(Baothanhhoa.vn) - Với sản lượng lương thực khoảng 1,6 triệu tấn/năm, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt khoảng 180.000 tấn và gần 600.000 ha rừng sản xuất, là nguồn nguyên liệu dồi dào để tỉnh ta phát triển hệ thống nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy, hải sản. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn, công nghệ và lỏng lẻo trong khâu liên kết với vùng nguyên liệu, nhiều nhà máy đầu tư với số vốn lớn nhưng phải hoạt động cầm chừng, chưa khai thác được công suất đầu tư.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Với sản lượng lương thực khoảng 1,6 triệu tấn/năm, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt khoảng 180.000 tấn và gần 600.000 ha rừng sản xuất, là nguồn nguyên liệu dồi dào để tỉnh ta phát triển hệ thống nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy, hải sản. Tuy nhiên, do hạn chế về vốn, công nghệ và lỏng lẻo trong khâu liên kết với vùng nguyên liệu, nhiều nhà máy đầu tư với số vốn lớn nhưng phải hoạt động cầm chừng, chưa khai thác được công suất đầu tư.

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Vùng nguyên liệu cà rốt xuất khẩu tại xã Hoằng Đạo liên kết với Công ty TNHH Kim Huy Việt Nam.

Nghịch lý thiếu, thừa nguyên liệu

Năm 2015, Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thắng Phát, xã Hải Long (Như Thanh) thuê 1 ha đất, đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến lâm sản. Sản phẩm của nhà máy là gỗ nan thanh, gỗ băm dăm xuất khẩu. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay, công ty thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Theo thiết kế, với hệ thống máy móc đã đầu tư, để bảo đảm công suất, công ty cần 450 tấn nguyên liệu gỗ keo/ngày. Tuy nhiên, có thời điểm, lượng nguyên liệu thu mua được chỉ đạt 1/10 nhu cầu thực tế. Thiếu ổn định nguyên liệu dẫn đến công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng sản lượng theo đơn hàng xuất khẩu, đồng thời, bị động trong việc bố trí lao động.

Đây cũng là tình trạng chung của các nhà máy chế biến lâm sản với đầu vào là nguyên liệu gỗ keo trên địa bàn huyện Như Thanh và các địa phương khác. Nguyên nhân được xác định là do sự “tranh giành” nguyên liệu giữa các cơ sở chế biến. Hơn nữa, người dân trồng keo vẫn còn khai thác keo non, khiến diện tích rừng trồng tuy lớn nhưng lượng sinh khối khai thác/ha còn thấp, khiến nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất càng thiếu thốn. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Long, cho biết: Xã hiện có 500 ha trồng keo và 2 đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm từ gỗ keo. Tuy đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, phát triển rừng gỗ lớn để trong tương lai có thể đáp ứng yêu cầu số lượng và chất lượng cao hơn cho các nhà máy, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, nhưng hiện tại địa phương mới phát triển, bảo vệ được 20 ha. Do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân địa phương đa phần khai thác keo non khi mới 3-4 năm tuổi, khiến sản lượng nguyên liệu cung cấp cho 2 nhà máy chế biến thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt. Các doanh nghiệp phải đi thu mua thêm ở các xã lân cận vẫn không đủ để đáp ứng công suất nhà máy.

Trong nhiều năm qua, dù đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản lớn trong tỉnh cũng vẫn trong tình trạng “đói” nguyên liệu và chỉ duy trì được 20-50% công suất. Tại Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Long Hải (Tĩnh Gia), sau khi luồng lạch vào Cảng cá Lạch Bạng được nạo vét, khơi thông, sản lượng thủy sản nguyên liệu cung cấp cho nhà máy có tăng lên nhưng không đáng kể, do các tàu công suất lớn vẫn chưa thuận lợi vào cảng cung cấp nguyên liệu vì vậy nhà máy vẫn đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, với các lĩnh vực khác như nông sản, lâm sản từ tre, luồng, hiện lại đang thiếu các nhà máy chế biến, nhất là các nhà máy có công nghệ hiện đại, có công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm này. Điển hình như hiện nay, các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh khá hiếm hoi, chỉ mới chế biến, tiêu thụ được một tỷ lệ nhỏ, không đáng kể nguồn nông sản. Hay như vùng nguyên liệu cho chế biến tre, luồng rất tiềm năng với hơn 70.000 ha rừng luồng tại các huyện: Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn nhưng chỉ có 126 cơ sở thu mua và chế biến luồng công suất nhỏ và vừa. Hơn nữa, quy mô của các cơ sở còn nhỏ bé, công nghệ chế biến lạc hậu, chủng loại sản phẩm đơn điệu, chủ yếu là đũa thô, ván sàn, giấy vàng mã, hàng thủ công mỹ nghệ. Tỷ lệ sử dụng sinh khối của cây luồng thấp, chỉ đạt trên 30%. Số còn lại của sinh khối cây luồng bị coi là phụ phẩm và dùng để sản xuất bột giấy và than với giá trị kinh tế thấp.

Tăng cường liên kết, đẩy mạnh chế biến sâu

Đại diện Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Khó khăn hiện tại của các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng có nguyên do là lỏng lẻo trong khâu liên kết giữa các nhà máy và vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó là hạn chế về năng lực công nghệ, chưa có nhiều nhà máy đầu tư chế biến sâu, khiến nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chưa được gia tăng cao về giá trị.

Thực tế, trong lĩnh vực chế biến thủy, hải sản, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã nhận ra vai trò quan trọng trong khâu liên kết nhà máy với vùng nguyên liệu, điển hình như: Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Long Hải, Công ty CP Sông Việt đã mạnh dạn đầu tư vốn cho các đội tàu đánh bắt xa bờ, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đầu tư thuê mặt nước liên kết nuôi ngao với nông dân huyện Nga Sơn...

Công tác liên kết được triển khai giúp các nhà máy ổn định hơn nguồn nguyên liệu chế biến, bớt phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, hạ giá thành sản xuất, ổn định sản lượng chế biến, xuất khẩu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, sản lượng nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế vì còn hạn chế ở khâu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo quản hải sản xa bờ, khiến các tàu khai thác thường bán hải sản cho các tàu hậu cần thu mua trên biển.

Nhiều chủ đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản kêu khó trong vấn đề hợp tác liên kết vùng nguyên liệu với nông dân do lo ngại tính ổn định và bền chặt của “sợi dây” liên kết. Thực tế vấn đề này vẫn có hướng giải quyết khi có sự đầu tư của doanh nghiệp và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Điển hình như với cây keo, một số nhà máy chế biến lâm sản lớn đã chủ động liên kết với người dân phát triển các vùng nguyên liệu gắn liền với cấp chứng chỉ FSC. Tại huyện Thạch Thành, nhằm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng quy trình trồng gỗ lớn mang lại năng suất, chất lượng, từ năm 2016, Công ty CP Chế biến gỗ Xuân Sơn đã liên kết với các hộ trồng rừng trên địa bàn 8 xã của huyện tham gia dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của châu Âu, với diện tích gần 1.715 ha keo và 1.350 hộ trồng rừng tham gia. Để thực hiện thành công dự án, công ty đã mời chuyên gia khảo sát diện tích ban đầu cho nhóm hộ, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng rừng, quy trình trồng, chăm sóc, khai thác đạt kết quả cao, tránh tàn phá môi trường, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của FSC; đồng thời, công ty hỗ trợ 20 triệu đồng tiền giống/ha cho người dân. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, gần 1.715 ha keo đã được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ FSC Qualifor quốc tế. Toàn bộ vùng nguyên liệu được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định. Công ty CP Xuân Sơn đã liên kết với Công ty CP Lâm sản Nam Định (đây là đơn vị chế biến gỗ xuất khẩu FSC sang thị trường các nước châu Âu, EU) thu mua sản phẩm keo cho bà con. Sau khi tham gia dự án, chất lượng rừng keo được nâng lên, sản phẩm gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, doanh thu bình quân đạt 300 đến 350 triệu đồng/ha. Thu nhập nâng lên, người trồng rừng cũng sẽ yên tâm chăm sóc, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy đã tham gia ký kết. Tháng 4 vừa qua, vùng nguyên liệu vầu tại các xã Tam Lư, Tam Thanh (Quan Sơn) với diện tích 3.045 ha cũng đã được cấp chứng chỉ FSC nhờ sự liên kết, hợp tác giữa Công ty CP Ngọc Sơn và 637 hộ trồng vầu, mở hướng phát triển ổn định, với nguồn gốc xuất xứ đủ điều kiện xuất khẩu cho nhà máy chế biến tham gia chương trình liên kết.

Toàn tỉnh có khoảng 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy, hải sản. Để phát triển bền vững hệ thống cơ sở chế biến này, gia tăng giá trị cho nông, lâm, thủy sản, chính quyền các địa phương cần tích cực vào cuộc trong vấn đề tái cấu trúc vùng nguyên liệu gắn với sự hình thành và phát triển của các nhà máy chế biến; thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng cho các nhà máy chế biến, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, tiếp cận vốn để các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Triển khai, thực thi có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các chính sách hỗ trợ về vốn để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực sản xuất... Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư trong khâu liên kết; đầu tư, phát triển công nghệ chế biến sản phẩm theo hướng hàm lượng khoa học công nghệ cao, gia tăng giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong các hoạt động liên kết và ứng dụng công nghệ

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn có 65 doanh nghiệp và 109 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào một số ngành nghề có lợi thế về nguyên liệu và lao động, như: Sản xuất các sản phẩm từ tre, luồng, vầu, nứa... Hiện các cơ sở này đang tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại và hợp tác chặt chẽ trong phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn chưa nhiều, khiến giá trị gia tăng một số sản phẩm được đánh giá là lợi thế ở địa phương chưa cao. Do đó, để phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến, các nhà đầu tư cần quan tâm tới công tác ứng dụng công nghệ chế biến tiên tiến; đồng thời tích cực đầu tư vào vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy. Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người trồng rừng, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Điển hình như, thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ cùng nhân dân 2 xã Tam Lư, Tam Thanh và Công ty CP Ngọc Sơn trong hành trình cấp chứng chỉ FSC để ổn định diện tích, chất lượng cây vầu. Để duy trì và mở rộng quản lý rừng bền vững có chứng chỉ trong những năm tiếp theo, UBND huyện, các xã sẽ tiếp tục sát sao chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện tốt các phương án, bảo vệ rừng bền vững và tuân thủ theo các nguyên tắc quản lý rừng FSC. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong các hoạt động liên kết và ứng dụng công nghệ.

Nguyễn Văn Bình

Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn

Đầu tư vùng nguyên liệu để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu khá lâu trên thị trường, nhưng giai đoạn từ năm 2017 trở về trước, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa thường xuyên gặp phải tình trạng khó khăn về nguồn nguyên liệu. Chất lượng nguyên liệu hay gặp sự cố do các vùng nguyên liệu ngao trong tỉnh chưa được áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật trong canh tác, chưa đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhận định phát triển thị trường ở phân khúc khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu với các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng khắt khe, bên cạnh việc tận dụng tối đa các cơ hội tiếp xúc khách hàng tại các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ để quảng bá sản phẩm, đổi mới công nghệ, công ty đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với nông dân nuôi ngao và thuê 200 ha diện tích nuôi ngao tại huyện Nga Sơn để trực tiếp sản xuất. Tại đây, ngao được nuôi trồng theo đúng quy trình, bảo đảm nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và các chỉ tiêu kỹ thuật để làm đầu vào cho sản xuất.

Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 công ty đã chinh phục một số thị trường mới. Sản lượng, doanh thu xuất khẩu tăng trưởng đều từ 20-30%.

Trịnh Thị Cúc

Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa

Tăng cường chỉ đạo của chính quyền địa phương trong việc ổn định vùng nguyên liệu cho chế biến lâm sản

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Việc không đủ nguồn nguyên liệu đáp ứng cho công suất của nhà máy chế biến lâm sản khiến các chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đơn hàng với đối tác và ổn định việc làm cho người lao động.

Để tạo điều kiện cho các nhà máy chế biến hoạt động hiệu quả, góp phần tiêu thụ sản lượng nguyên liệu ổn định cho người trồng rừng, tạo nhiều việc làm cho người lao động, chính quyền các địa phương cần “vào cuộc” cùng doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp ổn định vùng nguyên liệu. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không khai thác keo non, phát triển, chăm sóc rừng trồng theo hướng rừng gỗ lớn, năng suất, chất lượng cao, cần thực hiện dẹp bỏ các điểm thu mua nguyên liệu không phép hoạt động, giúp doanh nghiệp ổn định nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Nguyễn Văn Thắng

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thắng Phát (Như Thanh)

Ổn định diện tích vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản

Phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản

Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu rau quả. Bên cạnh vùng nguyên liệu tại tỉnh Ninh Bình, hàng năm công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, với diện tích gần 15.000 ha. Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có vùng nguyên liệu diện tích sản xuất rau quả xuất khẩu lớn với 3.000 ha mỗi năm. Đây là địa bàn điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng xuất khẩu. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi trong tích tụ, tập trung đất đai, sẽ phát triển được nhiều vùng sản xuất rau quả xuất khẩu quy mô lớn, mang lại nguồn nguyên liệu ổn định cho công ty và lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề phát triển vùng nguyên liệu vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sản xuất rau, củ, quả trong tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là khá khó khăn, bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ. Đồng thời, ngăn cản quá trình áp dụng khoa học - kỹ thuật, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và quản lý dịch bệnh.

Để tạo thuận lợi cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản xuất khẩu, địa phương cần tập trung xác định các sản phẩm chủ lực là vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Từ đó, có cơ chế giám sát, ổn định diện tích, chất lượng vùng nguyên liệu để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.

Phạm Ngọc Thành

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]