(Baothanhhoa.vn) - Điếm canh đê là một trong những công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác trực, canh gác đê, đồng thời là nơi tập kết vật liệu hộ đê trong mùa mưa bão. Mặc dù vậy, hiện nay phần lớn các điếm canh đê trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, không ít điếm canh đê bị bỏ hoang.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều điếm canh đê bị hư hỏng, xuống cấp

Điếm canh đê là một trong những công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác trực, canh gác đê, đồng thời là nơi tập kết vật liệu hộ đê trong mùa mưa bão. Mặc dù vậy, hiện nay phần lớn các điếm canh đê trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, không ít điếm canh đê bị bỏ hoang.

Nhiều điếm canh đê bị hư hỏng, xuống cấp

Điếm canh đê trên địa bàn phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm.

Tỉnh Thanh Hóa có 24 dòng sông lớn, nhỏ với hơn 1.000 km đê các loại; trong đó, 315 km đê Trung ương (từ cấp I đến cấp III), 693 km đê thuộc địa phương quản lý. Trên các tuyến đê có nhiều hạng mục công trình, như: Hệ thống kè, cống, điếm canh đê, hành lang bảo vệ đê và che chắn sóng. Đây là hệ thống công trình phòng, chống bão, lũ, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên hệ thống đê toàn tỉnh có hơn 100 điếm canh đê. Vào mùa mưa bão hàng năm, điếm canh đê là địa điểm để lực lượng chức năng chốt trực kiểm tra, phát hiện sự cố đê điều và sẵn sàng ứng cứu và xử lý ngay từ giờ đầu các hiện tượng nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều điếm canh đê đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Theo quan sát của chúng tôi, có không ít điếm canh đê hiện không còn bảo đảm đủ các yêu cầu tối thiểu để lực lượng chức năng, nhân dân ứng trực bảo vệ đê trong mùa mưa bão khi tường bị nứt vỡ, nước mưa dột thành dòng, mặt nền sụt lún, ẩm mốc, bên trong không có trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng lực lượng canh gác đê ít có mặt tại các điếm canh đê theo quy định.

Điếm canh đê tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa trên đê tả sông Mã, mặc dù nằm sát mặt đê, nhưng đây thực tế là một ngôi nhà khoảng 15m2 bị bỏ hoang, cánh cửa sổ, cánh cửa ra vào đều không có, tường bị bong tróc, trơ cả gạch vữa, mái điếm nứt toác. Nhà gần điếm canh đê, bà Lê Thị Liên, thôn 3, cho biết: Điếm canh đê này được xây dựng đến nay đã hơn 30 năm. Trước kia, mỗi mùa mưa bão tôi vẫn thấy có người trực gác trong điếm, nhưng khoảng hơn chục năm nay thì thấy không có người gác, ngay cả trong những đợt mưa bão lớn. Điếm bị bỏ hoang nên trâu bò vào trú ngụ, phóng uế rất mất vệ sinh. Do điếm canh đê xuống cấp, mất an toàn nên nhiều năm nay, khi có bão lũ thì địa phương đã phải bố trí lực lượng gác, canh đê ở nhờ nhà dân.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí nhưng do nhu cầu lớn nên việc sửa chữa, nâng cấp các điếm canh đê chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo quy định, trong mùa lũ lực lượng tuần tra, canh gác đê phải tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê khi có báo động lũ từ cấp I trở lên. Hơn nữa trước đây, việc tập kết vật tư phục vụ công tác phòng, chống lụt bão thường tập trung ở các điếm canh đê nhưng hiện nay, vật tư dự trữ phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh được tập kết tại các kho của các huyện, thị xã, thành phố; kho của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và một số công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và các hạt quản lý đê điều. Tại mỗi hộ dân và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đều được giao chỉ tiêu chủ động mua sắm, trang bị một số loại vật tư cần thiết, như: Bao tải, cuốc, xẻng... vì thế, các công trình điếm canh đê ít phát huy tác dụng trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Để bảo đảm các công trình điếm canh đê phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão, nhất là công tác tuần tra, canh gác đê khi có thiên tai xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành thống kê hiện trạng toàn bộ các điếm canh đê trên địa bàn tỉnh để báo cáo UBND tỉnh, trình Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới các điếm canh đê; thực hiện sắp xếp hợp lý vị trí điếm canh đê, phá bỏ những điếm canh đê không còn phù hợp. Đề nghị UBND các huyện chỉ đạo đơn vị thi công dự án mở rộng mặt đê khẩn trương thi công hoàn trả những vị trí điếm đã bị phá dỡ để phục vụ thi công; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đê đoạn qua địa bàn. Yêu cầu các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình đê, các vị trí điếm canh đê; đối với các trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu, nghiên cứu phương án dỡ bỏ các điếm canh đê không cần thiết, không phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Bài và ảnh: Minh Hà


Bài Và Ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]