(Baothanhhoa.vn) - Đi giữa bạt ngàn màu xanh của rừng sản xuất trên địa bàn các xã Phượng Nghi, Xuân Thọ (Như Thanh) và xã Thượng Ninh (Như Xuân), chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn từ cán bộ, công nhân Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sim.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn - hướng làm giàu ở khu vực miền núi

Phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn - hướng làm giàu ở khu vực miền núi

Mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của gia đình ông Lâm Ngọc Hải (xã Thanh Tân, huyện Như Thanh).

Đi giữa bạt ngàn màu xanh của rừng sản xuất trên địa bàn các xã Phượng Nghi, Xuân Thọ (Như Thanh) và xã Thượng Ninh (Như Xuân), chúng tôi được lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn từ cán bộ, công nhân Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sim.

Đưa mắt nhìn bao quát khu rừng, các đồng chí phấn khởi cho biết: Từ năm 2015 đến tháng 8-2019, BQL rừng phòng hộ Sim đã xây dựng được các mô hình trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích gần 300 ha. Do trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của rừng gỗ lớn nên cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Ban đã tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo đúng quy trình kỹ thuật để chuyển hóa một số diện tích rừng kinh doanh gỗ nhỏ trên địa bàn thành rừng gỗ lớn để tăng thêm thu nhập.

Khi được hỏi về những khó khăn trong phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, nhiều chủ rừng ở một số xã thuộc huyện Như Thanh, Như Xuân chân thành chia sẻ: Thời gian vừa qua có nhiều người đến hỏi mua gỗ nhỏ băm gỗ dăm hoặc làm bột giấy giá khoảng 1,1 triệu đồng/1 tấn. Các chủ rừng không khỏi trăn trở suy nghĩ trước thực tế để rừng keo phát triển thêm vài năm nữa mới khai thác sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện tại gia đình đang khó khăn về kinh phí lo cho cuộc sống trước mắt, nuôi con ăn học... Hơn nữa, chuyển hóa thành rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài nên chủ rừng có thể gặp rủi ro như thiên tai gió bão, lốc, nắng nóng kéo dài... gây đổ gãy, cháy rừng sẽ thiệt hại lớn...

Men theo những con đường rợp bóng cây xanh, chúng tôi ghé thăm trang trại rừng của gia đình ông Lâm Ngọc Hải - một mô hình phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn hiệu quả, sáng tạo, rất đáng học hỏi, thể hiện được nỗ lực và tâm huyết của người làm. Ông Hải cho biết: “Mức đầu tư bình quân 15 triệu đồng cho 1 ha trồng, chăm sóc và bảo vệ... rừng gỗ lớn. Những năm vừa qua, nhiều tư thương đến “gạ” khai thác gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng/1 tấn, nguồn thu chưa trừ chi phí khoảng 70 triệu đồng/ha”. Từng có kinh nghiệm nhiều năm nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng nên vợ chồng ông Hải nhẩm tính: “4 năm tới là giai đoạn rừng keo của gia đình tăng sinh khối nhanh, năng suất bình quân đạt hơn 20 m3/1 ha/năm và giá bán gỗ lớn tăng khoảng 3 lần, doanh thu bình quân đạt hơn 350 triệu đồng/ha”. Suy nghĩ được như vậy nhưng làm thế nào có thể tìm ra được lời giải cho “bài toán” khó: Vừa để rừng keo phát triển thêm vài năm nữa mới khai thác sẽ cho hiệu quả kinh tế cao với việc trước mắt phải giải quyết là trả nợ nguồn vốn đã vay mượn đầu tư cho gần 30 ha rừng, trong đó có hơn 10 ha gỗ lớn trồng cách đây gần 11 năm và trang trải cuộc sống vẫn luôn là nỗi niềm khiến gia đình đang phải trăn trở, canh cánh nỗi lo. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Hải cũng tìm được hướng giải quyết. Ông phân tích: “Nếu chỉ thuần túy trồng rừng thì áp lực kinh tế trong thời gian chờ đợi cây sinh trưởng và phát triển sẽ khiến mình dễ nản lòng. Tại sao mình không thử kết hợp chăn nuôi, tận dụng quỹ thời gian để kiếm thêm thu nhập, trang trải kinh tế”.

Khảo sát tại trang trại rừng của gia đình ông Lâm Ngọc Hải, chúng tôi rất vui mừng chứng kiến đàn gia súc, gia cầm đông đúc và hàng chục bọng ong mật dưới tán rừng, đã và đang góp phần giải quyết nhu cầu cuộc sống hiện tại. Với cách làm này, gia đình ông Hải không những có điều kiện phát triển 10 ha rừng gỗ lớn mà còn chuyển hóa được 10 ha gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Theo ông Hải, những khó khăn, trăn trở của chủ rừng sẽ được giải quyết ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc thu hút doanh nghiệp vào liên kết với chủ rừng từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm thì phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn mới thực sự hiệu quả, mang tính bền vững.

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng, điều kiện thuận lợi về sinh thái, đất đai, lao động và thị trường để phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ trung bình phù hợp với nhiều loại cây trồng lâm nghiệp có khả năng phát triển thành rừng gỗ lớn. Trong những năm gần đây, phong trào trồng rừng sản xuất đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, trước đây hầu hết diện tích trồng rừng là gỗ nhỏ, trồng theo phương thức quảng canh, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Nhìn chung, rừng gỗ trồng trên địa bàn tỉnh không đồng đều, chủ yếu là rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Lợi nhuận mới đáp ứng được nhu cầu đời sống trước mắt mà chưa có khả năng tích lũy, làm giàu từ rừng.

Các năm vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Tổng cục lâm nghiệp triển khai xây dựng hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh,... để tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhân ra diện rộng. Qua theo dõi đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy rừng trồng gỗ lớn đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất vào giai đoạn từ 8-12 năm tuổi. Thông qua mô hình chuyển hóa rừng keo kinh doanh gỗ lớn tổng trữ lượng rừng bình quân dự kiến đạt 250 m3/ha, doanh thu bình quân đạt khoảng 350 triệu đồng/ha/chu kỳ. Trong khi đó, gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy (băm dăm) khoảng 1,1 triệu đồng/tấn, bình quân đạt từ 90 - 130 triệu đồng/ha/2 chu kỳ gỗ nhỏ. Trên cùng một diện tích rừng việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn kéo dài thêm khoảng từ 5-7 năm so với gỗ nhỏ nhưng giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5 đến 3 lần so với việc thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Ngoài ra, kinh doanh gỗ lớn giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, góp phần giảm xói mòn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Điển hình như mô hình trồng rừng gỗ lớn tại BQL rừng phòng hộ Lang Chánh, BQL rừng phòng hộ Sim và các hộ gia đình tại huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh...

Đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phạm Chí Dũng, cho biết: Đến tháng 8-2019 toàn tỉnh đã trồng được 3.000 ha gỗ lớn (đạt 60% kế hoạch năm 2019), đưa tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của Thanh Hóa hiện nay lên 48.500 ha, đạt 86% kế hoạch phát triển kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016-2020. Các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta, lim xanh, lát hoa,... đã và đang được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt. Nhờ tích cực trồng và bảo vệ rừng, người dân trong vùng có thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống; nhiều hộ trong vùng đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại nông - lâm kết hợp, cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, phát triển rừng gỗ lớn với quy mô lớn tại Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn. Điển hình như khu vực miền núi hạ tầng giao thông xuống cấp đã và đang cản trở việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Chu kỳ kinh doanh dài, vốn đầu tư lớn nên chỉ những hộ có đủ vốn, diện tích lớn mới có điều kiện phát triển rừng gỗ lớn. Thực tế việc tuyển chọn các loài cây thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau còn nghèo nàn và đơn điệu. Hiện tại, keo tai tượng vẫn là loài cây chủ lực được lựa chọn với tỷ lệ trồng trên 70% diện tích, còn lại một số loài như xoan ta, mỡ, lát hoa, lim xanh, sao đen... Số cơ sở chế biến sản phẩm gỗ tinh chưa nhiều, tỷ lệ sử dụng gỗ rừng trồng chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu và chậm được chuyển đổi. Thiên tai bão lũ, nắng hạn kéo dài... có thể gây thiệt hại cho chủ rừng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn, ngày 27-10-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4170/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Với mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh hình thành và phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn quy mô khoảng 56.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản; tuyên truyền, vận động nhân dân huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác phát triển kinh doanh rừng gỗ lớn. Thực hiện quyết định nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tham mưu xây dựng, bố trí quỹ đất phát triển vùng kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn; chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn; quy định tiêu chuẩn chất lượng cây giống trồng gỗ lớn; xác định cơ cấu cây trồng gỗ lớn. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu, hội nhập sâu vào thị trường lâm sản quốc tế, đến nay toàn tỉnh đã có gần 8.000 ha rừng trồng (vầu, luồng, gỗ lớn) tại các huyện Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn đã được Tổ chức Quản lý rừng bền vững Quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp. Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm (từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Triển khai thực hiện các mô hình kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các loài cây chu kỳ kinh doanh ngắn để đảm bảo thu nhập trước mắt cho chủ rừng trong khi rừng gỗ lớn chưa đến kỳ khai thác.

Với quyết tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và sự “vào cuộc” của các ngành, địa phương liên quan, thực tế phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn ở tỉnh ta đã và đang thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Thùy Dương


Thùy Dương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]