(Baothanhhoa.vn) - HTX dịch vụ nông nghiệp - một dạng của mô hình kinh tế tập thể đang phát huy vai trò giúp nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh kết nối sản xuất - tiêu thụ, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy vai trò của HTX trong liên kết sản xuất

HTX dịch vụ nông nghiệp - một dạng của mô hình kinh tế tập thể đang phát huy vai trò giúp nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh kết nối sản xuất - tiêu thụ, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh mún...

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Định Tường (Yên Định) đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy sấy lúa làm dịch vụ cho nông dân trong vùng.

Sau khi đổi mới theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX đã cải tổ, thay đổi phương thức hoạt động như những doanh nghiệp. Những thành viên của HTX đều phải đóng cổ phần, có nghĩa bắt buộc phải đóng góp vốn và tài sản nên đều có trách nhiệm với sự phát triển chung. Chuyện vào làm trong HTX không còn đơn thuần là để nhận thu nhập hằng tháng, mà phải cùng nỗ lực để HTX làm ăn có lãi. Người đứng đầu HTX là giám đốc, chịu trách nhiệm hạch toán kinh doanh, vạch ra chiến lược, chứ không để HTX “tồn tại”... cho có ở địa phương.

Từ nhiều năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đã trở thành cầu nối cho nhân dân trong xã, thậm chí cả trong vùng phát triển những vùng cây trồng hàng hóa trù phú quanh năm. Hết khoai lang Nhật Bản, dưa chuột bao tử, ngô ngọt rồi ớt xuất khẩu... thay nhau gối vụ trên những vùng đất cát pha không mấy màu mỡ của vùng biển Hậu Lộc.

Ở phía huyện Nga Sơn lân cận, các HTX dịch vụ nông nghiệp của các xã Nga An, Nga Thành, Nga Yên, Nga Trung... cũng đứng ra liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất khoai tây cao sản, lạc phủ ni lon, ngô ngọt... Thành công nhất phải kể đến vùng chuyên canh dưa dấu với diện tích mỗi năm trên dưới cả trăm héc-ta trên địa bàn huyện. Đáng nói, dưa hấu ở đây có nơi bao tiêu bền vững là các doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương liên kết, mà các HTX dịch vụ nông nghiệp chính là cầu nối. Hàng năm, phía doanh nghiệp cung cấp giống, phía các HTX có tránh nhiệm triển khai sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân... Từ đó, những mô hình dưa hấu chuyên canh cho thu nhập tới 600 đến 700 triệu đồng/ha mỗi năm, cá biệt ở một số cánh đồng xã Nga Trung tới 1 tỷ đồng/ha mỗi năm. Việc sản xuất, số diện tích dưa mỗi vụ hoàn toàn nằm trong sự định hướng của UBND huyện Nga Sơn và phía doanh nghiệp luôn bảo đảm việc thu mua. Đó cũng là lý do nhiều năm gần đây, một số vùng dưa trong cả nước ế ẩm khiến cả cộng đồng phải ra tay “giải cứu”, nhưng vùng dưa huyện Nga Sơn thì không xảy ra tình trạng này.

Tại xã Định Tường (Yên Định), mô hình kinh tế HTX phát triển mạnh đến mức, trong xã có tới 2 HTX dịch vụ nông nghiệp. Những vùng liên kết sản xuất giống lúa lai F1 với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, các loại dịch vụ cày bừa làm đất, mạ khay, máy cấy, triển khai vùng sản xuất rau an toàn... đều do các HTX triển khai. Việc có được những hợp đồng liên kết sản xuất giữa các HTX và các doanh nghiệp đã trở thành điểm tựa cho nông dân phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao thu nhập...

Ông Phan Thanh Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Bắc Trung bộ của Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình (trụ sở tại TP Thanh Hóa), cho biết: Vụ lúa thu mùa 2018, đã có nhiều HTX ở tỉnh Thanh Hóa chủ động tìm đến mời chúng tôi cùng liên kết để thành lập các vùng sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm. Công ty chúng tôi đã đồng ý liên kết với 3 HTX dịch vụ nông nghiệp ở các xã: Xuân Minh, Xuân Lập (Thọ Xuân) và Thiệu Lý (Thiệu Hóa) với tổng diện tích hơn 200 ha. Ở các mô hình liên kết này, sau khi các HTX tập hợp đủ diện tích tập trung như cam kết, công ty hỗ trợ các giống lúa cao sản, như: TBR 225, TBR 279 cho nông dân sản xuất. Các vùng lúa liên kết sản xuất đều được triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ, mạ khay, máy cấy. Toàn bộ quá trình từ gieo mạ đến cấy, chăm sóc, bón phân cho cây lúa đều có sự hướng dẫn kỹ thuật và giám sát của cán bộ kỹ thuật công ty. Đến nay, các mô hình đã thu hoạch, đều cho năng suất lúa trên dưới 7 tấn/ha, cao hơn trung bình khoảng 1 tấn/ha so với những ruộng lúa của nông dân địa phương canh tác truyền thống. Đáng nói, lúa ở những mô hình liên kết đã được phía công ty thu mua theo cam kết cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh, chia sẻ: Mô hình liên kết sản xuất lúa của chúng tôi có diện tích 132 ha nhằm sản xuất lúa giống cho Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình. Công ty thu mua với giá cao hơn giá thị trường ở địa phương từ 500 đến 600.000 đồng mỗi tạ.

Không chỉ những HTX có truyền thống, tuy mới thành lập và ra mắt vào đầu tháng 8-2018, HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thọ Lâm (xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân) đã chứng minh được vai trò dẫn dắt nông dân địa phương trong liên kết sản xuất. Đơn vị đã xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Hiện tại, HTX đã phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn tổ chức lại sản xuất mía, tích tụ đất đai, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Ngoài canh tác mía, việc hợp tác, liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn của HTX đang được mở rộng trên nhiều mảng kinh doanh khác: Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho nông dân trong xã.

Trong năm 2018, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Thọ Lâm đã và đang quy hoạch và phát triển cánh đồng rộng 5 ha cho đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 3.000m2 nhà kính do Công ty CP Mía đường Lam Sơn hỗ trợ xây dựng. 10 ha đất khác đã được HTX quy hoạch để đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Rõ ràng, dấu ấn của doanh nghiệp đã hiển hiện rõ trong việc canh tác, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thọ Lâm nhờ sự chủ động đấu mối và liên kết của HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Thọ Lâm. Đó chính là sự khác biệt so với trước kia ở xã bán sơn địa này khi mà sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối với vai trò của HTX. Thực tế ở nhiều nơi cũng đã chứng minh, để từng hộ nông dân tự phát sản xuất thì sẽ rất khó khăn trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật hay công nghệ cao, chưa nói đến việc liên kết đầu ra cho sản phẩm.

Còn nhiều, rất nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động hiệu quả, thậm chí phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Nhiều HTX đã trở thành đầu tàu phát triển kinh tế ở cấp xã, có vai trò dẫn dắt, kết nối sản xuất nông nghiệp. Sự liên kết sản xuất của các HTX với các doanh nghiệp chính là xu thế, là yêu cầu tất yếu cho phát triển sản xuất ở nông thôn.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]