(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta có tiềm năng về nghề khai thác và chế biến thủy, hải sản. Hằng năm, tổng sản lượng thủy, hải sản đạt hơn 159.000 tấn, với khoảng 80 cơ sở, doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến, kinh doanh sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tái chế phụ phẩm từ chế biến thủy sản - còn bỏ ngỏ

Tái chế phụ phẩm từ chế biến thủy sản - còn bỏ ngỏ

Phụ phẩm từ nghề chế biến thủy sản chưa được tận dụng gây lãng phí nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Xưởng chế biến mắm của gia đình ông Hoàng Thăng Vích, TP Sầm Sơn.

Tỉnh ta có tiềm năng về nghề khai thác và chế biến thủy, hải sản. Hằng năm, tổng sản lượng thủy, hải sản đạt hơn 159.000 tấn, với khoảng 80 cơ sở, doanh nghiệp (DN) tham gia chế biến, kinh doanh sản phẩm.

Tuy nhiên, hầu hết các DN chế biến thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về kỹ thuật, công nghệ nên chỉ tập trung sơ chế hoặc chế biến thô, chưa chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Do đó, tuy giá trị kinh tế từ chế biến thủy, hải sản hằng năm tăng, lợi nhuận cao hơn song việc tận dụng, tái chế phụ phẩm từ nghề chế biến thủy, hải sản vẫn còn bỏ ngỏ.

Theo tài liệu phân tích của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ phẩm của công nghiệp chế biến thủy, hải sản chiếm trung bình từ 15-20% tổng sản lượng chế biến và lượng phụ phẩm này có thể dùng để chế biến phân bón, thức ăn gia súc, dược phẩm, mỹ phẩm... Do đó, có thể thấy, với sản lượng hơn 159.000 tấn thì lượng phụ phẩm từ chế biến thủy, hải sản của tỉnh đạt từ 23.850 đến 31.800 tấn/năm. Tuy nhiên, chưa có DN nào trên địa bàn tỉnh đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để xử lý và chiết xuất phụ phẩm thủy, hải sản. Vì vậy, ngoài một lượng nhỏ phụ phẩm được sử dụng làm nguyên liệu, phục vụ ngành sản xuất phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi thì số còn lại trở thành phế phẩm, gây lãng phí, thất thoát nguồn kinh tế khá lớn và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tìm hiểu tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), địa phương có 27 doanh nghiệp cấp đông, chế biến bột cá, hấp sấy hải sản và 43 hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến thủy, hải sản với các sản phẩm chính, như: Moi khô, mực khô, cá khô, tôm khô, nước mắm... Được biết, hằng năm, các hộ làm nghề trong xã đã tiêu thụ bình quân khoảng 6.000 - 7.000 tấn nguyên liệu để sản xuất các loại mặt hàng hải sản. Ước tính, lượng phụ phẩm từ chế biến thủy, hải sản trên địa bàn xã khoảng 1.300 - 1.500 tấn/năm. Trong đó, lượng phụ phẩm từ nghề chế biến ở dạng mềm được các cơ sở sản xuất bán trực tiếp cho hộ chăn nuôi làm thức ăn gia súc và các trang trại làm phân bón cho cây trồng với giá từ 1.000 đồng đến 1.200 đồng/kg. Còn phụ phẩm dưới dạng rắn (vỏ tôm, đầu cá) được thu gom phơi khô bán làm thức ăn chăn nuôi hoặc để phân hủy tự nhiên trong môi trường. Ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Trên địa bàn xã chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ nên vấn đề tận dụng phụ phẩm chế biến thủy, hải sản chưa được quan tâm. Chủ yếu sử dụng thịt vụn từ chế biến cá phục vụ tiêu dùng; vỏ, đầu tôm, bã mắm... phơi khô làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón. Hơn nữa, việc các cơ sở tự xử lý nguồn phụ phẩm không những tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí lớn nguồn nguyên liệu.

Là chủ một đơn vị sản xuất, chế biến thủy, hải sản có thương hiệu trên địa bàn TP Sầm Sơn, ông Hoàng Thăng Vích, cho biết: Hầu hết các cơ sở, hộ sản xuất, chế biến thủy, hải sản đều chưa tận dụng được nguồn phụ phẩm mà vô hình dung xem đó là phế phẩm, gây lãng phí. Đơn cử, đối với cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền Vích Phương của gia đình, hằng năm thu mua khoảng 300 tấn nguyên liệu thì có khoảng 150 tấn phụ phẩm (chủ yếu là bã mắm và vỏ tôm). Song, nếu không bán cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt được thì cơ sở còn mất kinh phí để đem đi chôn lấp, xử lý.

Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu khẳng định rằng phụ phẩm từ chế biến thủy, hải sản hầu hết có thể được xử lý và chiết xuất thành các sản phẩm phục vụ các ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế... có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc xử lý và chiết xuất phụ phẩm thủy, hải sản đòi hỏi thời gian và chi phí đầu tư lớn. Ngoài nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ và trang thiết bị máy móc chế biến, chiết xuất phụ phẩm cũng phải tiên tiến, hiện đại nhưng hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở chế biến thô. Ông Hoàng Việt, Trưởng Phòng Chế biến nông, lâm, thủy sản và muối, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Trong bối cảnh nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng suy giảm, chi phí sản xuất tăng thì việc tận dụng phụ phẩm được xem là giải pháp căn cơ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN. Tuy nhiên, “khoảng trống” này trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn bỏ ngỏ. Để hướng tới tận dụng nguồn phụ phẩm từ chế biến thủy, hải sản hiệu quả, đòi hỏi các DN tỉnh ta cần chủ động đầu tư máy móc, kỹ thuật, chuyển tư duy sản xuất từ “chế biến thô” sang “chế biến sâu”, nhằm giảm chi phí, tăng giá trị cạnh tranh, theo mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền để ban hành những chính sách hỗ trợ ưu đãi và đặc thù, nhằm khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu và chiết xuất từ nguyên liệu thủy, hải sản.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]