây trồng cạn, những diện tích bị ngập úng nhưng còn có khả năng hồi phục được, cần xới xáo, phá váng, vun gốc kết hợp trồng dặm các cây bị khuyết; chăm sóc bổ sung, kết hợp sử dụng chế phẩm kích thích sinh trưởng giúp cây phục hồi nhanh. Khi cây trồng đã hồi phục cần bón đủ lượng phân theo quy trình của từng loại cây trồng đã được hướng dẫn; ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho từng loại cây trồng theo các giai đoạn sinh trưởng. Đối với cây ngô và rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, cần chuẩn bị hạt giống ngô ngắn ngày, hạt giống rau màu để gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị kịp thời thống kê chính xác diện tích cây trồng bị thiệt hại theo đúng quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hiện toàn tỉnh có 19.300 ha đang thả, nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha; nước ngọt 11.600 ha. Để chủ động ứng phó với thiên tai, lụt bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản; các địa phương trong tỉnh đang chủ động hướng dẫn người nuôi kiểm tra và tu bổ lại bờ ao, đầm nuôi chắc chắn bảo đảm giữ được nước. Phát quang cành, cây xung quanh ao và tạo đường cho thoát nước mưa. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất, hóa chất, nguyên vật liệu (lưới, đăng chắn, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện...) để chủ động triển khai các biện pháp khắc phục khi có tình huống xấu xảy ra. Đặt lưới xung quanh bờ ao (độ cao 40-50 cm, ghim sâu 20-30 cm dưới đất) nhằm hạn chế các đối tượng nuôi thoát ra ngoài. Sau mỗi đợt mưa, lũ cần chủ động bón vôi để ổn định môi trường ao nuôi (1-3 kg vôi/100m2). Thường xuyên quan sát màu nước, mức nước, tình trạng hoạt động của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sơ tán người và lao động về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai. Đối với nuôi ngao trên bãi triều ven biển, khẩn trương thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; gia cố lưới chắc chắn, đăng chắn để tránh ngao thất thoát; gia cố chòi canh, bảo đảm an toàn cho người lao động ở trên chòi; tuân thủ nghiêm yêu cầu vào bờ (vào trong đất liền) khi có lệnh của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình mưa, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.

Mới đây đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ tại huyện Thạch Thành. Qua kiểm tra thực tế, đoàn đã đề nghị Trung tâm Y tế Thạch Thành làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống trong mùa mưa lũ; tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng, chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu, góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã cấp cơ số thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành gồm 20 kg cloraminB 5g, 1.000 viên apatat, 2.000 viên cloraminB.


K.P, Lê Hợi và Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]