(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cùng với việc hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động thì vấn đề mở rộng các ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện. Nhiều địa phương đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích việc nhân cấy, phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, “lộ trình” nhân cấy, phát triển nghề mới ở các huyện ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong phát triển nghề mới ở khu vực miền núi

Những năm qua, cùng với việc hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động thì vấn đề mở rộng các ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các huyện miền núi đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện. Nhiều địa phương đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích việc nhân cấy, phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, “lộ trình” nhân cấy, phát triển nghề mới ở các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nghề đan lát truyền thống tại xã Xuân Dương (Thường Xuân).

Chúng tôi trở lại xã Thanh Kỳ (Như Thanh) để tìm hiểu sự thăng trầm của nghề thêu ren đính cườm được hội LHPN xã du nhập, phát triển từ năm 2012. Khác với sự tưởng tượng, nghề từng đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động nữ địa phương ngày nào giờ chỉ còn trong trí nhớ của một số người. Những công cụ được đầu tư như khung thêu, kim chỉ... giờ đã vắng bóng ở hầu hết các hộ dân. Tiếc nuối nghề cũ, chị Lương Thị Thật, thôn Kim Đồng, cho biết: Năm 2012, nhiều hội viên hội phụ nữ xã đã theo học nghề thêu ren đính cườm và nhiều chị em phụ nữ địa phương đã có thêm thu nhập từ nghề mới. Tuy thu nhập không cao song nghề đã tạo được việc làm phù hợp và giúp chị em có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Do việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hàng làm ra không bán được nên cơ sở liên kết và người dân đành bỏ nghề sau gần 1 năm duy trì.

Được biết, trong 2 năm (2016-2017), UBND huyện Như Thanh chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện tổ chức 7 lớp dạy nghề cho 322 học viên, trong đó có 4 lớp nông nghiệp và 3 lớp phi nông nghiệp. Các học viên sau đào tạo đều được cấp chứng chỉ học nghề và có việc làm ổn định. Trong đó, trên địa bàn huyện đã nhân cấy và phát triển được nghề đan lẵng hoa bằng tre, luồng, vầu, nứa, bẹ ngô... tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động địa phương.

Tại huyện Thường Xuân, những năm qua, công tác phát triển nghề mới đã được chính quyền địa phương, các phòng, ban và bộ phận chuyên môn quan tâm thực hiện. Nhiều nghề mới được nhân cấy, phát triển, như: Nghề chóc quại, trồng cây cảnh, mây giang xiên... thu hút sự tham gia của hàng trăm lao động nữ tại địa phương. Song, tồn tại được một thời gian ngắn, những nghề mới ấy đã dần vắng bóng, để lại sự tiếc nuối cho nhiều lao động. Bà Lê Thị Định, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Thường Xuân, cho biết: Việc nhân cấy, phát triển nghề mới trên địa bàn huyện Thường Xuân dù đã được các cấp, các ngành quan tâm song vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc gìn giữ và phát triển nghề. Nhiều nghề đã được du nhập vào địa phương nhưng chỉ tồn tại được thời gian ngắn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp, thu nhập của người lao động giảm...

Khảo sát tại một số huyện miền núi, như: Lang Chánh, Quan Hóa, Cẩm Thủy... nhận thấy, việc nhân cấy nghề mới nhằm giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định và hầu hết các ngành, nghề được du nhập vào địa phương là những nghề có thu nhập thấp trong khi nghề yêu cầu kỹ thuật cao, tinh xảo, cầu kỳ, thời gian học nghề lâu nên hoặc người lao động không mặn mà tham gia hoặc chỉ tham gia dưới hình thức tranh thủ thời gian nông nhàn nên sản phẩm làm ra không bảo đảm chất lượng, thu nhập thấp. Mặt khác, những năm gần đây tại nhiều địa phương miền núi, đã có nhiều ngành nghề mới được du nhập, nhân cấy, song chỉ phát triển được một thời gian ngắn nên ảnh hưởng tới niềm tin của người dân. Còn đối với việc phát triển nghề, ngoài yếu tố về thị trường tiêu thụ sản phẩm thì việc thiếu nguồn vốn cũng là lý do để các cơ sở hạn chế mở rộng quy mô. Ngoài ra, nhiều địa phương khi lựa chọn nghề mới để nhân cấy chưa phù hợp với trình độ văn hóa, tập quán sản xuất của người dân và tiềm năng lợi thế cũng như khả năng nhân rộng của nghề trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Phòng Đào tạo nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng: Các sở, ngành có liên quan của tỉnh nhất là các địa phương ở khu vực miền núi cần tích cực vào cuộc để thực hiện các giải pháp nhằm giúp đỡ các cơ sở kinh doanh trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn vốn cũng như củng cố niềm tin của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân vào nghề mới thì mới mong lộ trình nhân cấy, phát triển nghề mới vào địa phương bớt khó khăn, trở ngại và dần đạt hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]