(Baothanhhoa.vn) - Nếu các bê đực này được nuôi theo hướng lấy thịt, hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường Thanh Hóa khoảng hơn 750 tấn thịt bò hơi, đây là một nguồn thu khá lớn. Khi được vỗ béo với khẩu phần tốt, tỷ lệ thịt tinh trung bình có thể đạt 40%; như vậy hằng năm chúng ta sẽ có khoảng 300 tấn thịt bò.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nuôi bê đực sữa thành bò thịt – hướng đi mới trong chăn nuôi

Nuôi bê đực sữa thành bò thịt – hướng đi mới trong chăn nuôi

Đàn bò đực đang được Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân chăm sóc, phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Lê Nhân

Nếu các bê đực này được nuôi theo hướng lấy thịt, hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường Thanh Hóa khoảng hơn 750 tấn thịt bò hơi, đây là một nguồn thu khá lớn. Khi được vỗ béo với khẩu phần tốt, tỷ lệ thịt tinh trung bình có thể đạt 40%; như vậy hằng năm chúng ta sẽ có khoảng 300 tấn thịt bò.

Khi nghe nói ở Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân đang thực hiện mô hình nuôi bê đực sữa thành bò thịt, chúng tôi có chút tò mò: Bê đực sữa là gì? Sao lại chỉ nuôi bê đực? Để giải đáp những câu hỏi, chúng tôi lên đường tìm câu trả lời.

Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân nằm ở khu 9, thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân). Chị Lưu Thị Thu Hương, bác sĩ thú y và cũng là người đang trực tiếp phụ trách Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bê đực từ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) để lấy thịt gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” do công ty chủ trì, cho biết: Công ty đã nhập bê đực sữa về nuôi được 4 đợt rồi, đợt mới nhất đến hôm nay đã úm được hơn 20 ngày tuổi. Nói rồi chị Hương dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu chuồng trại chăn nuôi bê đực sữa và bò đực thịt của công ty.

Dừng chân tại khu nuôi bê đực sữa có diện tích khoảng 500m2 với quy mô 300 con bê, con nào con ấy lông bóng mượt, đang được công nhân cho uống sữa, chị Hương giải thích: Bê đực sữa đang được nuôi ở đây là những bê đực Holstein Friesian (HF) sinh ra từ các trang trại bò sữa của TH True Milk, Vinamilk ở các tỉnh phía Nam, Nghệ An, Bình Định và Tuyên Quang. Theo quy trình chăn nuôi bò sữa, những con bê cái sau khi được sinh ra thì sẽ được các trang trại nuôi để trở thành bò sữa hậu bị; còn những con bê đực thì thành “đồ thừa”. Các trang trại bò sữa sẽ không nuôi bê đực mà đem bán chúng với giá rẻ để tận thu. Những chú bê này sẽ bị giết thịt khi mới chỉ khoảng 3 ngày tuổi, cân nặng khoảng hơn 30 kg.

Còn tại Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân, những chú bê đực thay vì bị giết thịt, chúng lại được chăm sóc, mà như cách nói của chị Hương là như chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh. Chúng được nuôi dưỡng trên cũi, lót đệm. Mỗi chiếc cũi bê có chiều rộng 1,2 m, chiều dài 1,5 m, chiều cao 1,2 m. Nhiệt độ thích hợp nhất với từng giai đoạn của bê là từ 3 ngày tuổi đến 35 ngày tuổi là 28 - 35°C, từ 36 đến 60 ngày tuổi là 25 - 30°C, từ 61 - 90 ngày tuổi là 22 - 25°C và đảm bảo độ thông thoáng chuồng nuôi cho bê. Trong giai đoạn này, không được tắm cho bê. Thức ăn cho bê bằng sữa thay thế, nhập khẩu từ châu Âu; nhiệt độ sữa pha luôn đảm bảo từ 39 - 40°C. Ngoài việc cho ăn sữa thay thế, luôn đảm bảo cho bê uống nước sạch tự do vì lượng chất lỏng trong sữa thay thế không đủ. Chuồng trại nuôi bê luôn phải giữ ấm và khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, dễ vệ sinh, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, không gây ô nhiễm môi trường. Sau 30 ngày nuôi, phải cho bê ăn thức ăn thô xanh, thời gian đầu lượng thức ăn thô xanh tối đa là 0,5 kg/ngày. Quan trọng nhất là thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho bê theo quy trình thú y để tránh bê bị lây nhiễm chéo bệnh từ các chuồng khác nhau...

- Nuôi bê đực sữa cần rất nhiều điều kiện và kỹ thuật chăm sóc khó như vậy nhưng tại sao công ty vẫn lựa chọn mô hình này? – chúng tôi hỏi.

Chị Hương trả lời: Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nuôi bê đực sữa theo hướng để lấy thịt là một khâu quan trọng trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò sữa, bò thịt nói riêng. Ở các nước có ngành chăn nuôi phát triển cũng như các nước đang phát triển đều có quan tâm nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi đối tượng này. Ở một số nước, có đến khoảng 30% lượng thịt bò trên thị trường là thịt bò từ các bê đực sữa được nuôi thịt. Trong khi đó ở Việt Nam, ngoài số rất ít bê đực được nuôi thành bò đực giống, tuyệt đại đa số chúng bị giết thịt khi mới được 1 - 3 ngày tuổi. Và điều này là rất lãng phí vì nếu nuôi được những chú bê thành bò thịt thì hiệu quả kinh tế đem lại sẽ cao hơn nhiều.

Chỉ riêng ở tỉnh ta, có 2 đơn vị chăn nuôi bò sữa quy mô tập trung là Vinamilk và TH Truemilk với tổng đàn hơn 7 ngàn con. Với tỷ lệ sinh sản 70% thì hàng năm bình quân có khoảng hơn 5 ngàn bê được sinh ra, trong đó có khoảng một nửa là bê đực. Chỉ có bê cái là được nuôi để làm giống hậu bị thay đàn, còn lại hầu hết số bê đực sinh ra được bán cho các lò mổ, nhà hàng sau khi sinh khoảng 1 - 3 ngày tuổi với giá khoảng 1 - 2 triệu đồng/bê. Nếu các bê đực này được nuôi theo hướng lấy thịt, hàng năm sẽ cung cấp cho thị trường Thanh Hóa khoảng hơn 750 tấn thịt bò hơi, đây là một nguồn thu khá lớn. Khi được vỗ béo với khẩu phần tốt, tỷ lệ thịt tinh trung bình có thể đạt 40%; như vậy hằng năm chúng ta sẽ có khoảng 300 tấn thịt bò.

- Vậy tại sao người chăn nuôi không mua bê đực trực tiếp từ trang trại bò sữa về nuôi?

Chị Hương bật cười trước câu hỏi của tôi, rồi giải thích: Bê đực khi được các trang trại bò sữa bán khi chỉ mới 1 - 3 ngày tuổi, không có sữa mẹ nên không thể nuôi được. Muốn nuôi được thì phải có nguồn thức ăn thay thế sữa mẹ, có chế độ chăm sóc hợp lý. Đặc biệt là chi phí cho nguồn thức ăn thay thế phải phù hợp thì người chăn nuôi mới có lãi. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa thực hiện giải pháp khoa học “Sử dụng thức ăn thay thế để chăn nuôi bê đực hướng sữa lấy thịt tại Thanh Hóa” kết quả giải pháp đã đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2016 - 2017. Từ giải pháp đó, công ty đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện dự án khoa học sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bê đực từ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) để lấy thịt gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Mục tiêu của dự án sản xuất thử nghiệm là xây dựng được 1 mô hình chăn nuôi 500 con bê đực giống Holstein Friesian (HF) từ 3 ngày tuổi đến 6 tháng tuổi; xây dựng được mô hình chăn nuôi 150 con bê đực giống Holstein Friesian (HF) từ 7 tháng tuổi đến 16 tháng tuổi đạt tiêu chuẩn VietGAHP trên địa bàn huyện Thọ Xuân gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt bò đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau 12 tháng thực hiện dự án, bước đầu đã có kết quả khả quan, tỷ lệ nuôi bê sống đạt 97%. Với trọng lượng sơ sinh của bê đực hướng sữa 3 ngày tuổi trung bình là 38,9 kg/con, sau khi nuôi được 3 tháng tuổi, trọng lượng trung bình đạt 97 kg/con. Đến 6 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 191,4 kg/con, tương đương khả năng tăng trọng là 25 đến 26 kg/con/tháng. Đây là mức tăng trọng cao hơn khi so sánh với các giống bò thịt lai Zebu đang nuôi tại địa phương. Cùng độ tuổi, cùng thời gian nuôi và điều kiện đầu tư, chăm sóc thì các giống bò lai Zebu chỉ đạt tăng trọng 0,63kg/con/ngày - chị Hương cho biết.

Vừa nói chị Hương vừa dẫn chúng tôi đến chuồng nuôi bò thịt, tại đây có hơn 500 con bò thịt được nuôi nhốt trong chuồng, con nào con ấy phát triển khỏe mạnh, công nhân công ty đang dọn dẹp vệ sinh khu chuồng nuôi. Chị Hương cho biết, đàn bò thịt đến hôm nay đã nuôi được 10 - 11 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 290 - 330 kg/con. Sau 5-7 tháng nữa thì xuất bán, trọng lượng trung bình có thể ở mức dao động từ 430 kg/con đến 510 kg/con.

Hiện tại, đã có trên 100 con bò đực HF 6 tháng tuổi của công ty đã được người dân trên địa bàn các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định đem về nuôi vỗ béo. Qua quá trình hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân, đến nay thấy đàn bò đang phát triển rất tốt. Ngoài ra, một số cơ sở cung cấp thực phẩm sạch cũng đã đến tìm hiểu và ký cam kết mua sản phẩm bò đực HF thương phẩm của công ty về bán.

Nói thêm việc lựa chọn nuôi bê đực sữa, chị Hương cho biết: Khó nhất của việc nuôi bê đực sữa trong giai đoạn sơ sinh đó lựa chọn được nguồn thức ăn thay thế sữa mẹ. Nếu nguồn thức ăn phù hợp thì những bê đực này có thể được nuôi đến khi đạt trọng lượng lớn hơn và sẽ sản xuất thịt có phẩm chất cao. Bò thịt được nuôi từ bê đực sữa có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh hơn các giống bò nội và bò lai, có chất lượng thịt ngon, mềm, phù hợp với chăn nuôi nông hộ, gia trại.

Từ những gì được thấy, được nghe tại Công ty CP Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân, có thể thấy dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bê đực từ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) để lấy thịt gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đang thực hiện một cách bài bản, đem lại hiệu quả rõ rệt. Thành công của dự án khoa học và công nghệ này sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng của tỉnh Thanh Hóa.

Lê Nhân


Lê Nhân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]