(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù không phải là điểm “nóng” về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái như ở thành phố, các khu đô thị, khu kinh tế, tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thị trường khu vực miền núi cũng tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, nhất là vi phạm trong gian lận thương mại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm công tác quản lý thị trường ở khu vực miền núi

Mặc dù không phải là điểm “nóng” về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái như ở thành phố, các khu đô thị, khu kinh tế, tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thị trường khu vực miền núi cũng tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, nhất là vi phạm trong gian lận thương mại.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 21 kiểm tra tình hình kinh doanh hàng hóa tại thị trấn Thường Xuân.

Do đó, công tác quản lý thị trường khu vực này luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm bình ổn thị trường, bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, từng bước thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, các huyện miền núi địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hiểu biết còn hạn chế, nên nhiều người vẫn “ham” mua hàng rẻ. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng thâm nhập vào thị trường. Vì vậy, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào, nêu cao tinh thần, trách nhiệm tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại tới cá nhân, tập thể trên các địa bàn đóng vai trò quan trọng.

Thực hiện công tác quản lý thị trường trên địa bàn huyện Thường Xuân, Đội Quản lý thị trường số 21 có 5 cán bộ. Đây là lực lượng khá mỏng so với khối lượng công việc quản lý địa bàn ở 17 xã, thị trấn. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên trên địa bàn chủ yếu là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nằm rải rác, hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Do đó, bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt, Đội Quản lý thị trường số 21 đã tăng cường lồng ghép công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền khá đa dạng, từ tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, lĩnh vực sở hữu công nghiệp, lĩnh vực về an toàn thực phẩm đến lĩnh vực quản lý giá. Đồng thời, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tới người tiêu dùng, nhất là những vụ việc tính chất điển hình. Hình thức tuyên truyền cũng được thực hiện khá đa dạng. Đội Quản lý thị trường số 21 phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan của địa phương thực hiện tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn hàng ngày; tuyên truyền bằng xe lưu động; treo băng rôn, khẩu hiệu... trong đó chú trọng các nơi trọng điểm, đông người, chợ dân sinh. Trong công tác kiểm tra, bên cạnh công tác kiểm tra định kỳ, Đội Quản lý thị trường số 21 tham mưu cho UBND huyện xây dựng, ban hành các kế hoạch cao điểm về kiểm tra nhóm hàng vật tư nông nghiệp, kiểm tra về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. 6 tháng đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 21 đã thực hiện kiểm tra 131 vụ, trong đó xử lý 129 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 135 triệu đồng.

Tại huyện Lang Chánh, tình hình buôn lậu, hàng cấm trên địa bàn huyện cũng không nổi cộm, các vi phạm nhỏ lẻ, manh mún. Hàng hóa chủ yếu thẩm lậu và được các đối tượng buôn lậu hợp pháp bằng hóa đơn mua bán giữa các đối tượng hoặc quay vòng hóa đơn. Từ những ngày đầu năm 2018, các lực lượng Đội Quản lý thị trường số 7, Công an huyện Lang Chánh, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra tại các trung tâm, khu vực kinh doanh, buôn bán lớn, như: Trung tâm các xã, thị trấn, tuyến Quốc lộ 15A đi qua địa bàn huyện..., xử lý nghiêm các vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm như pháo nổ, đồ chơi kích động bạo lực...; các loại hàng lậu như: Quần áo, giầy dép, đồ chơi trẻ em, đồ điện dân dụng các loại, thuốc lá ngoại, rượu ngoại... và các hành vi gian lận thương mại. 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 huyện đã thực hiện kiểm tra 67 vụ, trong đó xử lý 61 vụ, phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 208 triệu đồng.

Theo các cán bộ làm công tác quản lý thị trường ở khu vực miền núi, công tác quản lý thị trường ở khu vực miền núi có những khó khăn nhất định như mới chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh cố định, có quy mô tương đối lớn; việc thanh tra, kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng tuyến xã chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục do thiếu lực lượng và phương tiện.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp... cần vào cuộc mạnh mẽ nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm ở khu vực miền núi, nhất là với những mặt hàng “nóng” như phân bón, các loại vật tư nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ kinh doanh nâng cao ý thức, thực hiện đúng những quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]