(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây ăn quả đã xây dựng các phương án phát triển cây ăn quả phù hợp với từng vùng, từng xã cụ thể. Tích tụ đất đai để phát triển các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vấn đề cần quan tâm trong phát triển cây ăn quả

Thời gian qua, các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây ăn quả đã xây dựng các phương án phát triển cây ăn quả phù hợp với từng vùng, từng xã cụ thể. Tích tụ đất đai để phát triển các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn.

Nông dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: H.T

Trên cơ sở nhận định về nhu cầu sử dụng trái cây ngày càng tăng của người tiêu dùng, tỉnh ta đã định hướng xây dựng và hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Việc phát triển diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo hướng gắn việc mở rộng diện tích với việc liên kết bao tiêu sản phẩm; đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng được khoảng 16.300 ha cây ăn quả tập trung và ổn định diện tích này đến năm 2030.

Để thực hiện định hướng và mục tiêu đề ra, thời gian qua, các địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển cây ăn quả đã xây dựng các phương án phát triển cây ăn quả phù hợp với từng vùng, từng xã cụ thể. Tích tụ đất đai để phát triển các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn thông qua các hình thức thuê đất sản xuất, góp đất thông qua HTX hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuyên truyền, vận động người dân tập trung mở rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế. Một số địa phương còn có chính sách hỗ trợ giống cho những hộ trồng cây ăn quả có múi.

Kết quả phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả đạt 18.659 ha, tăng 4.366 ha so với năm 2015. Trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt 13.249 ha, tổng sản lượng 223.143 tấn. Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Giá trị sản xuất cây ăn quả có xu hướng tăng, tính đến năm 2018, bình quân thu nhập của 1 ha cây ăn quả đã cho thu hoạch đạt 62,9 triệu đồng/năm.

Tuy diện tích và giá trị sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tăng, song việc phát triển này đang tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững. Trong tổng diện tích 18.659 ha cây ăn quả, thì chỉ có 4.000 ha được trồng theo hướng tập trung, quy mô lớn, số diện tích còn lại là manh mún, nhỏ lẻ và chỉ có 10% diện tích cây ăn quả có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, còn lại 90% diện tích bán qua thương lái. Điều này đồng nghĩa với việc, thị trường tiêu thụ của sản phẩm cây ăn quả không ổn định, thiếu bền vững.

Cũng theo khảo sát, phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm hiện tại, mỗi năm, sức tiêu thụ các loại quả của thị trường nội tỉnh khoảng 380.000 đến 400.000 tấn. Như vậy, với tổng sản lượng thu hoạch 223.143 tấn quả các loại/năm như hiện nay, thì mới đáp ứng được hơn 50% sức tiêu thụ của nội tỉnh. Vì vậy, cây ăn quả vẫn còn có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình định hướng phát triển cây ăn quả, chính quyền các địa phương và các chủ vườn cần quan tâm đến vấn đề quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.

Tại hội nghị định hướng và giải pháp phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới diễn ra vào ngày 5-7, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, các đại biểu đã luận bàn về định hướng và giải pháp cho việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc mở rộng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được thực hiện khá rầm rộ và đang có biểu hiện phát triển theo phong trào. Nhiều diện tích hiện nay còn đang trong thời gian kiến thiết, phải 2 đến 3 năm nữa mới bắt đầu cho thu hoạch, đó là chưa kể đến những diện tích sẽ tiếp tục được trồng mới trong thời gian tới. Trong khi đó, đa phần diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chưa tìm được đơn vị bao tiêu sản phẩm. Vì thế, nếu thời gian tới, diện tích cây ăn quả vẫn tiếp tục phát triển manh mún, nhỏ lẻ như thời gian vừa qua thì có thể người trồng cây ăn quả sẽ chịu rủi ro về giá cả và thị trường tiêu thụ. Do vậy, các địa phương cần định hướng cụ thể việc phát triển cây ăn quả. Phân tích rõ cho người dân hiểu rằng việc mở rộng diện tích cần gắn với việc liên kết giữa hộ trồng cây ăn quả với các cơ sở, doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình trồng và chăm sóc phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, để đến kỳ thu hoạch sản phẩm đạt chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan cũng cần quan tâm, chú trọng việc kêu gọi thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến nước ép hoa quả tại các địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả, đặc sản của địa phương thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu và có định hướng phát triển cho từng địa phương.


H.T

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]