(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc hỗ trợ, hình thành và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội mà còn nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) chưa phù hợp, không phát huy hiệu quả kinh tế, gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước, cá biệt có mô hình “chết yểu” sau khi triển khai.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất không phát huy hiệu quả

Những năm qua, việc hỗ trợ, hình thành và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp không chỉ thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội mà còn nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) chưa phù hợp, không phát huy hiệu quả kinh tế, gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước, cá biệt có mô hình “chết yểu” sau khi triển khai.

Cây ba kích tại thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) không được chăm sóc nên phát triển như cây dại.

Năm 2014, từ nguồn kinh phí hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, 70 hộ dân xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và một phần kinh phí để đưa cây ba kích vào trồng ở vùng đồi thấp của địa phương, với tổng diện tích 7,3 ha. Trong quá trình canh tác, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND xã tổ chức hướng dẫn nhân dân cách đào hố, bón phân, chăm sóc. Nhưng sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay người dân không còn mặn mà với cây ba kích, đa phần các hộ đã chặt bỏ và chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Trịnh Minh Từ, thôn Quyết Tiến - hộ duy nhất trong 70 hộ tham gia dự án của xã còn giữ được cây ba kích. Được hỏi về diện tích cây ba kích đã trồng, ông Từ cho biết: Năm 2014, gia đình được hỗ trợ trồng 1,5 ha cây ba kích. Đưa loại cây mới vào trồng, gia đình ông cũng mang theo hy vọng về hướng phát triển kinh tế mới. Song, không hiểu vì lý do gì, cây ba kích đứng chân trên vùng đồi xã Ngọc Phụng cứ lụi dần, không phát triển được cả về diện tích và chất lượng cây trồng.

Theo chân người nhà ông Trịnh Minh Từ, chúng tôi lên khu đồi sau nhà từng trồng cây ba kích, nhưng được coi là đã “chết yểu”. Đó là khu đồi trồng keo gần 2 năm tuổi, đang thời kỳ khép tán. Chúng tôi được giới thiệu: “Cách đây 3 năm, khu đồi này, gia đình đã ươm gần 1 vạn giống cây ba kích. Song, do trồng cây ba kích được xem là “không có tương lai” nên từ cuối năm 2016, gia đình ông chỉ tập trung chăm sóc cây keo, không còn mặn mà với cây ba kích nữa”. Tuy keo cỏ mọc um tùm song không khó để chúng tôi tìm được “dấu tích” của cây ba kích. Đó là những bụi cây leo, do không được cắm giàn, nên vươn mầm, bò ngang dưới đất như loài cây dại. Được hỏi về nguyên nhân không duy trì được diện tích cây được hỗ trợ, người nhà ông Từ chia sẻ: Ngay từ ban đầu, người dân được hướng dẫn trồng xen cây ba kích vào diện tích đồi keo, nên khi cây keo đến thời kỳ khép tán, cây ba kích không đủ không gian, ánh sáng, dinh dưỡng để sinh trưởng. Hơn nữa, cây ba kích chưa có một đơn vị nào bao tiêu sản phẩm, giá cả trên thị trường không ổn định, do đó người dân không đủ niềm tin để duy trì diện tích cây này.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ PTSX của Chương trình 135, huyện Lang Chánh đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây có diện tích 5 ha tại cánh đồng thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc. Hơn 50 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất. Ông Lê Phi Kiện, thôn Tân Thủy, cho biết: Năm 2015, gia đình ông trồng 2 sào khoai tây theo dự án hỗ trợ PTSX của Chương trình 135. Tuy mới năm đầu tiên trồng thử nghiệm, song năng suất khoai tây đạt gần 7 tạ/sào, mang lại doanh thu gần 3,5 triệu đồng/sào, cao hơn 1,7 lần so với trồng ngô truyền thống. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, trên diện tích thực hiện mô hình, người dân lại bỏ cây khoai tây để quay lại các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, phó chủ tịch UBND xã, cho biết: Nguyên nhân người dân trong xã không duy trì mô hình trồng cây khoai tây một phần do không còn chính sách hỗ trợ giống, phân bón và chưa tìm được thị trường tiêu thụ nên người dân không dám tiếp tục đầu tư sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, thông qua các Chương trình 30a, Chương trình 135 đã có 158 mô hình hỗ trợ PTSX được triển khai tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với 56.956 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hưởng lợi từ các nguồn hỗ trợ. Trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như: Mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng; mô hình nuôi cá lồng; mô hình trồng cam V2, bưởi Diễn, trồng bí xanh, nghệ ruột đỏ... Song, còn nhiều mô hình hỗ trợ PTSX không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Ông Lê Nhân Đồng, Phó trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, cho biết: Đa phần các mô hình hỗ trợ PTSX không phát huy hiệu quả, đã hoặc đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” đều xuất phát từ những nguyên nhân, như: Các địa phương triển khai mô hình theo kiểu phong trào, không tìm thị trường tiêu thụ nên sản phẩm làm ra đứng trước nguy cơ “ế”, hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất không được bảo đảm. Hoặc, khi triển khai mô hình, các hộ dân được hỗ trợ cả về vốn, giống và kỹ thuật, do đó nhiều hộ dân tham gia mô hình có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đến khi hết chương trình, không còn cơ chế hỗ trợ thì người dân bỏ, không tiếp tục triển khai dẫn đến tình trạng “chết yểu”. Việc triển khai các chương trình hỗ trợ PTSX là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Nhưng, cần phải trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, cho người dân vay vốn để đầu tư sản xuất song song với hình thức cầm tay chỉ việc của cán bộ cơ sở, để các mô hình hỗ trợ các hộ dân nghèo đạt kết quả tốt và bền vững.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]