(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thời gian qua, ở khu vực miền núi việc phát triển doanh nghiệp đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để thực hiện phát triển được 415 doanh nghiệp mới trong năm 2019, cần lắm sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhất là sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức của các hộ kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực phát triển doanh nghiệp mới ở khu vực miền núi

Nỗ lực phát triển doanh nghiệp mới ở khu vực miền núi

(Minh họa)

Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thời gian qua, ở khu vực miền núi việc phát triển doanh nghiệp đã thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để thực hiện phát triển được 415 doanh nghiệp mới trong năm 2019, cần lắm sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhất là sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức của các hộ kinh doanh.

Sau nhiều năm hoạt động với quy mô hộ gia đình, đầu năm 2018, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, ông Kiều Văn Giỏi, ở thôn 1, xã Thọ Thanh (Thường Xuân), quyết định chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, lấy tên là Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ K&Đ. Doanh nghiệp thực hiện nuôi, sản xuất phân hữu cơ từ phân trùn quế. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, công ty xuất bán 20 tấn phân trùn quế và 1,5 tấn giun thịt, lợi nhuận trung bình từ 40 đến 65 triệu đồng/tháng. Sản phẩm được cung cấp cho các trang trại trong và ngoài tỉnh. Sau thời gian chuyển mô hình doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế mang lại khá rõ, nhiều hợp đồng được ký dài hạn với các trang trại trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, là doanh nghiệp mới thành lập, nên thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn eo hẹp, việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất còn hạn chế, lao động không ổn định và thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.

Năm 2018, huyện Thường Xuân đặt mục tiêu thành lập mới 20 doanh nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư... Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 16 doanh nghiệp thành lập mới. Trong đó, có một số xã đã hoàn thành kế hoạch, như: Vạn Xuân, Thọ Thanh, Xuân Cẩm... Đa số các doanh nghiệp mới thành lập đã sớm đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn huyện chưa đạt kế hoạch đề ra. Việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp tại địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Biên, Trưởng Phòng Tài chính- kế hoạch, UBND huyện Thường Xuân, cho biết: “Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, nên khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp. Cơ sở hạ tầng và các điều kiện để doanh nghiệp mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh muốn đầu tư trên địa bàn huyện còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, công tác vận động chuyển đổi hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tâm lý của người dân sợ phải thực hiện kê khai thuế cũng như phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán. Việc này sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, gây đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện có”. Để thực hiện kế hoạch đề ra về số lượng doanh nghiệp mới, thời gian tới, UBND huyện phối hợp cùng Chi cục Thuế thực hiện rà soát lại các hộ sản xuất, kinh doanh tại các xã, thị trấn nhằm khuyến khích, động viên, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính cho các hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp.

Huyện Cẩm Thủy là một trong những địa phương ở khu vực miền núi hoàn thành kế hoạch thành lập doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, trong quá trình vận động các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang mô hình doanh nghiệp UBND huyện cũng gặp không ít khó khăn do tâm lý các doanh nghiệp mới đa phần có sức cạnh tranh yếu, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường, nên việc xác định cung - cầu, tìm đối tác, dự đoán biến động của thị trường hạn chế. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khó khăn do không có tài sản thế chấp, dẫn đến không có điều kiện phát triển được sản xuất, kinh doanh. Theo đó, để hỗ trợ các hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Phòng Tài chính - kế hoạch UBND huyện, cho biết: UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự doanh nghiệp. Đồng thời, Chi cục Thuế huyện cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các doanh nghiệp mới thành lập về kê khai thuế. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhu cầu của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn vốn và thị trường. Thông qua việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã có 70 doanh nghiệp được thành lập mới.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới của các địa phương ở khu vực miền núi thể hiện rõ qua sự phát triển về số lượng doanh nghiệp. Được biết, năm 2018, toàn tỉnh ước có 3.222 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,3% so với cùng kỳ và đạt 107,5% kế hoạch; trong đó, khu vực miền núi có 329 doanh nghiệp mới. Sự phát triển trên đã thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, cung ứng kịp thời những mặt hàng thiết yếu với giá cả tương đối ổn định. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực miền núi. Năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó khu vực miền núi là 415 doanh nghiệp. Hiện các huyện ở khu vực miền núi đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp đã đề ra, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]