(Baothanhhoa.vn) - Trên con đường xây dựng và phát triển quê hương Hoằng Hóa giàu đẹp và văn minh, nông nghiệp có những đóng góp quan trọng, gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 3,11%, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.603 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2015. Đây chính là nền tảng để huyện Hoằng Hóa phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nông nghiệp Hoằng Hóa – những bước tiến bền vững

Nông nghiệp Hoằng Hóa – những bước tiến bền vững

Khu nuôi trồng thủy sản ở xã Hoằng Yến.

Trên con đường xây dựng và phát triển quê hương Hoằng Hóa giàu đẹp và văn minh, nông nghiệp có những đóng góp quan trọng, gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 3,11%, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.603 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2015. Đây chính là nền tảng để huyện Hoằng Hóa phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Từ những mô hình “điểm nhấn”...

Chị Lê Thị Quyên – một trong những người đầu tiên tiên phong đưa sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về xã Hoằng Đạo, vui vẻ cho biết: Chị thuê hơn 2 ha đất nông nghiệp của địa phương, bỏ vốn đầu tư xây dựng 6.500m2 nhà lưới và 5.000m2 nhà màng để sản xuất dưa Kim Hoàng hậu và một số loại cây trồng có giá trị. Xung quanh khu vực này được cải tạo trồng cây ăn quả. “Trồng theo mô hình này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, công chăm sóc lớn, nhưng lại hạn chế được những tác động của thời tiết bất thường hiện nay và giá trị, hiệu quả sản xuất cao hơn rất nhiều so với các cây trồng truyền thống...” – chị Quyên chia sẻ.

Rời mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của chị Quyên, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong 12 bể tròn nổi có mái che ở xã Hoằng Yến của gia đình anh Trương Văn Toàn. Theo anh Toàn, việc chia các bể nuôi với diện tích vừa phải, khoảng 300m2/bể, mang lại nhiều ưu điểm, thuận tiện cho việc chăm sóc, vệ sinh bể nuôi, quản lý tốt môi trường nước, tỷ lệ sống của tôm cao hơn, hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với hình thức nuôi khác.

Đánh giá những kết quả nổi bật của nông nghiệp huyện Hoằng Hóa trong những năm gần đây cho thấy, những mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản chính là điểm nhấn, mở ra hướng đi mới ở địa phương. Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, toàn huyện hiện có 5,35 ha vùng sản xuất rau trong nhà lưới, nhà màng ở các xã Hoằng Hợp, Hoằng Giang, Hoằng Đạt, Hoằng Đạo, Hoằng Thắng... Trong đó có 20.000 m2 sản xuất dưa Kim Hoàng hậu, rau, quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao bước đầu đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm nông nghiệp. Diện tích nuôi tôm thâm canh và nuôi ứng dụng công nghệ cao năm 2020 đạt 136,4 ha, cao gấp 2,4 lần so với năm 2015, năng suất nuôi đạt từ 20 đến 35 tấn/ha, cho thu nhập gần 8 tỷ đồng/ha/năm. Trong đó, vùng nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao trong nhà có mái che diện tích 3,1 ha cho năng suất đạt 35-40 tấn/ha/vụ và có thể nuôi 3 vụ trong năm, thu nhập đạt 3,5-4 tỷ đồng/ha/vụ...

Nông nghiệp Hoằng Hóa – những bước tiến bền vững

Chăm sóc dưa Kim Hoàng hậu tại xã Hoằng Hợp.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hoằng Hóa tuy chưa nhiều nhưng là minh chứng thể hiện bước đi đúng đắn của huyện Hoằng Hóa khi có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất, đầu tư vào nông nghiệp bền vững. Toàn huyện hiện có 156 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp với diện tích 456 ha ở các xã Hoằng Phú, Hoằng Quỳ, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Thắng, Hoằng Đạo, Hoằng Đạt... Người dân đã và đang chuyển sang một tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại với các loại cây trồng hàng hóa mang lại thu nhập cao. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 155 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với thời điểm năm 2015.

... đến kết quả toàn diện

Nhìn lại nông nghiệp Hoằng Hóa thời điểm trước năm 2015 đã có nhiều dấu ấn quan trọng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất hay những cánh đồng rau VietGAP... Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sức cạnh tranh hàng hóa thấp, một số mô hình về sản xuất hàng hóa, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ chưa được nhân rộng, giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao... Xác định những chương trình trọng tâm cần tập trung, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVI đã lựa chọn phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xác định theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các loại hình HTX, kinh tế trang trại, kinh tế hộ, gắn liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực của ngành nông nghiệp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị và nhiều văn bản khác để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, Chỉ thị số 06 về dồn điền, đổi thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nghị quyết số 15 về nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030... đã tạo được những dấu ấn, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp huyện nhà.

Từ việc thực hiện Chỉ thị số 06 về dồn điền, đổi thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bình quân mỗi hộ nông dân huyện Hoằng Hóa canh tác trên 1,8 thửa ruộng, giảm 2,4 thửa so với trước đó. Giai đoạn 2015-2019, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.551 ha đất canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản.

Huyện đã khai thác lợi thế của từng vùng để sản xuất hàng hóa tập trung. Đó là vùng sản xuất lúa, rau, củ, quả ở các xã vùng đồng nằm phía Tây Bắc sông Lạch Trường; vùng trồng màu và nuôi trồng thủy sản ở các xã trung tâm huyện; vùng nuôi trồng và khai thác thủy sản ở các xã ven biển. Trong đó, nổi bật là vùng sản xuất cà rốt xuất khẩu tại các xã: Hoằng Thành, Hoằng Lưu, Hoằng Đạo với diện tích 52 ha; vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 58 ha, tập trung ở các xã: Hoằng Giang, Hoằng Xuân, Hoằng Trinh, Hoằng Hợp... Vùng sản xuất khoai tây tại các xã Hoằng Thắng, Hoằng Đạo, Hoằng Thành, Hoằng Phong, Hoằng Lưu... với diện tích 150 ha. Vùng sản xuất ngô ngọt, ngô thương phẩm tại xã Hoằng Trung, Hoằng Xuân với diện tích 20 ha. Đối với diện tích trồng lúa, huyện duy trì ổn định 3.030 ha vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở 27 xã, cho năng suất bình quân đạt 73 tạ/ha. Một số vùng sản xuất lúa theo hình thức liên kết với các công ty, doanh nghiệp như: Vùng sản xuất lúa lai F1 tại HTX Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ) có quy mô 50ha; vùng sản xuất lúa thuần chất lượng cao NA6 tại các xã Hoằng Sơn, Hoằng Trung, Hoằng Xuân với quy mô 105 ha; vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao RVT, Đài thơm 8 tại HTX Đông Khê, HTX Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ), HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Trung với tổng diện tích 90 ha.

Lĩnh vực thủy sản phát huy được thế mạnh, đóng góp quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi toàn huyện có 979 phương tiện khai thác thủy sản và 1.800 ha tổng diện tích vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ ở 18 xã ven biển và vùng triều huyện Hoằng Hóa. Giai đoạn từ 2016-2019, nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về quy mô diện tích, sản lượng và giá trị, hiệu quả sản xuất, đa dạng hình thức nuôi. Toàn huyện có gần 900 hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ; có 8 cơ sở sản xuất ương giống và dịch vụ giống; 2 cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản và 8 cơ sở thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất ngành thủy sản đến năm 2020 ước đạt 881,7 tỷ đồng năm 2020, tăng 23,8% so với năm 2015.

Để phù hợp và đáp ứng quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Theo đó, 54 HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được củng cố theo Luật HTX. Nhiều HTX đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các khâu dịch vụ, có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra, điều đó đã khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu của thành viên HTX và cộng đồng dân cư tại địa phương.

Hoằng Hóa còn là một trong những huyện đi đầu trong việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Năm 2019, huyện có 3 sản phẩm được Hội đồng của tỉnh xếp hạng 4 sao gồm: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia. UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Kết quả khảo sát, đánh giá, toàn huyện có 12 sản phẩm thế mạnh đang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia OCOP năm 2020.

Làm nên những thành tựu ấy là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các ngành, các cấp, sự năng động, sáng tạo, cần cù, chăm chỉ của Nhân dân Hoằng Hóa. Hoạch định những mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo, huyện Hoằng Hóa dự kiến lựa chọn chương trình “Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch” là một trong những chương trình trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với hướng cụ thể đó là: Tích tụ tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hoằng Hóa là huyện có vị trí địa lý nhiều lợi thế khi là “cửa ngõ” quan trọng của vùng trung tâm đô thị TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn với định hướng phát triển là vùng kinh tế biển, trong đó phát triển nông nghiệp là một trong những thế mạnh, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chất lượng cao phục vụ nhu cầu ở các đô thị lân cận. Từ những nền tảng, bước tiến bền vững đã đạt được cùng với những lợi thế nêu trên sẽ là động lực quan trọng để huyện Hoằng Hóa có những bước đột phá hơn nữa trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]