(Baothanhhoa.vn) - Với sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp tỉnh, nhiều giải pháp phòng chống, khoanh vùng dịch tả lợn Châu Phi đã được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Song, số địa phương có dịch cũng như đàn lợn dịch bệnh vẫn cứ tăng bởi sự phức tạp, khó lường của loại vi-rút lan nhanh, chưa hề có thuốc đặc trị. Đằng sau đó, nhiều nỗi lo về sự phát tán dịch ra diện rộng, rồi tiêu thụ thịt lợn để gỡ khó cho người chăn nuôi, hỗ trợ thiệt hại như thế nào... vẫn chưa có lời giải.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng chống và khắc phục hậu quả dịch tả lợn Châu Phi: Còn đó những nỗi lo

Phòng chống và khắc phục hậu quả dịch tả lợn Châu Phi: Còn đó những nỗi lo

Chốt kiểm dịch động vật tại xã Định Long (Yên Định) nhằm ngăn chặn vận chuyển lợn có mầm dịch vào, ra địa bàn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp tỉnh, nhiều giải pháp phòng chống, khoanh vùng dịch tả lợn Châu Phi đã được ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Song, số địa phương có dịch cũng như đàn lợn dịch bệnh vẫn cứ tăng bởi sự phức tạp, khó lường của loại vi-rút lan nhanh, chưa hề có thuốc đặc trị. Đằng sau đó, nhiều nỗi lo về sự phát tán dịch ra diện rộng, rồi tiêu thụ thịt lợn để gỡ khó cho người chăn nuôi, hỗ trợ thiệt hại như thế nào... vẫn chưa có lời giải.

Diễn biến phức tạp

Tính đến ngày 20–3, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở gần 250 xã, 58 huyện của 18 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, buộc phải tiêu hủy gần 26.000 con lợn. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, nhất là các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tại Thanh Hóa, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Định Long (Yên Định) vào ngày 23–2, sau đó lan nhanh ra các xã Định Bình, Định Thành, Định Liên, Định Tường và thị trấn Quán Lào – mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng ổ dịch ban đầu. Đến những ngày đầu và giữa tháng 3 này, các ổ dịch ở huyện Thiệu Hóa, TP Thanh Hóa tiếp tục được phát hiện tại hàng chục thôn của 9 xã. Trên bình diện toàn tỉnh, đã có hàng chục hộ gia đình của 17 thôn, 15 xã thuộc 3 địa phương có dịch, buộc phải tiêu hủy 1.230 con lợn với tổng trọng lượng gần 63 tấn.

Nhiều giải pháp khống chế, khoanh vùng các điểm dịch đã được triển khai, nhưng dường như chưa thể ngăn chặn được sự phát tán của vi-rút gây bệnh, bởi rất nhiều nguyên nhân. Qua khảo sát thực tế tại 28 hộ có dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, có 14/28 hộ lấy thức ăn chăn nuôi từ các xe ô tô chở cám đến từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và TP Hải Phòng. Đáng nói, 3 địa phương trên đều là những địa phương có dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn trước tỉnh Thanh Hóa. Vậy, phải chăng nguyên nhân lây dịch bệnh chính là từ các xe chở thức ăn, thậm chí là chính nguồn thức ăn được sản xuất và di chuyển qua vùng dịch?

Trong 28 hộ được khảo sát, có 4 hộ chăn nuôi liền kề các hộ có lợn mắc bệnh trước đó từ 10 ngày trở lên. Rõ ràng, các hộ này bị lây lan trực tiếp từ hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh, có thể do chính con người giao lưu qua lại, hoặc phát tán qua các loại chim, chuột, chó mèo...

10 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác có đàn lợn nhiễm bệnh, trước đó có mua thịt lợn không rõ nguồn gốc từ chợ về ăn, sử dụng thức ăn thừa để nấu cám cho lợn ăn. Mặt khác, những hộ này cũng có thương lái đi xe mô tô đến nhà mua lợn, có thêm lồng bắt lợn chở phía sau (phương tiện và lồng chắc chắn đã đi đến nhiều hộ trong vùng). Như vậy, các hộ này có lợn nhiễm bệnh là do lây lan qua yếu tố con người cũng như tận dụng thức ăn thừa có chế biến từ thịt lợn – có thể là lợn ốm làm lây lan.

Qua khảo sát trên cho thấy, nguyên nhân lây lan của dịch tả lợn Châu Phi vô cùng phức tạp, khó lường, người chăn nuôi cần có sự đề phòng. Đó là chưa kể, các loại côn trùng như ong, bướm, muỗi bay từ chuồng trại có mầm bệnh đến những chuồng trại chưa nhiễm bệnh. Còn cả nguyên nhân ít ai ngờ tới, đó là những tờ tiền được giao dịch qua tay nhiều người, nhất là các hàng bán thịt ngay tại chợ hoặc người mua lợn trả cho chủ chăn nuôi cũng có thể là nguyên nhân lây lan dịch bệnh?

Nhiều băn khoăn, trăn trở

Tại một hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 18–3 vừa qua, Giám đốc Công ty CP Lợn giống Dân Quyền (Triệu Sơn) bày tỏ sự hoang mang, lo lắng tột độ. Ông chủ của 5.700 con lợn thịt này cũng không dám chắc trang trại của công ty mình có thể “trụ” lại bao lâu nữa, khi dịch bệnh đang ngày càng lan rộng khắp nơi. Nếu nhiễm bệnh, hàng nghìn con lợn sẽ bị tiêu hủy. Đáng lo ngại hơn, đến thời điểm hiện tại, cả tỉnh lẫn Trung ương mới có quy định hỗ trợ hộ gia đình, trang trại, gia trại có lợn chết và tiêu hủy do dịch bệnh, nhưng lại chưa có quy định hỗ trợ doanh nghiệp nuôi lợn bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Cũng do “cơn bão” dịch lợn này, nhiều lợn đến kỳ xuất bán nhưng lượng tiêu thụ giảm sâu, chỉ còn khoảng 50% so với trước kia, nên người chăn nuôi vẫn phải bỏ tiền để mua thức ăn duy trì đàn. Những ngày qua, công ty còn không dám cho xe ô tô nhập lợn và thức ăn vào gần khu vực trang trại vì sợ lây lan mầm bệnh. Những rủi ro luôn thường trực, sự an toàn của trang trại lợn lớn bậc nhất xứ Thanh này vẫn chưa ai dám bảo đảm.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 1,2 triệu con lợn. Nếu công tác phòng chống và khoanh vùng dịch không tốt, giả thiết có 50% số lợn bị bệnh và tiêu hủy, tính giá lợn thấp nhất hiện tại khoảng 38 triệu đồng/tấn, cộng với chi phí liên quan tiêu hủy, hóa chất phun... sẽ mất khoảng 2.532 tỷ đồng. Để tiêu hủy được số lợn theo giả thiết trên, toàn tỉnh sẽ phải mất 62,6 ha đất chôn, hệ lụy rất lớn đến vấn đề môi trường trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm tiếp theo.

Trong tổng số 1,2 triệu con lợn nói trên, hiện có tới 60% đến thời kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, cộng với tâm lý e ngại nên nhiều người đã quay lưng với thịt lợn, khiến lợn thương phẩm tiêu thụ chậm. Trước đây, mỗi tháng, tỉnh Thanh Hóa tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn thịt, thì nay chỉ xuất bán được khoảng 4.000 con. Tương tự, 448 lò mổ, cơ sở giết mổ của tỉnh trước đây mỗi ngày giết thịt khoảng 4.500 con lợn, thì những ngày gần đây chỉ còn 2.500 con và đang có xu thế giảm dần. Điều đáng nói, bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ lây lan trong đàn lợn mà không gây nhiễm bệnh cho người và các động vật khác. Tuy nhiên, nhiều người đã “tẩy chay” thịt lợn, kêu gọi không ăn thịt lợn khiến người chăn nuôi đang “tiến thoái lưỡng nan”.

Rồi đây, khi dịch bệnh qua, việc tái đàn lợn sẽ như thế nào khi nhiều chủ nuôi đã kiệt quệ về kinh tế? Việc duy trì đàn lợn bố mẹ có bảo đảm để chủ động nguồn giống sau này? Việc hỗ trợ chủ nuôi có lợn bị bệnh, phải tiêu hủy ra sao; doanh nghiệp nuôi lợn có được hỗ trợ không? Và rất nhiều vấn đề liên quan, tất cả đang dừng lại ở những băn khoăn, chưa có đáp án cuối cùng.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]