(Baothanhhoa.vn) - Lâu nay, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh đã tác động xấu đến môi trường và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Lâu nay, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh đã tác động xấu đến môi trường và tồn lưu các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tăng cường quản lý việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sảnHộ nuôi tôm công nghiệp ở xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) chuẩn bị thức ăn cho tôm.

Toàn tỉnh hiện có 19.000 ha diện tích NTTS; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 13.603 ha, nước lợ 3.734 ha và nước mặn 1.313 ha. Tại các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn... nhiều hộ nuôi sử dụng không đúng cách về liều lượng và loại kháng sinh đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng lại kháng sinh và tích tụ dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm nuôi. Ngoài ra, việc sử dụng các loại kháng sinh hàm lượng nhỏ được phối trộn trong thức ăn của tôm với mục đích kích thích sinh trưởng và phòng bệnh, đây là một nhận thức sai lầm về sử dụng kháng sinh. Theo người nuôi, do thời tiết thay đổi bất thường, nguồn nước ô nhiễm, thức ăn kém chất lượng, nên con tôm rất dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, người nuôi tôm đành phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh để tăng sức đề kháng cho tôm. Phần lớn người nuôi tôm không nắm rõ được loại kháng sinh nào bị cấm sử dụng và sử dụng nồng độ bao nhiêu là phù hợp cùng với khoảng thời gian cách ly an toàn. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, việc cải tạo ao, sử dụng con giống chất lượng, quản lý và chăm sóc tôm nuôi đúng quy trình... thì việc trang bị kiến thức nuôi tôm an toàn cho người dân cũng rất cần thiết. Hiện nay, sự phát triển của NTTS ứng dụng khoa học công nghệ cao, nên mức độ thâm canh càng cao thì việc sử dụng sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường và thuốc kháng sinh là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, trong các mặt hàng thủy sản nói riêng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Vì vậy, nếu dư lượng trong sản phẩm vượt quá mức cho phép, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không tiêu thụ được gây thiệt hại cho người NTTS.

Trước thực trạng sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi trồng các loại thủy sản nói chung, tôm công nghiệp nói riêng, hàng năm ngành nông nghiệp đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh và xử lý quyết liệt các hộ vi phạm tại các vùng NTTS. Đồng thời, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn phục vụ NTTS. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổ chức lấy mẫu thủy sản nuôi để phân tích nhằm phát hiện dư lượng kháng sinh, tạp chất cấm sử dụng trong nuôi thủy sản. Để người nuôi hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh trong NTTS, các ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển cần tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh, tác hại của việc sử dụng chất cấm trong NTTS làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tổ chức hướng dẫn và chuyển giao quy trình, kỹ thuật NTTS an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân. Nhất là cách sử dụng men vi sinh, các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, công bố rộng rãi danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS được ban hành kèm theo Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019 để người NTTS biết và thực hiện.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]