(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã khiến cho không ít làng nghề truyền thống trong tỉnh dần bị thu hẹp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều làng nghề có nguy cơ thu hẹp, vì sao?

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã khiến cho không ít làng nghề truyền thống trong tỉnh dần bị thu hẹp.

Nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa).

Việc gìn giữ, xây dựng thương hiệu cho làng nghề gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho lao động nông thôn trở thành bài toán khó đối với các ngành và địa phương.

Nằm bên hữu ngạn sông Chu, với những bãi bồi màu mỡ, chính là điều kiện thuận lợi để người dân làng Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu. Sản phẩm nhiễu Hồng Đô đã phát triển và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong, ngoài tỉnh. Vào thời điểm phát triển nhất của nghề, làng Hồng Đô có tới 300 khung dệt, 400 đến 500 thợ dệt có tay nghề và mỗi năm xuất sang cả Lào, Trung Quốc và nhiều nước khác hàng nghìn tấm nhiễu các loại. Những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở xã Thiệu Đô không còn phát triển như xưa và nghề dệt nhiễu cũng thu hẹp, số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần. Hiện tại, làng nghề nhiễu Hồng Đô chỉ còn 19 hộ và 1 doanh nghiệp với gần 150 lao động phát triển nghề truyền thống. Thực trạng này, cũng là vấn đề chung của nhiều làng nghề, khi mỗi sản phẩm thủ công làm ra thường chi phí cao, dẫn đến khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp cùng loại.

Làng Giàng, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) từng nức tiếng một thời với nghề đan cót truyền thống, song những năm gần đây sức sống của làng nghề đã dần mai một, số lượng lao động gắn bó với nghề cũng giảm sút. Bà Cao Thị Nguyên, 70 tuổi, ở xóm 3, thôn 1, cho biết: Ở thập niên 90 của thế kỷ trước là thời hưng thịnh của nghề đan cót làng Giàng. Trong làng nhà nào cũng làm nghề và sống được với nghề đan cót truyền thống. Hàng của làng làm ra với 2 mẫu mã chính là cót ép xuất khẩu và cót dùng trong sinh hoạt, xây dựng. Mỗi ngày, gần 500 lao động trong làng có thể làm ra hơn 1.000 tấm cót các loại song vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. Những năm gần đây, nghề đan cót không còn thịnh hành, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ nên người dân địa phương không còn mặn mà với nghề đan cót truyền thống nữa. Tìm hiểu tại các thôn 1, 2, 3 của xã Thiệu Dương được biết, hiện tại cả xã chỉ còn khoảng 120 lao động gắn bó với nghề, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Song, thu nhập chỉ đạt 600 đến 800.000 đồng/người/tháng. Tình trạng hàng làm ra không tiêu thụ được và thiếu nguyên liệu sản xuất thường xuyên xảy ra. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND xã, cho biết: Những năm gần đây, sản phẩm cót làng Giàng không còn được sử dụng nhiều. Hơn nữa, các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng nhiều, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định hơn cho lao động nông thôn nên đa phần lao động trẻ của địa phương đã thoát ly với nghề truyền thống để tiếp cận những nghề nghiệp hấp dẫn hơn.

Gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân, người làm nghề lâu năm tại các làng nghề có thể cảm nhận sự tiếc nuối của họ. Có người vẫn lưu giữ công cụ làm nghề ở một góc nhà. Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương, cho biết: Bên cạnh những làng nghề có sức sống bền bỉ, hưng thịnh như nghề rèn Tất Tác, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), nghề mộc truyền thống ở làng Đạt Tài, Hạ Vũ... (Hoằng Hóa); nghề đá mỹ nghệ làng Mai, xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc)... thì rất nhiều làng nghề khác đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân là do sản phẩm không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, thiếu tính ứng dụng; do bị cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp và giữa các làng nghề với nhau. Một vấn đề khác do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết giữa các làng nghề, các nghệ nhân; việc quảng bá thương hiệu còn yếu, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường.

Trước nguy cơ mai một các làng nghề truyền thống, tỉnh ta đã có nhiều quyết định, chính sách để phát triển nghề truyền thống, như: Quyết định 4620/QĐ-UBND về bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020; Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ban hành theo Quyết định số 290/QĐ-TU, ngày 27 – 5 – 2016, trong đó ưu tiên vốn cho phát triển du lịch làng nghề... Có thể khẳng định rằng, để hạn chế nguy cơ mai một, thu hẹp của các làng nghề cần một chiến lược dài hạn. Trước mắt, mỗi làng nghề cần nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích phát triển những mẫu mã sản phẩm mang đậm chất văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Song song với đó, cần có sự liên kết của chính quyền, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nghệ nhân để phát triển làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu và chương trình mỗi xã một sản phẩm, để tạo nên giá trị, sức sống bền bỉ cho mỗi làng nghề.


Bài và ảnh: Hòa Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]