(Baothanhhoa.vn) - Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế đồi rừng, từng bước vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển kinh tế đồi rừng ở miền núi

Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế đồi rừng, từng bước vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Phát triển kinh tế đồi rừng ở miền núiMô hình trồng cây ăn quả quy mô lớn tại thị trấn Vân Du (Thạch Thành).

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thôn 1, thị trấn Vân Du (Thạch Thành) nhận khoán 30 ha đất đồi rừng. Trước đây, diện tích này chủ yếu là cây bụi và canh tác một số cây trồng ngắn ngày khác. Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất sản xuất của huyện Thạch Thành, gia đình bà Dung đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả, cây mía... Đến nay, gia đình bà đã hình thành phát triển được vùng cây ăn quả tập trung với 2 ha cây thanh long, 10 ha cây mắc ca và 7 ha cam, bưởi... cho giá trị kinh tế cao. Hàng năm, thu nhập từ các loại cây trồng đạt hơn 1 tỷ đồng.

Trong những năm qua, huyện Thạch Thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nhận khoán đất đồi rừng phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng; phát triển rừng gỗ lớn; trồng cây ăn quả... Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế khuyến khích Nhân dân trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, huyện Thạch Thành đã phát triển được 1.343 trang trại nông, lâm kết hợp. Nhiều trang trại cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng cho doanh thu từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm, như: Các hộ ông Lê Sơn Hải, Nguyễn Văn Ngọc, Hà Đông Giang, xã Thành Vân; Nguyễn Văn Dương, xã Thành Long; Bùi Văn Mạnh, xã Ngọc Trạo...

Hiện nay, trên địa bàn các huyện miền núi đã có 79 trang trại đạt tiêu chí của Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tập trung, ở các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Bá Thước... Đây là những trang trại sản xuất tập trung quy mô lớn, doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ đồng/trang trại. Ngoài ra, tại các địa phương cũng xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với phát triển các mô hình sản xuất kinh tế đồi rừng, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát triển kinh tế và các sản phẩm từ rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 248.529,07 ha diện tích có rừng trồng; trong đó, có 17.422 ha rừng ở các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ. Trên cơ sở đó, các huyện miền núi của tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, hiện các huyện miền núi đang tập trung quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất đồi rừng. Tiếp tục nhân rộng những mô hình kinh tế có hiệu quả, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế đồi rừng và khuyến khích người dân đưa những giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách của địa phương và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất... Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển các loại cây trồng thế mạnh của địa phương.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]