(Baothanhhoa.vn) - Việc đầu tư phát triển hệ thống thương mại ở khu vực là nhiệm vụ thiết thực, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực kinh tế của tỉnh, đồng thời giúp người dân khu vực miền núi tiếp cận với hệ thống thương mại hiện đại, hàng hóa bảo đảm chất lượng cũng như định hướng tư duy sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm đầu tư phát triển thương mại ở các huyện miền Tây

Quan tâm đầu tư phát triển thương mại ở các huyện miền Tây

Siêu thị miền Tây, Chi nhánh Quan Hóa được đầu tư đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Hòa Lê

Việc đầu tư phát triển hệ thống thương mại ở khu vực là nhiệm vụ thiết thực, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực kinh tế của tỉnh, đồng thời giúp người dân khu vực miền núi tiếp cận với hệ thống thương mại hiện đại, hàng hóa bảo đảm chất lượng cũng như định hướng tư duy sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Qua khảo sát tại một số địa phương, như: Cẩm Thủy, Quan Sơn, Lang Chánh... cho thấy, hệ thống thương mại tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu mới dừng lại ở đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày; cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất của nhân dân. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm khai thác từ lợi thế vùng miền, như: Lâm sản, nông sản, dược liệu... chưa thực sự hiệu quả. Quy mô sản phẩm nhỏ lẻ, giá trị kinh tế không cao, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kỹ thuật thương mại nói riêng ở khu vực này còn yếu và thiếu, chủ yếu là các chợ, cửa hàng, cửa hiệu truyền thống do việc chủ trương hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Mai Văn Xô, chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Cẩm Thủy: Các huyện miền núi tỉnh ta có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, nên việc trích ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại là rất khó. Hơn nữa, Nhà nước cũng chưa có dự án trọng điểm, tập trung đầu tư cho lĩnh vực phát triển thương mại, do đó phát triển hệ thống thương mại ở khu vực này chủ yếu “trông chờ” vào các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Song, vị trí địa lý, địa hình và tập quán cư trú, sinh hoạt của đồng bào khu vực miền núi cũng là một trở ngại khiến việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của khu vực gặp nhiều “rào cản”.

Là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư hệ thống thương mại ở khu vực miền núi tỉnh ta, hiện nay, Công ty CP Tập đoàn thương mại miền núi Thanh Hóa đã đầu tư nâng cấp hệ thống cửa hàng bách hóa tổng hợp, xây dựng 11 siêu thị hiện đại với quy mô từ 400 - 1.100 m2/siêu thị, tổng vốn đầu tư 43,8 tỷ đồng tại 11 huyện miền núi. Các siêu thị đều có không gian rộng rãi, hệ thống hàng hóa phong phú với khoảng 8.000 mặt hàng/siêu thị, giá phù hợp, chất lượng bảo đảm nên thu hút được sự quan tâm của người dân. Ông Đầu Khắc Tiến, Giám đốc hệ thống chi nhánh siêu thị miền Tây, cho biết: Khu vực miền núi tỉnh ta có địa hình phức tạp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn hạn chế nên ngay từ khi đầu tư xây dựng, công ty gặp khó khăn về vốn, địa điểm và cơ hội kinh doanh. Do được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của tỉnh và các địa phương, đến nay, hệ thống siêu thị đã hoạt động tương đối ổn định, góp phần thúc đẩy thương mại ở khu vực và hình thành thói quen, tập quán mua hàng cho người dân các huyện miền núi.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), do hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực miền núi tỉnh ta phù hợp, đúng hướng nên đã góp phần khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân trong khu vực tham gia vào hoạt động thương mại. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tại 11 huyện miền núi có 392 doanh nghiệp mới thành lập. Sự phát triển trên đã thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, cung ứng kịp thời những mặt hàng thiết yếu với giá cả tương đối ổn định; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Để phát triển hoạt động thương mại, khuyến khích sản xuất hàng hóa và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 964/QĐ-TTg về chương trình phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020; UBND tỉnh có Quyết định số 4374/QĐ-UBND năm 2012 về phê duyệt phát triển thương mại miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, trong đó đề cao vai trò của tổ chức mạng lưới kinh doanh đối với nhiệm vụ phát triển thương mại khu vực. Bởi, làm tốt nhiệm vụ này vừa bảo đảm cung ứng các nguyên liệu, vật tư, công cụ lao động cần thiết cho nông nghiệp và các hoạt động sản xuất khác, vừa bảo đảm cung cấp hàng công nghiệp tiêu dùng cho người dân. Đồng thời, góp phần bảo đảm tiêu thụ các loại nông sản và các sản phẩm hàng hóa khác trên địa bàn, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao thu nhập của người dân khu vực miền núi.

Hòa Lê


Hòa Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]