(Baothanhhoa.vn) - Khi gió heo may ùa về, cũng là lúc những vườn cây ăn quả ở Thọ Xuân bước vào thời kỳ thu hoạch. Nhiều chủ vườn đã dành những trái quả thơm ngon, tươi đẹp nhất để bán trong dịp tết. Còn gì hạnh phúc hơn khi người nông dân thấy được thành quả lao động của mình sau bao ngày chăm sóc, vun xới. Và, sắc đỏ, vàng của những trái cam, trái bưởi như nét chấm phá tô điểm cho bức tranh làng quê đang từng ngày đổi mới ở Thọ Xuân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sắc đỏ Thọ Xuân

Khi gió heo may ùa về, cũng là lúc những vườn cây ăn quả ở Thọ Xuân bước vào thời kỳ thu hoạch. Nhiều chủ vườn đã dành những trái quả thơm ngon, tươi đẹp nhất để bán trong dịp tết. Còn gì hạnh phúc hơn khi người nông dân thấy được thành quả lao động của mình sau bao ngày chăm sóc, vun xới. Và, sắc đỏ, vàng của những trái cam, trái bưởi như nét chấm phá tô điểm cho bức tranh làng quê đang từng ngày đổi mới ở Thọ Xuân.

Sắc đỏ Thọ Xuân

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Tuyết, thôn 6, xã Xuân Trường cho hiệu quả cao.

Trong số rất ít giống bưởi quý của cả nước, bưởi Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) đặc biệt thơm ngon nổi tiếng. Đây là giống bưởi từ thời Hậu Lê đã được chọn như là một sản vật đặc biệt của quốc gia. Tương truyền, bưởi Luận Văn được chọn để tiến vua là vì khi chín, quả bưởi chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ và múi bưởi có màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Bưởi lại có mùi thơm đặc trưng, mọng nước, vị ngọt, mát lành. Ngoài giá trị dinh dưỡng, bưởi Luận Văn còn mang giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc. Màu đỏ tự nhiên, hương thơm tỏa ngát của quả bưởi được xem như là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc, được nhiều gia đình chọn bày lên bàn thờ mỗi dịp tết đến, xuân về.

Bưởi Luận Văn đã gắn liền với vùng đất Thọ Xương suốt mấy trăm năm. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, làng Luận Văn đã xây dựng vườn bưởi tập trung và giao cho các cụ già trong làng chăm sóc. Năm 1979, bưởi Luận Văn được chuyển ra trồng ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Do nhiều yếu tố, có một thời gian dài bưởi Luận Văn dường như bị mai một. Những năm gần đây, nhận thấy giá trị to lớn của sản vật quý giá này, UBND huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Thọ Xương xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ dẫn địa lý và quy hoạch, khuyến khích các hộ dân trong xã đẩy mạnh khôi phục, nhân rộng vùng trồng bưởi Luận Văn. Đồi Văn Chỉ, xã Thọ Xương - nơi có thổ nhưỡng thích hợp trồng bưởi Luận Văn, giờ đây là trung tâm của vùng bưởi quý tiến vua năm xưa. Trên ngọn đồi đất thoai thoải dốc này hiện có hàng chục hộ dân trồng bưởi Luận Văn, với hàng nghìn cây cho quả ngọt. Từ năm 2005, bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa và đã bình tuyển được cây đầu dòng, phục tráng để nhân rộng. Năm 2010 toàn huyện trồng mới được 2.000 cây. Từ năm 2010 đến nay nguồn giống hàng năm phần lớn được lấy từ cây đầu dòng do Viện Nghiên cứu rau quả - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp. Hiện nay, tổng diện tích bưởi Luận Văn trên địa bàn xã Thọ Xương có trên 20 ha, ngoài ra bưởi Luận Văn còn được nhân rộng ở các xã lân cận như: Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn. Bưởi Luận Văn đã được huyện Thọ Xuân tổ chức giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý và làm tem nhãn để truy xuất nguồn gốc.

Ghé thăm vườn bưởi Luận Văn nức tiếng của gia đình ông Lê Minh Tâm, thôn 8, xã Thọ Xương, ông chia sẻ: Vườn nhà tôi chỉ chuyên trồng giống bưởi Luận Văn, đến nay đã được 8 năm tuổi, diện tích trên 2 ha, tương ứng với khoảng 1.000 gốc. Bưởi trồng từ năm thứ 5 trở đi mới cho thu hoạch ổn định. Về giá trị kinh tế, bình thường bưởi có giá 60.000 đồng/quả, nhưng đến những ngày giáp tết, giá bán có thể lên đến 200.000 đồng - 300.000 đồng/quả. Bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha. Giống bưởi này vừa mang lại thu nhập cao, vừa góp phần lưu giữ sản vật quê hương, nên gia đình quyết tâm phát triển, gìn giữ giống bưởi quý cho con cháu đời sau.

Không chỉ bưởi Luận Văn, mà trên vùng đất Thọ Xuân còn có rất nhiều giống cam ngon được đưa vào trồng. Chẳng hạn như giống cam Vinh có vỏ mỏng, tép cam có màu vàng nhạt, khi ăn có vị ngọt thanh hoặc chua nhẹ. Cam canh màu vàng cam, giống quýt, lớp vỏ mỏng, thơm dịu, khi ăn tách từng múi có vị ngọt mát rất đặc trưng...

Từ diện tích đất lúa hiệu quả thấp, xa khu dân cư, từ năm 2013, gia đình chị Trịnh Thị Tuyết, thôn 6, xã Xuân Trường đã mạnh dạn nhận thầu 6 ha đất của xã đưa vào trồng cây ăn quả các loại. Trên diện tích đó, gia đình chị trồng xen cam canh 1.000 gốc, cam Vinh 1.000 gốc, bưởi đào 500 gốc và một ít bưởi Luận Văn, bưởi Diễn, bưởi da xanh, chanh đào. Khu vườn của gia đình chị cũng đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đối với các sản phẩm là các loại quả nói trên. Chị Tuyết cho hay: Trồng cây ăn quả là mô hình đem lại hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Năm ngoái, gia đình thu được 800 triệu đồng tiền lãi. Năm nay, chưa hạch toán, nhưng khả năng cho thu nhập khá. Vì đến thời điểm này, thương lái đã thu mua gần hết số cam, bưởi trong vườn. Đặc biệt là bưởi đào, có ngày gia đình bán được 5 tấn quả, đây là giống bưởi Tân Lạc (Hòa Bình) đang cho hiệu quả cao trên đồng đất Thọ Xuân.

Là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả, những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển được hàng trăm ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi tập trung. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người nông dân đã tích lũy được kinh nghiệm trồng, canh tác một số loại cây ăn quả, bình quân cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha/hộ, có những vườn cho thu nhập cao hơn từ 700 - 800 triệu đồng/ha/hộ. Hiện nay, Thọ Xuân đã và đang hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích 243 ha, như: Vùng bưởi Luận Văn tại các xã Thọ Xương, Xuân Bái; vùng cam tại các xã Xuân Hồng, Xuân Trường; vùng bưởi Diễn tại các xã Xuân Hồng, Bắc Lương. Còn lại là diện tích trồng nhỏ lẻ, rải rác ở các hộ thuộc một số xã trong huyện. Diện tích cây ăn quả tăng nhanh, cơ cấu các loại cây ăn quả đã có những chuyển biến rõ rệt. Các loại cây ăn quả ít giá trị dần được thay thế bằng các loại quả có giá trị kinh tế cao như: Bưởi Diễn, bưởi Luận Văn, cam V2, cam Xã Đoài.

Phát triển cây ăn quả là hướng đi hiệu quả ở Thọ Xuân trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thời gian qua diện tích cây ăn quả của huyện vẫn còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển bền vững. Sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP chưa được quan tâm đúng mức. Việc tiêu thụ chủ yếu là sản phẩm quả tươi chưa qua chế biến, thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu, như: Hệ thống đường giao thông, đường điện, kênh mương...

Theo quy hoạch đến năm 2020, huyện Thọ Xuân sẽ có vùng sản xuất cây ăn quả tập trung 250 ha trên đất lúa 1 vụ, đất bãi bằng, đất chuyên màu và ổn định diện tích đến năm 2025. Trong đó, vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung tại các xã Xuân Hồng, Bắc Lương, thị trấn Thọ Xuân. Vùng trồng bưởi Luận Văn tập trung tại các xã Thọ Xương, Xuân Bái, thị trấn Lam Sơn. Ngoài ra, còn bố trí trồng cây ăn quả tại một số xã dọc đường Hồ Chí Minh, như các xã Xuân Phú, Thọ Lâm, Thọ Diên, Xuân Hưng, với các sản phẩm chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi Luận Văn và cam.

Để thực hiện quy hoạch, huyện Thọ Xuân đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang xây dựng trang trại tập trung, với các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào khâu sản xuất giống, kỹ thuật trồng, thâm canh để tạo ra những vùng sản xuất tập trung có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Nghiên cứu và cung cấp một số loại giống mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, thay cho những giống chất lượng kém, thoái hóa. Hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nông dân. Xây dựng các tổ hợp tác, nhóm hộ sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất an toàn, xác định các loại cây chủ lực là cam, bưởi. Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Xuân Thành, bưởi Bắc Lương. Phấn đấu toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả đều được cấp chứng nhận sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đánh giá để cấp chứng nhận VietGAP.

Cùng với những giải pháp trên, huyện cũng đề nghị các ngành chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ trong khâu tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây ăn quả. Có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển cây ăn quả theo hình thức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, định hướng phát triển những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và bền vững, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng cây ăn quả tập trung, như: Đường giao thông, mương tưới tiêu, điện sinh hoạt... để thuận lợi hơn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài Và Ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Lưu Phong San - 19:56 18/06/20

 Trả lời

Báo giúp tôi địa chỉ nào mua được cây giống bưởi Luận Văn.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]