(Baothanhhoa.vn) - 6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực sản xuất chịu tác động tiêu cực. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Theo số liệu từ Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66.648 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực sản xuất chịu tác động tiêu cực. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Theo số liệu từ Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 66.648 tỷ đồng.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

Tổng Công ty Tiên Sơn chuyển đổi Nhà máy may Tatsu (thị xã Bỉm Sơn) sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn.

Tuy vẫn tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ, đóng góp lớn cho GRDP của tỉnh, nhưng đây là một con số thấp nhất trong nhiều năm liên tiếp và chỉ đạt 44,1% kế hoạch năm. Hầu hết các sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu đều gặp khó khăn, từ các ngành sản xuất mang tính chất gia công như may mặc, giầy da đến các sản phẩm công nghiệp truyền thống, như: gạch ceramic, ô tô tải, thuốc lá, đường, tinh bột sắn... đều gặp khó về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, chuỗi cung cầu hàng hóa trên thị trường vẫn chưa thể trở về trạng thái bình thường, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Đánh giá cao khả năng vượt khó, thích ứng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong tỉnh, ngành công thương đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm tăng 23,3% để bù đắp thiếu hụt cho sản lượng những tháng đầu năm, giữ mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 145.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2019.

Theo đánh giá của ngành công thương, tuy mục tiêu đặt ra trong những tháng cuối năm là khá cao, song đây là một con số khả khi. Bằng chứng là trong bối cảnh dịch bệnh trong nước phức tạp như những tháng đầu năm, nhiều DN đã có những thích ứng tốt. Do đó, 6 tháng đầu năm, 23/30 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Thanh Hóa vẫn đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng công nghiệp là nhóm các sản phẩm lọc dầu tăng thêm hơn 813.000 tấn, tương đương tăng thêm khoảng 5.426 tỷ đồng. Thép Nghi Sơn đạt gần 284.000 tấn sản phẩm, tương đương tăng thêm 1.560 tỷ đồng. Ngoài ra, một số sản phẩm khác đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như dầu ăn tăng 109,8%, bao bì tăng 113,6%, thủy sản đông lạnh 11,6%, đá ốp lát tăng 10,5%, xi măng tăng 20,2%... Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Tại Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông, cùng chung tác động của thị trường, sản lượng các mặt hàng trong quý I do công ty sản xuất chỉ đạt khoảng 70% so với mục tiêu. Tranh thủ thời gian giãn cách xã hội, công ty đã thực hiện đầu tư, cải tạo một số dây chuyền sản xuất, tập huấn kỹ thuật cho người lao động để đáp ứng yêu cầu cao hơn về sản lượng, chất lượng sản phẩm khi thị trường ổn định và sản xuất trở lại trong quý II. Ông Vũ Văn Thưởng, Giám đốc sản xuất Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: Đến thời điểm hiện nay, sản lượng sản xuất phân bón đã tăng trưởng 10 - 15% so với cùng kỳ. Dự ước, đơn vị vẫn hoàn thành kế hoạch năm 2020.

Đối với Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa, ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến sức tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. 4 tháng đầu năm, công ty chỉ sản xuất được hơn 7,7 triệu lít bia các loại, đạt 20% kế hoạch năm. Trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn và tổng công ty thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch giao, để duy trì và phát triển sản xuất, công ty đã nhanh chóng triển khai đồng loạt các giải pháp cơ cấu lại sản xuất, làm mới sản phẩm, linh hoạt trong phương thức bán hàng nhằm củng cố, phát triển thị trường. Cùng với yếu tố mùa vụ và sự linh hoạt trong điều chỉnh sản xuất, thị trường, 6 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất của công ty đã có dấu hiệu tăng trưởng tốt, vượt 46,2% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, nhiều DN cũng đã điều chỉnh phương án sản xuất, đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm mới, như: Tổng Công ty Tiên Sơn và các công ty may mặc chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất các sản phẩm như: khẩu trang, balo, túi xách, phụ kiện... theo nhu cầu của khách hàng; Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Thanh Hóa đưa ra một số dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn như: gạch gỗ thanh, ngói tráng men..., bước đầu được thị trường đánh giá cao, tiêu thụ tốt.

Để đạt mục tiêu kế hoạch, cùng với nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, các DN cần thực hiện tốt hoạt động liên doanh, liên kết giữa các đơn vị, hiệp hội, ngành hàng trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chủ động cập nhật tình hình thị trường để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời. Các ngành, các cấp cần vào cuộc tích cực hơn trong các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chính sách tiếp cận vốn để tái sản xuất. Đồng thời, chung tay bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho sản xuất công nghiệp phát triển, như: Vùng nguyên liệu sản xuất, các thủ tục đăng ký hợp quy sản phẩm mới, phối hợp tốt trong công tác giải phóng mặt bằng để đưa các dự án mới vào hoạt động.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp ổn định sản xuất

6 tháng cuối năm, dự báo tình hình sản xuất công nghiệp sẽ hồi phục do dịch bệnh COVID-19 đang được nỗ lực khống chế. Một số mặt hàng sẽ tiêu thụ tốt hơn, nhất là các mặt hàng, như: sản phẩm lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, thủy sản chế biến, phân bón, sữa, điện thương phẩm, dầu ăn. Tuy nhiên, diễn biến thất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu và nguy cơ dịch bệnh trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các DN.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

Để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, đóng góp vào các chỉ tiêu được đặt ra về sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành rà soát lại từng sản phẩm, nhất là sản phẩm trọng điểm, có lợi thế và đóng góp lớn cho tăng trưởng, như: Lọc hóa dầu, thép Nghi Sơn, dầu ăn, nhiệt điện, xi măng... để động viên DN sản xuất với mức cao nhất, tăng sản lượng bù đắp các sản phẩm khó khăn. Bên cạnh đó, khôi phục và duy trì sản xuất của ngành nghề truyền thống. Phối hợp tốt với các ngành, các cấp xúc tiến thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa”, tập trung vào các mặt hàng như: đường, bia, xi măng, phân bón, thủy sản chế biến, vật liệu xây dựng. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp thông tin, giúp DN tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sở Công Thương cũng sẽ rà soát lại tiến độ các dự án của ngành, tăng cường hỗ trợ thúc đẩy các dự án đang đầu tư sớm có sản phẩm, như: Dây chuyền 3 Nhà máy Xi măng Long Sơn, Thủy điện Hồi Xuân..., tạo mọi điều kiện để các dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ngày 12-6-2020 được triển khai thuận lợi.

Lê Trọng Hân

Phó Giám đốc Sở Công Thương

Cải cách hành chính mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp may mặc, giầy da vượt khó

Những tháng đầu năm 2020, may mặc, giầy da là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19, cả về cung nguyên liệu và cầu sản phẩm. Hiện nay, một số ngành sản xuất xuất khẩu khác có dư địa lớn về tiêu thụ nội địa đã có dấu hiệu ổn định trở lại. Ngành may mặc, giầy da chủ yếu thực hiện may gia công xuất khẩu, tuy nhiên, do thị trường đối tác chủ yếu là Mỹ và EU chưa khôi phục được hoạt động thương mại nên các đơn hàng sản xuất trong quý III, quý IV hiện bị cắt giảm khá lớn. Vì vậy, ngành may mặc đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

Hiện nay, để tạm thời khắc phục khó khăn, nhiều DN trong lĩnh vực may mặc chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa, như: túi xách, chăn, ga, đệm... Để tạo thuận lợi cho sản phẩm mới của các DN tiếp cận thị trường, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp tục thực hiện cải cách mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục công bố hợp quy sản phẩm. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; đơn giản tối đa các thủ tục hành chính liên quan trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trịnh Xuân Lâm

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tiên Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN dệt may tỉnh Thanh Hóa

Nâng cao chất lượng logistics, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu

Đối với hàng hóa xuất khẩu, chi phí logistics hiện là yếu tố ảnh hưởng cơ bản đối với cạnh tranh về giá sản phẩm. Hiện nay, chi phí logistics nội tỉnh và vận chuyển hàng hóa ra các cửa khẩu phía Bắc khá cao so với phía Nam, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trong tỉnh so với các địa phương phía Nam.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

Tại Thanh Hóa, với lợi thế có Cảng nước sâu Nghi Sơn và đã thu hút được đơn vị vận tải container quốc tế là yếu tố thuận lợi và tín hiệu đáng mừng đối với các DN xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, tại Cảng Nghi Sơn, hệ thống kho bãi chưa được đầu tư xứng tầm, phí xuất nhập khẩu cũng là vấn đề cần xem xét để đưa các DN đang thực hiện xuất khẩu qua Cảng Hải Phòng về Nghi Sơn.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm thu hút các dự án đầu tư kho bãi và các dịch vụ logistics một cách đồng bộ, liên kết cao. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng bến, bãi, kho hàng xếp dỡ hàng hóa. Hạn chế thanh, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi cho các DN nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh.

Nghiêm Minh Tiến

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc)

Có cơ chế ưu đãi cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Với nguồn nguyên liệu nông, lâm sản đa dạng, lao động dồi dào, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là một lĩnh vực có nhiều lợi thế của tỉnh. Thực tế, việc chế biến các nguyên liệu thô thành sản phẩm hàng hóa đã tăng gấp nhiều lần giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp

Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các đơn vị sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ là các DN nhỏ, HTX, hộ gia đình, thiếu vốn lưu động và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi về vốn đặc thù cho ngành sản xuất này (hiện chỉ được lồng ghép trong chính sách sản xuất hàng hóa xuất khẩu). Bên cạnh đó, do phần lớn đi lên từ kinh tế nông thôn, nên các làng nghề, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ đang thiếu và yếu về giải pháp xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Để góp phần CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề hội nhập quốc tế, Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế ưu đãi về vốn. Đồng thời, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, kiến thức quản trị cho các DN, HTX, làng nghề; tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ địa phương tham gia các chương trình xúc tiến, tăng cường sử dụng các sản phẩm làm quà tặng để tạo lan tỏa và cơ hội quảng bá sản phẩm.

Nguyễn Văn Tư

Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Ánh Dương, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Thanh Hóa


Bài Và Ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]