(Baothanhhoa.vn) - Là địa phương có trữ lượng tre, luồng lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước, vậy nhưng, giá trị của cây tre luồng  còn thấp. Để đưa loài cây này không chỉ mang tính chất “xóa đói, giảm nghèo” mà còn có thể làm giàu cho người dân khu vực miền núi, tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản và đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Là địa phương có trữ lượng tre, luồng lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước, vậy nhưng, giá trị của cây tre luồng còn thấp. Để đưa loài cây này không chỉ mang tính chất “xóa đói, giảm nghèo” mà còn có thể làm giàu cho người dân khu vực miền núi, tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp cần hoạch định chiến lược phát triển vùng nguyên liệu một cách bài bản và đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu.

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Người dân xã Tam Lư chăm sóc rừng vầu đạt tiêu chuẩn FSC.

Những vùng nguyên liệu “chuẩn”

Huyện Quan Hóa được mệnh danh là thủ phủ luồng của xứ Thanh. Với hơn 27.000 ha luồng, huyện Quan Hóa chiếm tới 34,3% diện tích rừng luồng toàn tỉnh. Diện tích này phân bổ ở 18 xã, thị trấn và phần lớn được quy hoạch vào diện tích rừng sản xuất, được các hộ dân chăm sóc và khai thác, quản lý. Những năm trước đây, việc người dân lạm dụng khai thác quá mức, không chú trọng khâu cải tạo, chăm bón khiến nhiều diện tích rừng luồng rơi vào tình trạng suy kiệt nghiêm trọng. Để khôi phục, nâng cao giá trị cây luồng, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng diện tích thâm canh, phục tráng rừng luồng, huyện Quan Hóa đang tích cực mở rộng diện tích rừng luồng được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới). Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, đến nay, qua 4 năm tổ chức triển khai chăm sóc, bảo vệ, thâm canh rừng luồng (2016-2019), địa phương đã tổ chức phục tráng được 3.100 ha, với 2.000 hộ dân tham gia. Ngoài chính sách hỗ trợ phân bón, huyện đã chỉ đạo các xã hỗ trợ người dân chuyển giao tiến bộ khoa học vào trồng luồng, không khai thác luồng mùa măng mọc, bón phân và vun gốc trồng luồng phải thực hiện đúng kỹ thuật. Địa phương cũng đã xây dựng, nâng cấp được 13 km đường lâm nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thu mua trên địa bàn.

Nhờ thực hiện tốt công tác chăm sóc, thâm canh rừng luồng, đến nay, 2.369,6 ha luồng của 545 hộ dân, tập trung ở 4 xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn và Phú Lệ đã được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn do FSC đề ra đã “mở cửa” cho rừng luồng nơi đây bước vào một thị trường tiêu thụ ổn định và có mức giá cao hơn. Đại diện lãnh đạo UBND xã Thanh Xuân cho biết: Xã có 1.866 ha trồng luồng, từ khi UBND huyện Quan Hóa có chủ trương thúc đẩy các nhóm hộ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, rừng luồng của các gia đình đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật, bón phân theo quy định... nên năng suất, chất lượng cây luồng được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, xã Thanh Xuân có 441,5 ha rừng luồng đã được cấp Chứng chỉ FSC. Nếu như trước kia trung bình 1 ha rừng luồng cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm thì rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC sẽ có thể cho thu nhập tới 30 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ năng suất tăng, toàn bộ diện tích rừng luồng đạt tiêu chuẩn FSC sẽ được Công ty BWG Mai Châu (Cụm Công nghiệp Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) - đơn vị sản xuất tre luồng ép công nghiệp và nội thất thu mua với mức giá cao hơn thị trường, bảo đảm thu nhập của người dân tăng lên 15 - 20%. Sản phẩm chế biến từ luồng Quan Hóa sẽ được công ty xuất khẩu đi khắp thế giới, nhất là hướng đến các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và đối tác lớn nhất hiện nay là Tập đoàn Ikea (Thụy Điển).

Không chỉ tại huyện Quan Hóa, thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững nhằm tăng năng suất, giá trị, thu nhập của cây tre luồng. Hiện nay, diện tích rừng luồng được thâm canh, phục tráng đã lên tới con số 9.180 ha. Qua tổng hợp, đánh giá của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, hệ số sinh măng trên diện tích rừng luồng được bón phân đạt từ 1,3 - 1,5 lần (diện tích không chăm sóc bón phân đạt 0,8 - 1 lần), măng to hơn và lóng dài hơn. Tại huyện Quan Sơn, tháng 4 vừa qua, nhân dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh cũng đã vinh dự được đón nhận chứng chỉ FSC cho 3.045 ha diện tích luồng, vầu. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Mặc dù trữ lượng luồng, tre và các loài cây họ tre trên địa bàn khá lớn, nhưng trước đây, việc quản lý, chăm sóc, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thường xuyên bị ép giá. Khi thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người trồng rừng phải thực hiện các quy trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch. Đây được xem là “chìa khóa” để đưa sản phẩm của địa phương thâm nhập vào những thị trường khó tính với các yêu cầu khắt khe về sự minh bạch trong nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ sản xuất, sử dụng lao động và trách nhiệm đối với xã hội, môi trường. Toàn bộ diện tích luồng, vầu đã được cấp Chứng chỉ FSC cũng được Công ty Ngọc Sơn Thanh Hóa ký hợp tác bao tiêu.

Chú trọng thu hút đầu tư, phát triển khâu chế biến

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 126 cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, luồng; trong đó, có 9 HTX, 17 công ty trong nước, 1 công ty vốn nước ngoài và 99 hộ kinh doanh cá thể. Trong số 45 dự án sản xuất, chế biến tre, luồng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.677 tỷ đồng, trong đó có 21 dự án đã thi công hoàn thành và đi vào sản xuất, 11 dự án đang triển khai thực hiện và 12 dự án đang hoàn thiện thủ tục để thực hiện khởi công. Một số dự án phát triển tre, luồng lớn đang được triển khai thực hiện, như: Dự án Công viên sinh thái tre, luồng Tam Thanh, dự án Ứng dụng công nghệ cao sản xuất tre ép công nghiệp tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước của Công ty CP Mía đường Lam Sơn; dự án nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu Tuấn Vinh tại huyện Bá Thước của Công ty TNHH Sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh... Thực tế cho thấy, khi có sự đầu tư vốn, công nghệ để chế biến sâu, tre, luồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với việc xuất bán nguyên liệu thô.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Tre luồng tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở sản xuất trong tỉnh hiện chỉ mới tiêu thụ khoảng 40% sản lượng tre luồng khai thác hàng năm, 60% còn lại được thương lái thu mua tiêu thụ ở các tỉnh ngoài. Tỷ lệ nguyên liệu tre, luồng đưa vào chế biến còn thấp, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị kinh tế chưa cao... Tiến độ thực hiện các dự án chế biến tre luồng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tiến độ còn chậm. Cơ chế hoạt động của các HTX tre, luồng còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả. Việc thu hút các doanh nghiệp có công nghệ chế biến tre luồng sâu, công nghệ hiện đại vào địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Nhằm “đổi chất” cho ngành tre, luồng xứ Thanh, bên cạnh việc quản lý, phát triển bền vững rừng tre luồng theo hướng thâm canh, kế hoạch phát triển tre, luồng tỉnh Thanh Hóa cũng định hướng tới một số mục tiêu chiến lược nhằm phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tre, luồng bền vững, như: Đến năm 2020 thâm canh được 30.000 ha rừng luồng, năng suất vùng thâm canh đạt 4.000 cây/ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt 40 triệu cây/năm; đến năm 2030, phấn đấu thâm canh 57.000 ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt 76 triệu cây/năm; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 11.000 người dân trồng luồng và đến năm 2020, phát triển thêm 5 nhà máy sản xuất tre, luồng (công suất mỗi nhà máy tương đương 70.000 tấn sản phẩm/năm) và hệ thống 100 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu thô cho nhà máy. Củng cố và phát triển 50 - 55 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, phấn đấu đến năm 2020 ngành thủ công mỹ nghệ sản xuất doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đạt 2.000 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tạo việc làm cho 4.000 lao động trong lĩnh vực sản xuất chế biến tre, luồng với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; đến năm 2030 tạo thêm 10.000 việc làm cho lao động trực tiếp trong lĩnh vực tre, luồng. Nâng giá thu mua nguyên liệu đến năm 2020 tăng lên 2.200 - 2.750 đồng/kg.

Tháng 9-2019 vừa qua, Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập, với phương châm tập hợp, đoàn kết các tổ chức, cá nhân kinh doanh phát triển tre luồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, góp phần vào việc phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường bền vững. Tỉnh ta cũng định hướng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập và phát triển quan hệ với các cơ quan, các tổ chức quốc tế để kêu gọi hỗ trợ, hợp tác, nâng cao giá trị tre luồng.

Kích cầu các dự án có công nghệ hiện đại

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Cùng với những lợi thế từ rừng sản xuất, những năm gần đây, huyện Quan Sơn đã quan tâm thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho vùng nguyên liệu và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 65 doanh nghiệp và 109 cơ sở chế biến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều cơ sở chế biến tre, luồng, vầu, nứa, vật liệu xây dựng. Cụm công nghiệp (CCN) Trung Hạ cũng đã được quy hoạch tại xã Trung Hạ với quy mô 20 ha. Cuối năm 2018 vừa qua, CCN này đã thu hút được Công ty CP Ngọc Sơn Thanh Hóa thuê đất đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu với quy mô 3 ha. Đơn vị này đang thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án chế biến nội thất từ tre, luồng.

Để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng, đạt chuẩn về chất lượng, huyện Quan Sơn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thâm canh, phục tráng các diện tích tre, luồng, vầu bị thoái hóa. Đồng thời, tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, chú trọng, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp chế biến sâu lâm sản ngoài gỗ nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu nứa, luồng, vầu, nhất là những doanh nghiệp có khả năng chế biến với công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, có năng lực tài chính thực hiện dự án.

Nguyễn Văn Bình

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn

Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực tre luồng

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Với tiềm năng lớn từ cây tre, luồng ở tỉnh ta, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quan tâm, tìm hiểu, xây dựng kế hoạch đầu tư dự án trong lĩnh vực tre, luồng. Một số dự án đã và đang triển khai, như: Dự án công viên sinh thái tre, luồng Tam Thanh tại hai huyện Thọ Xuân và Thường Xuân; thành lập cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về giống, kỹ thuật thâm canh tre, luồng tại huyện Thạch Thành; các nhà máy chế biến nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ từ tre, luồng...

Việc xây dựng, phát triển thành công các dự án này sẽ góp phần bảo tồn các loại tre, luồng của tỉnh, nâng cao năng suất rừng trồng, gia tăng giá trị kinh tế cho cây tre, luồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này cần nguồn vốn lớn. Do đó, để những dự án này sớm đi vào hoạt động, tỉnh cần sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án.

Lê Văn Tam

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Chủ tịch

Hiệp hội tre luồng tỉnh Thanh Hóa

Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang lan tỏa trên thị trường, nhất là ở các nước phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên mới ở giai đoạn manh nha phát triển.

Do đó, để giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ tre, luồng tiếp cận thị trường nhiều hơn và phát triển bền vững, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những tác dụng, ưu điểm của các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ tre, luồng, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp. Tích cực đưa sản phẩm tre, luồng của tỉnh tham gia các festival, hội chợ triển lãm do Trung ương, các tỉnh bạn tổ chức để quảng bá và phát triển “thương hiệu” tre, luồng Thanh Hóa. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao thương, ký kết các hợp đồng kinh tế mua bán, trao đổi các sản phẩm tre, luồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tre, luồng tỉnh ta gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng cần tổ chức thật tốt các khâu dịch vụ từ sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến các sản phẩm tre, luồng phục vụ cho nhu cầu xã hội và xuất khẩu.

Nguyễn Mạnh Cường

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina,

xã Hà Ninh (Hà Trung)

Tăng giá trị kinh tế sau chế biến sâu

Phát triển sản xuất, kinh doanh tre, luồng bền vững

Hiện nay, sản phẩm tre, luồng nguyên liệu được xuất bán cho thương lái đưa ra tỉnh ngoài tiêu thụ có giá trị khá thấp, trung bình chỉ đạt từ 20.000 - 30.000 đồng/cây. Thực trạng này khiến thu nhập của người trồng luồng khá eo hẹp. Nguồn thuế thu được từ ngành nghề sản xuất, kinh doanh tre, luồng thấp. Tuy nhiên, với nguyên liệu sau khi qua các công đoạn chế biến sẽ tăng giá trị kinh tế lên nhiều.

Điển hình như tại Công ty TNHH Vivaboo, xã Tân Thành (Thường Xuân), đang thực hiện biến sản phẩm tre luồng thành đồ nội thất và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, như: Đũa tre, thìa tre, ống hút tre, đồ lưu niệm, lắp đặt nhà tre, giá trị tăng nhiều lần so với giá trị nguyên liệu đầu vào. Do đó, Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tre, luồng, vừa nâng cao giá trị vùng nguyên liệu tỉnh ta với những tiềm năng hiếm có, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại các địa phương.

Lê Xuân Hà

Công ty TNHH Vivaboo, xã Tân Thành (Thường Xuân)

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]