(Baothanhhoa.vn) - Mặc dù chợ truyền thống được xem là nơi mua sắm không thể thiếu của người dân, song, những năm gần đây xu hướng mua sắm tại các siêu thị, siêu thị mi-ni, cửa hàng tự chọn... đã trở nên quen thuộc và trở thành kênh mua sắm nhiều tiện ích của người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều tiện ích của cửa hàng tự chọn ở khu vực nông thôn

Mặc dù chợ truyền thống được xem là nơi mua sắm không thể thiếu của người dân, song, những năm gần đây xu hướng mua sắm tại các siêu thị, siêu thị mi-ni, cửa hàng tự chọn... đã trở nên quen thuộc và trở thành kênh mua sắm nhiều tiện ích của người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi.

Việc xuất hiện các cửa hàng tự chọn đã hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại cửa hàng tự chọn Tuyến Lý, xã Hoa Lộc (Hậu Lộc).

Tuy có diện tích nhỏ, nhưng mô hình cửa hàng tự chọn có nhiều lợi thế, như: Thanh toán nhanh, hàng hóa đa dạng, không gian mua sắm hiện đại, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt... Trong đó, nổi trội hơn cả là việc minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá thành sản phẩm ổn định nên các cửa hàng tự chọn đã thu hút được một lượng khách hàng lớn, góp phần không nhỏ trong phát triển thương mại. Đồng thời, hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân các địa phương.

Theo khảo sát, mô hình cửa hàng tự chọn có ở hầu hết các huyện trong tỉnh, kể cả các huyện vùng cao, như: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa... Những sản phẩm được kinh doanh ở các cửa hàng này là các loại thực phẩm khô, nước giải khát, một số loại rau, củ, quả, thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân... Nhiều cửa hàng tự chọn luôn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng kinh doanh, chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ, nhất là việc thực hiện đầy đủ các chương trình tư vấn, hậu mãi từ phía nhà sản xuất để thu hút và giữ chân khách hàng. Tại cửa hàng tự chọn Gia đình sữa, địa chỉ tại xã Minh Lộc (Hậu Lộc), tuy đi vào hoạt động gần 1 năm nhưng đã thu hút được lượng khách hàng khá đông thường xuyên mua sắm tại cửa hàng. Chị Lê Thị Mai, chủ cửa hàng, chia sẻ: Thông qua các buổi tư vấn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, cửa hàng đã tạo được lòng tin cho khách hàng và dần thay đổi thói quen mua sắm tại các chợ, mua hàng không rõ nguồn gốc của người dân. Đồng thời, việc không ngừng tìm kiếm những sản phẩm mới, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, phù hợp với từng đối tượng khách hàng cũng là một điểm nổi bật để cửa hàng trở thành lựa chọn của người tiêu dùng.

Theo khảo sát, hàng hóa được bán tại các cửa hàng tự chọn có giá tương đương với các sản phẩm cùng loại được bán ở chợ truyền thống và “mềm” hơn giá bán ở các siêu thị vì không phải qua nhiều khâu trung gian, chủ yếu được lấy trực tiếp từ nhà sản xuất nên nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Theo ông Trịnh Hữu Tuyến, quản lý cửa hàng tự chọn Tuyến Lý, tại ngã tư Hoa Lộc (Hậu Lộc): Bởi thu nhập của người dân địa phương chưa cao nên các cửa hàng tự chọn luôn tìm kiếm sự liên kết với một số đơn vị phân phối nhằm có giá sản phẩm ưu đãi, thấp nhất đưa đến người tiêu dùng. Thường thì các cửa hàng tự chọn đều ưu tiên bán được số lượng sản phẩm lớn hơn là đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Ngoài những tiện ích về nguồn gốc, giá thành sản phẩm thì việc xuất hiện nhiều cửa hàng tự chọn thực sự trở thành “cứu cánh” cho những khách hàng hạn chế, eo hẹp về thời gian cũng như khó khăn trong việc lựa chọn mặt hàng. “Đến một cửa hàng tự chọn, khách hàng không mất quá nhiều thời gian cho việc gửi xe, gửi đồ, xếp hàng thanh toán và trả giá sản phẩm. Đây thực sự là mô hình cửa hàng tiện dụng cho khách hàng hạn chế về thời gian nhưng mong muốn tìm được sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc bảo đảm”- chị Thu Hồng (Hậu Lộc) cho biết.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 60.000 cửa hàng kinh doanh thương mại. Tuy chưa thống kê chính xác được số lượng cửa hàng tự chọn song mô hình này không cần đầu tư quá lớn về chi phí mặt bằng, nhân công, vận hành... Việc đầu tư vào cửa hàng tự chọn tránh được nhiều rủi ro nên mô hình này có nhiều tiềm năng phát triển, làm tăng mức độ cạnh tranh đối với các chợ truyền thống, góp phần thúc đẩy văn minh thương mại, từ việc niêm yết giá, thái độ phục vụ, hành vi ứng xử của các tiểu thương, chủ cửa hàng bán lẻ đối với người tiêu dùng. Đồng thời, mô hình cửa hàng tự chọn góp phần hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân.

Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, nhận định: Các doanh nghiệp, hộ gia đình đang hướng tới việc phát triển hệ thống bán lẻ, cửa hàng tự chọn ở khu vực nông thôn là hoạt động nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường, góp phần làm đa dạng thêm các loại hình kinh doanh, bán lẻ hàng tiêu dùng. Sự ra đời của các cửa hàng còn góp phần vào việc ổn định hàng hóa và giá cả trên thị trường, hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]