(Baothanhhoa.vn) - Do năng lực yếu kém hay ý đồ “ém” đất vì mục đích kinh tế của các nhà đầu tư, thậm chí thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan dẫn đến nhiều dự án hơn nửa thập kỷ vẫn chưa được triển khai, gây nhiều hệ lụy...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dự án hơn nửa thập kỷ chưa xây dựng và tác dụng ngược...

Do năng lực yếu kém hay ý đồ “ém” đất vì mục đích kinh tế của các nhà đầu tư, thậm chí thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan dẫn đến nhiều dự án hơn nửa thập kỷ vẫn chưa được triển khai, gây nhiều hệ lụy...

Sau gần 1/4 thế kỷ bị “treo”, dự án của Công ty CP Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân vùng dự án.

Từ tháng 9-2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Dự án Khu nhà ở và dịch vụ cao cấp Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn). Theo đó, Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn Thông EITC là nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng vào thời điểm đó; trong đó, giá trị xây dựng gần 202 tỷ đồng và hơn 48 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Thời gian triển khai và hoàn thành dự án không quá 3 năm; số tiền nhà đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước gần 111 tỷ đồng. Như vậy, sau khi khấu trừ tiền GPMB hơn 48 tỷ đồng, nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 62 tỷ đồng. Quyết định thu hồi đất, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Thời điểm ấy, vị trí dự kiến xây dựng dự án tại xã Quảng Cư (nay là phường Quảng Cư) còn khá hoang vu, chưa có nhiều công trình đầu tư nên chính quyền địa phương và nhà đầu tư kỳ vọng, đây sẽ là cú hích quan trọng cho phát triển hạ tầng ở địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội cho Sầm Sơn nói chung. Những công việc phục vụ công tác đầu tư được lần lượt triển khai ngay sau đó, nhiều người dân cũng đã đồng thuận tái định cư nhường chỗ cho xây dựng dự án. Theo số liệu đo đạc và công tác định vị của dự án, có tổng số 150 hộ phải di chuyển GPMB để chủ đầu tư triển khai dự án trên diện tích 6.700 m2. Những tháng sau đó, sau khi chủ đầu tư bỏ ra nhiều tỷ đồng để chi trả GPMB, đã có 137/150 hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường và di dời theo các phương án GPMB. Từ cuối năm 2014 đến nay, do gặp một số vướng mắc, công tác GPMB không được triển khai quyết liệt. Có thời điểm, cả nhà đầu tư cũng như đơn vị chịu trách nhiệm GPMB là Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thanh Hóa (sau này là các địa phương có dự án chịu trách nhiệm GPMB) không còn mặn mà với việc GPMB nên dự án tạm thời bị “treo”. Gần đây, phía chủ đầu tư quyết tâm “vực” lại dự án thì mọi thứ đã đi quá xa. Cả địa phương, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thanh Hóa cũng như nhà đầu tư dường như đang tiến thoái lưỡng nan bởi tình hình thực tế cũng như các cơ chế, quy định có nhiều thay đổi sau hơn nửa thập kỷ trước.

Tính đến cuối tháng 6 - 2018, còn 13 trong tổng số 150 hộ gia đình vẫn chưa thể GPMB. Hơn 8.600 m2 đất, trong đó gần 460 m2 đất nông nghiệp, còn lại là đất ở của 13 hộ dân nói trên đang trở thành vấn đề nan giải trong GPMB bởi các hộ dân không đồng thuận. Nguyên nhân cơ bản là, khi chưa có đường Hồ Xuân Hương nối dài và quần thể công trình du lịch, nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC, 13 hộ dân này nằm trong khu vực bãi cát hoang vu nên giá đất thực tế rất rẻ. Lúc đó, chính người dân cũng dễ dàng chấp nhận tái định cư để nhường đất cho xây dựng dự án. Nay, có nhiều hộ gia đình nằm ở mặt đường lớn, thuộc khu vực “đất vàng” của TP Sầm Sơn nên giá đất thực tế cao gấp hàng chục lần, có những gia đình có tổng giá trị đất tới 10 tỷ đồng, họ không thể đồng ý cho bồi thường tái định cư với giá đất của hơn 5 năm trước. Một khó khăn nữa là quỹ đất của TP Sầm Sơn khá hạn chế, việc bố trí các khu tái định cư hiện tại gặp nhiều khó khăn, đơn cử như mặt bằng quy hoạch khu tái định cư Cánh đồng Sông Đông với 46 lô đất, tổng diện tích 4.591 m2 đến nay vẫn chưa hoàn thành GPMB và đầu tư hạ tầng theo quy hoạch được duyệt để phục vụ việc tái định cư cho các hộ. Hơn nữa, nhiều hộ đang ở mặt đường, khu vực trung tâm, nay đề nghị tái định cư xuống những mặt bằng xa, điều kiện không bằng nơi ở cũ là không thuyết phục. Nhiều tháng gần đây, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thanh Hóa đã phối hợp với UBND TP Sầm Sơn, UBND phường Quảng Cư và các đơn vị có liên quan, tổ chức các buổi làm việc, vận động, thuyết phục nhưng các hộ không chấp nhận bàn giao đất để triển khai dự án. Đại diện các hộ chưa bàn giao GPMB cho dự án đề nghị Nhà nước cho các hộ được tái định cư tại chỗ và cam kết sẽ xây dựng các công trình theo đúng quy hoạch được phê duyệt để phát triển du lịch. Trường hợp không đồng ý cho các hộ tái định cư tại chỗ thì các bên liên quan phải thỏa thuận với các hộ về giá bồi thường mới. Rõ ràng, ý kiến của các hộ dân cũng là chính đáng, nên cần có hướng giải quyết hài hòa cả lợi ích người dân, doanh nghiệp cũng như vì sự phát triển chung.

Nhìn lại toàn bộ quá trình triển khai và những vướng mắc của dự án, có thể thấy rằng việc nhùng nhằng, không quyết đoán trong việc triển khai GPMB cũng như xây dựng dự án của các bên liên quan đã gây ra những hệ lụy khó tháo gỡ. Cũng tại TP Sầm Sơn, dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của Công ty CP Toàn Tích Thiện tại phường Quảng Vinh cũng đang để lại hệ lụy lâu dài khi hơn 20 năm vẫn chưa triển khai. Gần 1/4 thế kỷ, 36 hộ dân ở khu phố Đông Bắc 4 và 5 của phường Quảng Vinh nằm trong vùng quy hoạch dự án không được cơi nới, sửa chữa, trong khi nhiều nhà đã xuống cấp, dột nát không bảo đảm sinh hoạt. Các cơ quan chức năng liên quan đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở, nhưng chủ đầu tư tìm mọi cách để “hoãn binh”. Người dân trong vùng dự án “treo” này không được mua bán, cho tặng quyền sử dụng đất, đi cũng dở, ở lại cũng không xong... Tương tự, tại các xã Quảng Hùng và Quảng Đại (Sầm Sơn), Dự án Khu biệt thự Hùng Sơn - Nam Sầm Sơn của Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest cũng hơn 10 năm chưa triển khai, gây ra nhiều hệ lụy cho chính quyền và người dân địa phương...

Bài học kinh nghiệm này từng xảy ra ở nhiều dự án khác, đơn cử như việc thu hồi đất cho một số dự án du lịch của Công ty TNHH SOTO tại vùng biển huyện Quảng Xương, nhưng quá lâu không triển khai nên các hộ dân tái lấn chiếm, nay vô cùng gian nan trong GPMB. Đây cũng là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế cũng như năng lực đầu tư nhưng lại “vẽ” ra những dự án quá sức, thậm chí “ôm” đất quy hoạch để “chờ thời” hoặc mong bán lại dự án cho chủ đầu tư khác để kiếm lời.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]