(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, công tác quản lý cơ sở thu mua, chế biến hải sản được các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường quản lý cơ sở thu mua, chế biến hải sản

Thời gian gần đây, công tác quản lý cơ sở thu mua, chế biến hải sản được các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương ven biển quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường quản lý cơ sở thu mua, chế biến hải sảnHải sản sau khi thu mua tập kết trên cầu Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn).

Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh (thị xã Nghi Sơn) là doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, sứa, hải sản khô các loại. Bà Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, cho biết: Nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, công ty chỉ thu mua hải sản từ những tàu khai thác được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng mà cơ sở xây dựng và công bố. Đồng thời, các tàu khai thác phải có đầy đủ nhật ký khai thác hải sản và ghi chép đầy đủ thông tin mỗi lần thu mua, giao nhận nguyên liệu. Các sản phẩm hải sản phải còn tươi sống, không có tạp chất, không sử dụng hóa chất, kháng sinh để bảo quản trong quá trình vận chuyển vào đất liền. Các nhân viên của công ty trong quá trình thu mua hải sản luôn sử dụng quần, áo, mũ, găng tay bảo hộ... để ngăn chặn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng năm, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 180.000 tấn; trong đó, nuôi trồng 55.000 tấn, khai thác 125.000 tấn. Đây cũng là nguồn nguyên liệu cung cấp cho khoảng 80 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở chế biến thủy, hải sản đang hoạt động tại các địa phương ven biển. Qua tìm hiểu thực tế nhiều cơ sở chế biến, thu mua hải sản nhỏ lẻ không chú trọng tới việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, nên thu mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ nhiều tàu khai thác khác nhau. Vì vậy, việc kiểm soát các chất cấm sử dụng để bảo quản trong quá trình vận chuyển hải sản sau khi khai thác về cảng cá, bến cá là rất khó khăn. Trong quá trình bốc dỡ các sản phẩm hải sản tại các cảng cá, bến cá từ các tàu khai thác về, nhiều cơ sở thu mua tập kết hải sản lên cầu cảng khiến hải sản bị nhiễm bẩn, dập nát, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, việc liên kết trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm hải sản sau khai thác còn hạn chế, nên phần lớn các loại hải sản thông qua thương lái thu mua không thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở các cảng cá. Hơn nữa, thương lái chỉ đảm nhận khâu thu gom và phân phối, không quan tâm đến vấn đề bảo quản và sơ chế, nên sản phẩm sẽ khó bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), các phường Hải Thanh, Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) là những địa phương có truyền thống chế biến hải sản trong tỉnh, các cơ sở chế biến hải sản phát triển nhanh nhưng phần lớn chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu sản xuất hàng tiêu thụ nội địa hoặc chỉ gia công sơ chế nguyên liệu... sử dụng công nghệ chế biến lạc hậu, thủ công.

Toàn tỉnh có 7.211 phương tiện nghề cá, 3 cảng cá lớn là Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn), Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và hàng chục bến cá tự phát ở các địa phương ven biển. Trong khi lực lượng chuyên môn của các ngành có liên quan của tỉnh, nhân lực còn mỏng để quản lý và kiểm soát. Vì vậy, việc quản lý và kiểm soát các hoạt động thu mua, chế biến hải sản ở các địa phương ven biển chỉ tập trung việc tuyên truyền, tập huấn, nhắc nhở. Để thúc đẩy hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản phát triển, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thu mua, chế biến của các cơ sở. Giám sát chủ các cơ sở thu mua, chế biến thủy, hải sản chấp hành nghiêm quy định về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, giấy phép sản xuất, kinh doanh... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cơ sở thu mua và chế biến thủy, hải sản, các quy trình xử lý nước thải, thu gom rác thải trong quá trình sản xuất. Kêu gọi đầu tư cho các dự án sản xuất và chế biến sản phẩm thủy, hải sản, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu chế biến sản phẩm chất lượng cao.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]