(Baothanhhoa.vn) - Toàn tỉnh hiện có 943.376 hộ chăn nuôi; trong đó, chăn nuôi trâu, bò là 245.008 hộ, chăn nuôi lợn 213.168 hộ, chăn nuôi gia cầm 485.200 hộ và chăn nuôi nông hộ chiếm hơn 60% tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng ổn định, bền vững

Toàn tỉnh hiện có 943.376 hộ chăn nuôi; trong đó, chăn nuôi trâu, bò là 245.008 hộ, chăn nuôi lợn 213.168 hộ, chăn nuôi gia cầm 485.200 hộ và chăn nuôi nông hộ chiếm hơn 60% tỷ trọng ngành chăn nuôi.

Một hộ chăn nuôi tại xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa).

Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh, giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân khu vực nông thôn.

Nhận thấy tầm quan trọng của chăn nuôi nông hộ đối với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, nên những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã định hướng để phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo đó, nhiều giải pháp được tập trung thực hiện, như: Tuyên truyền, phổ biến đến các hộ chăn nuôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi; xây dựng hầm biogas nhằm bảo vệ môi trường... Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng việc chăn nuôi nông hộ tại nhiều địa phương không những không được cải thiện mà ngày càng bị thu hẹp cả về số lượng và quy mô, nhất là chăn nuôi lợn. Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết quý I-2018, đàn lợn từ chăn nuôi nông hộ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến chăn nuôi nông hộ đang dần bị thu hẹp là do giá thị trường không ổn định, khiến cho nhiều hộ dân giảm số lượng nuôi hoặc không thực hiện tái đàn, dẫn đến việc chăn nuôi nông hộ bị thu hẹp. Việc phát triển chăn nuôi nông hộ chủ yếu theo kiểu tự phát, đa phần các hộ chăn nuôi khi vật nuôi giá giảm thì đồng loạt bỏ trống chuồng nuôi, còn lúc giá tăng thì lại ồ ạt tái đàn, dẫn đến cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi chưa được chú trọng, do đó năng suất, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi thấp, các loại dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan...

Để phát triển chăn nuôi nông hộ, nhất là sau thời gian “bão” giá vừa qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang hoạch định lại chiến lược phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, bền vững. Theo đó, việc phát triển, đổi mới chăn nuôi nông hộ không chú trọng gia tăng số lượng đàn nuôi một cách cơ học mà hướng tới chăn nuôi có kiểm soát, nâng cao tính cạnh tranh, trong đó chú trọng đến vấn đề chọn giống và tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân các bộ giống có chất lượng tốt, thích hợp để nâng tầm vóc, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm môi trường. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ tiêm phòng để kiểm soát dịch bệnh, xây dựng công trình biogas; hỗ trợ cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò tại các hộ chăn nuôi thông qua công tác phối tinh nhân tạo... Ngoài ra, các địa phương cũng đang chủ động thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi nông hộ.

Việc thực hiện các giải pháp nói trên đã và đang tạo được những chuyển biến tích cực trong việc củng cố chăn nuôi nông hộ tại một số địa phương. Ví như huyện Triệu Sơn, thời gian qua, nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi kinh phí xây dựng chuồng trại, mua giống chất lượng; hỗ trợ tiền công tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc và hỗ trợ lắp đặt công trình biogas, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thuê đất, vay vốn ưu đãi đã giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực chăn nuôi. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tái đàn nuôi của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt 100%; trong đó, có 70% số hộ duy trì số lượng đàn nuôi, còn 30% số hộ mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.

Ông Mai Thế Sang, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, do chịu ảnh hưởng của giá thị trường nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có xu thế giảm, nhất là chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên, nhờ kịp thời thực hiện các giải pháp phát triển theo hướng ổn định, bền vững, nên chăn nuôi nông hộ đang được phục hồi, tâm lý của người chăn nuôi hiện cũng đã đi vào ổn định. Quan trọng hơn, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến của các tổ chức và chính quyền địa phương, nhiều hộ chăn nuôi đã nâng cao được nhận thức, không chủ quan trong việc quyết định tăng số lượng và mở rộng quy mô chăn nuôi.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]