(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2013-2018 đạt 2,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển biến theo hướng giảm nông nghiệp từ 77,6% năm 2013 xuống còn 72,3% năm 2017, lâm nghiệp tăng từ 5,9% lên 7,3% và thủy sản tăng từ 16,5% lên 20,4%. Sau 5 năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 80 triệu đồng/ha, tăng 15,9%; năng suất rừng trồng đạt 20m3/ha/năm, tăng 8m3/ha/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước đạt 183 triệu đồng/ha, tăng 56,74 triệu đồng/ha.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Sau hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2013-2018 đạt 2,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển biến theo hướng giảm nông nghiệp từ 77,6% năm 2013 xuống còn 72,3% năm 2017, lâm nghiệp tăng từ 5,9% lên 7,3% và thủy sản tăng từ 16,5% lên 20,4%. Sau 5 năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 80 triệu đồng/ha, tăng 15,9%; năng suất rừng trồng đạt 20m3/ha/năm, tăng 8m3/ha/năm; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước đạt 183 triệu đồng/ha, tăng 56,74 triệu đồng/ha.

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Nông dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) thu hoạch ớt.

Những kết quả đạt được khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là mục tiêu, giải pháp hàng đầu để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, qua thực tế sản xuất cho thấy, hầu hết diện tích sau chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần so với trước kia. Tuy đã đạt được hiệu quả kinh tế trong quá trình chuyển đổi, song việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương còn thiếu bền vững. Bởi, mục tiêu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương không chỉ hướng đến hiệu quả kinh tế mà còn hướng đến sự phát triển bền vững. Muốn vậy, trong quá trình thực hiện chuyển đổi các địa phương phải thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, quy mô sản xuất phải tập trung, chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi tại các địa phương cho thấy, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, các địa phương chỉ quan tâm vào việc khảo sát, lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác, bảo đảm hiệu quả kinh tế để đưa vào chuyển đổi, chứ chưa thực sự chú trọng việc thu hút doanh nghiệp vào liên kết và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, với 23.432 ha đất lúa, mía, lạc, sắn, năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế được chuyển đổi linh hoạt sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn trong 5 năm, nhưng chỉ có khoảng 30% diện tích chuyển đổi nói trên được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm, điều này cũng đồng nghĩa với sự thiếu bền vững trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây cũng là “điểm nghẽn” lớn nhất trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa cao.

Điểm nghẽn lớn thứ hai trong tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh ta hiện nay là công tác tích tụ đất đai. Tích tụ đất đai được xem là điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, toàn tỉnh mới chỉ tích tụ được 10.898 ha, chiếm 2,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh. Kết quả tích tụ ruộng đất khiêm tốn hiện đang là rào cản lớn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh ta.

Tỉnh Thanh Hóa với tiềm năng phát triển cả về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản, thế nhưng toàn tỉnh mới có 733 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ tăng 246 doanh nghiệp so với năm 2013, trong khi đó, đa số doanh nghiệp lại chỉ có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, nên việc đầu tư sản xuất còn hạn chế.

Ngoài những điểm nghẽn lớn nói trên, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, tỉnh ta hiện đang gặp một số rào cản, như: Tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn còn diễn ra ở một số địa phương do tình trạng lạm dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung. Nuôi trồng thủy sản; sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn thấp so với yêu cầu, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao, cản trở quá trình CNH, HĐH nông nghiệp...

Theo phân tích Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của những điểm nghẽn, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nói trên là do tỉnh ta có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều khu vực bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, nhất là khu vực miền núi; trong khi đó, tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình dài, nhiều khó khăn, thách thức do đó trong quá trình triển khai thực hiện gặp những trở ngại nhất định. Sự chuyển biến về nhận thức chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi; một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều, khiến quá trình thực hiện tái cơ cấu chậm. Bên cạnh đó, chất lượng lao động trong nông nghiệp còn thấp, trình độ kỹ năng nghề, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp còn nhiều hạn chế gây khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là công tác liên kết sản xuất với các doanh nghiệp

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nỗ lực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh những kết quả, tỉnh ta còn gặp phải những khó khăn khách quan và chủ quan. Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả cao đã triển khai thực hiện thành công tại một số địa phương. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại tập trung quy mô lớn, công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường; thúc đẩy các dự án chăn nuôi quy mô lớn đang triển khai thực hiện. Phát triển các vùng sản xuất thủy sản tập trung quy mô lớn theo hướng CNH, HĐH. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn có xác nhận, sản phẩm trong các vùng sản xuất tập trung bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh các giải pháp về sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy sản, chất lượng giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp và công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nông nghiệp... Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt 2,9%/năm; tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa

Khó khăn trong tìm cây chuyển đổi

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Để thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Như Thanh đã tích cực thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương chú trọng thực hiện mục tiêu, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Sau 5 năm, toàn huyện Như Thanh đã chuyển đổi được 383 ha đất lúa hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; chuyển đổi 483 ha đất trồng cây rau màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía và 780 ha đất trồng mía có độ dốc cao trên 15 độ để trồng cây lâm nghiệp, dược liệu.

Mặc dù đã chuyển đổi được nhiều diện tích, song trong quá trình thực hiện, việc lựa chọn cây trồng để chuyển đổi gặp nhiều khó khăn. Bởi, nguyên tắc khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phải bảo đảm được việc nâng cao giá trị, song đối với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định thì cần có điều kiện canh tác tốt, yêu cầu trình độ sản xuất, song cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện lại không được đầu tư đồng bộ, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, nên huyện chưa dám đưa vào chuyển đổi. Còn những cây trồng phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác thì hiệu quả kinh tế không vượt trội, nên chưa tạo nên sự đột phá trong công tác chuyển đổi. Hiện, những loại cây trồng được đưa vào thực hiện chuyển đổi đại trà trên địa bàn huyện chỉ có một số loại cây, như: Bí xanh, riềng, đào cảnh, mía, keo, cây dược liệu.

Vũ Hữu Tuấn

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh

Thiếu doanh nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, xã Xuân Phú (Thọ Xuân) đã tích cực tuyên truyền nội dung về tái cơ cấu, tranh thủ các nguồn lực, tích tụ đất đai để tập trung thực hiện. Hiện, trên địa bàn xã đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất, có quy mô lớn, như: Chăn nuôi gà tập trung, trồng cây củ đậu trên đất đồi, ổi, cam, bưởi, dưa Kim Hoàng hậu... Tuy nhiên, ngoài mô hình gà giống tập trung của Công ty CP Nông sản Phú Gia; mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của Công ty TNHH Trái cây sạch miền Tây Fresh Fruit được đầu tư sản xuất theo chuỗi; còn lại các mô hình khác là UBND xã chủ động tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân thực hiện. Chưa có doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, phải tiêu thụ qua thương lái, nên thiếu sự bền vững. Vì vậy, cùng với việc phát huy vai trò của HTX trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, xã sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, tuyên truyền cho bà con nông dân nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Lê Xuân Hướng

Chủ tịch UBND xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân

Doanh nghiệp gặp khó về vốn để phát triển sản xuất

Những “điểm nghẽn” trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Với tham vọng gây dựng được dự án sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi, năm 2015, HTX nông nghiệp Thọ Chung quyết định tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Quá trình đầu tư, được UBND huyện Thọ Xuân tạo điều kiện, nên tôi đã xây dựng được khu trồng cây ăn quả tập trung, với quy mô hơn 60 ha, tại các xã Thọ Nguyên, Hạnh Phúc, với mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Sau thời gian đầu tư trồng và chăm sóc, diện tích cam, bưởi, ổi sinh trưởng, phát triển tốt. Những tưởng hứa hẹn những mùa bội thu, nhưng tháng 10-2017 bất ngờ xảy ra mưa lũ, khiến toàn bộ diện tích cây trồng ngập trong nước nhiều ngày. Thiên tai ập đến đã làm cho nhiều diện tích cây trồng sắp đến kỳ thu hoạch bị chết, khiến HTX thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Bị thất thu do thiên tai, HTX cần vốn để khôi phục sản xuất, song do vướng về chính sách cho vay vốn, nên ngân hàng không chấp nhận cho đơn vị thế chấp diện tích sản xuất để vay vốn. Vì vậy, kế hoạch khôi phục, mở rộng diện tích sản xuất và xây dựng được mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đến nay vẫn còn dang dở.

Nguyễn Đình Thọ

Giám đốc HTX nông nghiệp Thọ Chung, huyện Thọ Xuân


Bài Và Ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]