(Baothanhhoa.vn) - Huyện Tĩnh Gia có 34 xã, thị trấn nhưng có tới 16 xã thuộc diện khó khăn, nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các xã thuộc vùng khó được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế của huyện. Do đó, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo các xã vùng khó nỗ lực, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển kinh tế ở các xã vùng khó huyện Tĩnh Gia

Huyện Tĩnh Gia có 34 xã, thị trấn nhưng có tới 16 xã thuộc diện khó khăn, nên việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tại các xã thuộc vùng khó được xem là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế của huyện. Do đó, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Tĩnh Gia đã chỉ đạo các xã vùng khó nỗ lực, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát triển kinh tế ở các xã vùng khó huyện Tĩnh Gia

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Hải Châu giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân.

Phú Lâm là xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Tĩnh Gia, năm 2016, toàn xã có tới 18,5% số hộ dân thuộc hộ nghèo, 20% số hộ thuộc hộ cận nghèo. Sự khó khăn xuất phát từ việc do là xã miền núi, phát triển kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển lâm nghiệp của xã rất hạn chế, do toàn xã có khoảng hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp, nhưng trong đó có tới 700 ha thuộc đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tĩnh Gia, chỉ còn lại 300 ha giao lại cho các hộ dân, nên cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ quỹ đất lâm nghiệp không nhiều. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc phát triển, nâng cao giá trị trong sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, toàn xã có 80% diện tích sản xuất nông nghiệp phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, nên năng suất trung bình trong sản xuất lúa chỉ đạt 1,2 - 1,5 tạ/sào, hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, đảng ủy và chính quyền xã Phú Lâm đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp đã được chính quyền xã Phú Lâm triển khai, như: Chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây màu có khả năng chịu hạn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn; tập trung phát triển kinh tế vườn rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thực hiện các dự án trồng rừng tập trung kết hợp với chăn nuôi. Ngoài ra, mỗi năm, xã Phú Lâm còn dùng nguồn vốn được hỗ trợ 4 thôn khó khăn để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho các hộ nghèo phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi nhằm kích cầu phát triển nông nghiệp... Nhờ đó, phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế toàn xã nói chung đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha sản xuất của toàn xã đạt gần 90 triệu đồng/năm, gấp 3 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã tính đến cuối tháng 9-2019 giảm xuống chỉ còn 5,53%, hộ cận nghèo giảm xuống còn 16,84%.

Hải Bình là xã khó thuộc vùng bãi ngang, đời sống nhân dân cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, để phát huy tiềm năng của địa phương trong phát triển kinh tế, xã Hải Bình đã tập trung hỗ trợ, khuyến khích ngư dân phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá và đa dạng các nghề chế biến hải sản; đồng thời, triển khai thực hiện và phát triển thêm một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất. Nhờ đó, việc khai thác, thu mua, chế biến hải sản trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Hiện, ngoài số tàu khai thác có công suất lớn, xã Hải Bình còn có hơn 100 tàu làm dịch vụ hậu cần trên biển, với sản lượng thu mua hải sản hàng năm đạt khoảng 98.000 tấn và hơn 2.000 lao động có việc làm từ nghề khai thác, chế biến hải sản, với mức thu nhập 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,91%, hộ cận nghèo chỉ còn 3,29%.

Để tiếp sức cho các xã vùng khó phát triển kinh tế, những năm qua, huyện Tĩnh Gia đã và đang đẩy mạnh việc du nhập, nhân cấy và phát triển các ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; hỗ trợ người dân các xã vùng khó xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các xã vùng khó xây dựng, hoàn thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài Và Ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]