(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, mặc dù công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh ta đã được tăng cường, tuy nhiên tình trạng giết mổ không phép tại các điểm nhỏ lẻ vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đưa sản phẩm ra thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý công tác giết mổ gia súc, gia cầm

Thời gian qua, mặc dù công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh ta đã được tăng cường, tuy nhiên tình trạng giết mổ không phép tại các điểm nhỏ lẻ vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đưa sản phẩm ra thị trường.

Một cửa hàng kinh doanh thịt lợn tại chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa). (Ảnh mang tính minh họa).

Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 2.889 cơ sở giết mổ GSGC; trong đó, chỉ có 8 cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hiện có 4 cơ sở không hoạt động, số còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Điều đáng nói là trong tổng số 2.881 cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, hộ gia đình đang hoạt động thì chỉ có khoảng 800 cơ sở có sự kiểm soát của các ngành chức năng. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc được giao cho các trạm thú y các địa phương phụ trách. Trên thực tế, nhiều trường hợp chưa thực hiện lăn dấu kiểm soát tại nơi giết mổ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại chợ Tây Thành, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa, hiện có hơn 20 quầy hàng bán thực phẩm tươi sống. Ngay cạnh lối vào chợ là hàng chục quầy bày bán thịt lợn. Ngoài ra, nhiều lồng đựng gia cầm cũng được bày bán ngay kế bên. Bất cứ khi nào khách có nhu cầu làm thịt sẵn đều được người bán hàng đáp ứng ngay. Khi được hỏi, phần lớn các chủ quầy bán hàng tươi sống đều cho biết không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, có nhiều điểm giết mổ gia súc do các hộ gia đình, cá nhân tự lập ra và hoạt động hoàn toàn tự phát. Khu giết mổ thường được bố trí ngay trong khu vực sinh sống của gia đình. Các hộ này tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ rồi bán thịt cho các điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn mà chưa qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đây là mối lo ngại về nguồn thực phẩm bẩn sẽ xuất hiện trên thị trường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, tình trạng các cơ sở giết mổ trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến môi trường, dễ lây truyền dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Công tác quản lý giết mổ GSGC gặp nhiều khó khăn bởi nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn. Quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp hoặc giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ còn thiếu và chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Các cơ sở giết mổ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập.

Có thể thấy rằng, các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ khó kiểm soát, trong khi lực lượng thú y “mỏng”. Các cơ sở hoạt động giết mổ thường hoạt động vào quãng thời gian từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau khiến cán bộ thú y khó tiếp cận. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn thường có thói quen mua sản phẩm giết mổ không tìm hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, vô tình tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Để lập lại trật tự trong hoạt động giết mổ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, triển khai các hoạt động quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn. Hình thành các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại, tập trung tại các huyện. Đồng thời, từng bước xóa bỏ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện hoạt động. UBND tỉnh cũng đã có chủ trương, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tại các đô thị để tạo đầu ra cũng như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, từng bước đưa công tác quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.


Bài và ảnh: Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]