(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống chợ có vai trò quan trọng trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản tại các chợ khu vực nông thôn còn bộc lộ nhiều bất cập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập trong tiêu thụ nông sản ở chợ quê

Hệ thống chợ có vai trò quan trọng trong việc giao thương, trao đổi hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản tại các chợ khu vực nông thôn còn bộc lộ nhiều bất cập.

Việc tiêu thụ nông sản ở chợ khu vực nông thôn, miền núi bộc lộ nhiều bất cập. (Ảnh minh họa)

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 396 chợ; trong đó, 322 chợ ở khu vực nông thôn, miền núi. Nhưng nhiều chợ chỉ họp vào buổi sáng (hoặc buổi chiều), mỗi phiên chỉ diễn ra trong vài giờ, chủ yếu với các mặt hàng nông sản tự sản xuất đem đi bán, nên sản phẩm còn nghèo nàn, mang tính vùng miền. Thông qua hệ thống chợ, người sản xuất, chủ yếu là người nông dân có địa điểm giao dịch, trao đổi nông sản và người tiêu dùng có thể mua trực tiếp thứ cần dùng mà không phải qua trung gian. Song, thực tế cho thấy việc tiêu thụ nông sản ở chợ khu vực nông thôn lại bộc lộ những bất cập trong việc niêm yết giá, việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nông sản an toàn và không an toàn...

Chợ Phủ, xã Văn Lộc (Hậu Lộc) có từ lâu đời và là một trong những chợ thu hút nhiều người trong và ngoài huyện Hậu Lộc đến buôn bán. Theo quan sát của chúng tôi, người dân bày bán đủ loại hàng hóa, nhưng nhiều hơn cả là những thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn gia đình. Hầu hết hàng nông sản ở chợ đều được bày bán và tiêu thụ nhỏ lẻ, các sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Khi được hỏi về nguồn gốc, người mua đều nhận được câu trả lời “của nhà tự nuôi, trồng”. Do đó, để lựa chọn thực phẩm an toàn, người mua luôn tìm kiếm những sản phẩm có “nguồn gốc từ người quen”. Bà Lê Thị Dung, thôn Duy Tinh, xã Văn Lộc, cho biết: Vì đây là chợ ở khu vực nông thôn nên các loại nông sản đa dạng, tùy thuộc vào mùa vụ canh tác của nông dân. Song, người mua chỉ dựa vào mối quan hệ với người bán để xác định nguồn gốc thực phẩm. Đôi khi người mua muốn tìm các loại rau, củ, quả an toàn nhưng không thể xác định được sản phẩm bày bán ở chợ có bảo đảm VSATTP không? Ngoài ra, về giá nông sản thường không ổn định, tăng giảm theo thời vụ, việc tổ chức quản lý, kinh doanh chưa thực sự quy củ, khiến người dân còn ái ngại khi mua bán ở chợ. Đại diện ban quản lý chợ, cho biết: Tại chợ, chủ yếu là nông sản do người dân sản xuất, chưa có cơ quan nào kiểm soát hay văn bản nào chứng minh được nguồn gốc của thực phẩm. Giả sử, ở chợ xảy ra khủng hoảng thừa thì buộc người nông dân phải bán đổ, bán tháo. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn là trở ngại khi tiến hành phát triển hàng hóa quy mô lớn.

Tại nhiều chợ trong tỉnh, như: Chợ Châu (Thọ Xuân), chợ Lưu Vệ (Quảng Xương), chợ Liếu, chợ Cống (Ngọc Lặc)... việc buôn bán, tiêu thụ nông sản còn bộc lộ những bất cập trong việc tổ chức. Do tính chất phục vụ chủ yếu là những đối tượng không chuyên (nông dân địa phương) nên khu vực bán nông sản thường không được xây dựng kiên cố, người đứng, người ngồi, việc mua bán được thực hiện ngay trên nền đất. Thậm chí, lúc đông người, nhiều hàng hóa, người mua, người bán chen chúc lẫn nhau, không còn lối đi lại. Thực trạng chung ở hầu hết các chợ khu vực nông thôn đều mất vệ sinh, nhếch nhác, ô nhiễm môi trường...

Hiện tại, dù lực lượng tiểu thương, hệ thống siêu thị, hàng quán đã và đang phát triển, song chợ vẫn là kênh tiêu thụ nông sản chủ đạo, không thể thay thế ở khu vực nông thôn. Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập đang diễn ra, một mặt cần gắn kết việc sản xuất nông sản với phát triển vùng chuyên canh, hợp tác gắn kết giữa người sản xuất với nhà phân phối. Mặt khác tăng cường quản lý, sắp xếp tại các chợ nông thôn theo hướng tiện lợi, bảo đảm vệ sinh, an toàn, chất lượng. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước đưa hoạt động kiểm tra, kiểm soát VSATTP với các mặt hàng tươi sống, tiến tới hình thành thói quen nền nếp mua bán tiêu thụ hàng hóa bảo đảm quy chuẩn, chất lượng theo quy định.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]