(Baothanhhoa.vn) - Để thực hiện định hướng đã đề ra trong phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: Bố trí quỹ đất cách xa khu dân cư để hình thành khu trang trại tập trung; vận động các hộ làm kinh tế trang trại đấu thầu, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển trang trại quy mô lớn ở khu đất được bố trí; khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ khép ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “rào cản” trong phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn

Để thực hiện định hướng đã đề ra trong phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn, những năm qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: Bố trí quỹ đất cách xa khu dân cư để hình thành khu trang trại tập trung; vận động các hộ làm kinh tế trang trại đấu thầu, xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển trang trại quy mô lớn ở khu đất được bố trí; khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại ứng dụng công nghệ khép kín. Thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng trang trại tập trung, quy mô lớn...

Trang trại chăn nuôi lợn tại khu trang trại chăn nuôi tập trung xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc).

Kết quả từ việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp là toàn tỉnh đã có 930 trang trại, trong đó có 56 trang trại trồng trọt, chiếm 6%; 518 trang trại chăn nuôi, chiếm 55,7%; 9 trang trại lâm nghiệp, chiếm 0,97%; 132 trang trại nuôi trồng thủy sản, chiếm 14,2%; 215 trang trại tổng hợp, chiếm 23,13%. Tốc độ phát triển kinh tế trang trại những năm qua trung bình đạt 12,2%/năm. Đáng chú ý, trong tổng số trang trại hiện có, có 653 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng 33 trang trại so với năm 2013. Theo đó, tất cả các trang trại đạt theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có mức hạn điền tối thiểu là 2,1 ha, giá trị sản lượng hàng hóa tối thiểu đạt 700 triệu đồng/năm. Riêng đối với trang trại chăn nuôi đều có giá trị sản lượng hàng hóa tối thiểu đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; còn đối với trang trại lâm nghiệp đều có diện tích tối thiểu đạt 31 ha và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 500 triệu đồng/năm trở lên.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 5.000 gia trại có tiềm năng phát triển thành các trang trại và trở thành trang trại có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc phát triển số gia trại này trở thành trang trại lại đang gặp phải nhiều khó khăn. Trở ngại được xem là lớn nhất là vốn. Để xây dựng được trang trại quy mô lớn đòi hỏi có nguồn vốn lớn, tuy nhiên theo tìm hiểu tại nhiều trang trại trên địa bàn tỉnh cho thấy, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các chủ trang trại gặp nhiều khó khăn. Tài sản thế chấp của các gia trại, trang trại là quyền sử dụng đất, trong khi giá đất đai ở những nơi đầu tư trang trại thường có giá trị thấp, những tài sản khác như thiết bị, con giống và các tài sản khác được xây dựng trên đất lại không được ngân hàng chấp nhận, nên khả năng vay bằng tài sản thế chấp bị hạn chế, dẫn đến nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp và các chủ trang trại. Đó là chưa nói đến thời gian vay vốn của các trang trại thường ngắn hơn so với chu kỳ sản xuất, gây khó khăn cho chủ trang trại khi định hướng phát triển lâu dài.

Khó khăn thứ hai là quỹ đất. Để đạt tiêu chí trang trại, hộ nông dân phải có quỹ đất đủ lớn theo quy định, nhưng hiện nay đa số các địa phương không còn quỹ đất mới để giao cho nông hộ làm trang trại. Do đó, phần lớn các hộ nông dân phải dồn điền, đổi thửa, mua, thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nhiều chủ khác nhau với nhiều loại đất khác nhau để có khu đất tương đối tập trung để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Do có quá nhiều giao dịch, trao đổi, với nhiều loại đất khác nhau nên đa số các chủ trang trại gặp khó khăn ở việc xác nhận, chứng nhận và cấp quyền sử dụng đất, nên nhiều hộ dân chưa yên tâm đầu tư phát triển trang trại.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực và khu vực nhất định, nên việc phát triển kinh tế trang trại chưa đồng đều.

Thêm một khó khăn nữa trong phát triển trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn là trình độ quản lý của chủ trang trại và trình độ lao động trong các trang trại còn hạn chế. Khảo sát tại các trang trại cho thấy, người lao động trong các trang trại đa phần là nông dân, chưa được đào tạo bài bản về các kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nên khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất còn hạn chế và việc phát hiện các biểu hiện bất thường, cũng như triệu chứng dịch bệnh trên đối tượng con nuôi chưa được kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khoanh vùng, ngăn chặn và điều trị dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc điều hành và tổ chức sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm sản xuất và việc tự tìm hiểu, học hỏi từ các mô hình hoặc qua các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn, nên khả năng quản lý còn hạn chế, việc chủ động đấu mối liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm của các chủ trang trại hầu như không có, nên việc tiêu thụ sản phẩm của các trang trại bấp bênh. Không những thế, việc chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, ngày công lao động thấp cộng với cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư, hỗ trợ chưa đồng bộ cũng đang là nỗi trăn trở không nhỏ đối với các chủ trang trại muốn đầu tư phát triển sản xuất.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]