(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Mô hình sản xuất rau thủy canh ở xã Đông Tiến (Đông Sơn) đang từng bước được nhân rộng.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

Ngoài những cơ chế chính sách của tỉnh, huyện Thọ Xuân xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, từng bước nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng thành công 9 mô hình với diện tích trên 65.000 m2 nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa hữu cơ, lợi nhuận bình quân khoảng 800 triệu đồng/mô hình/năm; 216,9 ha cây ăn quả có múi tập trung thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm... Xây dựng và duy trì thực hiện 16 cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm, mỗi cánh đồng có diện tích từ 20 ha/vụ đến 100 ha/vụ, cho thu nhập tăng thêm 3,6 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, phát triển các vùng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa Công ty CP Mía đường Lam Sơn với các HTX, các hộ nông dân ở 15 xã vùng bán sơn địa với diện tích 2.000 ha mía nguyên liệu. Liên kết với Công ty TNHH Anh Thôi, Công ty Tình Cầm, Công ty CP Rau quả Việt Thanh sản xuất ớt, thu nhập ước đạt 290 triệu đồng/ha/vụ... Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung, diện tích trên 33,5 ha tại các xã Thọ Hải, Xuân Lai, Thọ Xương, Tây Hồ, Xuân Tân. Vùng sản xuất rau, hoa, quả công nghệ cao trong nhà lưới để cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối và các cửa hàng thực phẩm an toàn trong và ngoài huyện... Bước vào thực hiện chương trình XDNTM cùng với lộ trình chung của huyện, xã Nga Trung (Nga Sơn) quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cùng với việc được hỗ trợ về kỹ thuật trồng dưa hấu và cơ chế hỗ trợ kích cầu đầu tư màng phủ, giống cho nông dân, xã Nga Trung đã lồng ghép hỗ trợ bà con nông dân 6 triệu đồng/ha trồng dưa hấu, góp phần kích cầu người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng dưa hấu. Từ khi đưa vào sản xuất dưa hấu tập trung theo vùng và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, cây dưa hấu đã cho năng suất cao hơn so với những năm trước đây. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 54,1 ha dưa hấu, sản xuất 3 vụ trong năm, năng suất bình quân đạt từ 300 - 320 tạ/ha, giá trị đạt 285 triệu đồng - 295 triệu đồng/ha. Cây dưa hấu đã khẳng định là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong các cây trồng được canh tác trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Nga Sơn. Hiện cây dưa hấu đang được nhân rộng và trồng ở các xã Nga Yên, Nga Lĩnh...

Sau 10 năm XDNTM, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng bền vững. Toàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từ đó hình thành được các mô hình nông nghiệp làm cơ sở để nhân rộng. Điển hình như các mô hình: Sản xuất rau, quả, thực phẩm sạch và trồng rau thủy canh của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn; trồng thanh long, dưa vàng tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông... Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã có khoảng 300.000 m2 nhà lưới, nhà màng cùng với nhiều dự án đầu tư vào chăn nuôi tập trung, bền vững và áp dụng công nghệ chuỗi khép kín, có hệ thống quạt thông gió, hệ thống máng ăn uống tự động, xử lý chất thải bằng biogas, hệ thống cấp điện chủ động... Qua đó, đã tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi được hình thành và khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Sản phẩm được sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường trong, ngoài nước ưa chuộng. Giá trị sản xuất tăng 1,5 - 2 lần và thu nhập của người sản xuất tăng 30 - 40% so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, chưa mang tính hệ thống, mới áp dụng ở một số khâu trong quá trình sản xuất. Nguồn lực đầu tư của tổ chức, cá nhân còn yếu, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, tính liên kết còn hạn chế..., do vậy chưa tạo ra sự đột phá trong sản xuất, nhiều mô hình còn mang tính thử nghiệm. Để nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình sản xuất tập trung, cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện các sở, ngành có liên quan của tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, nhất là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp... Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng lao động đang sản xuất, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề nông trong sản xuất nông sản hàng hóa. Nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn tại cơ sở về con giống, cây giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật cùng với doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo loại hình tổ hợp tác, HTX; quản lý sản xuất theo hướng cộng đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; cùng nhà khoa học, nhà quản lý kết hợp với nông dân phát triển ngành hàng nông sản theo hướng bền vững.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, huyện Thường Xuân đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp. Với cách làm này, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, mang tính bền vững đã hình thành và từng bước được nhân rộng.

Đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã có 7 mô hình sản xuất nông nghiệp ở 4 xã Lương Sơn, Ngọc Phụng, Thọ Thanh và Xuân Cẩm, với tổng diện tích hơn 60 ha và chủ yếu trồng cây ăn quả. Với mục tiêu mở rộng liên kết, phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã chủ động rà soát, định hướng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất. Ngoài ra, những năm qua, huyện Thường Xuân đã tập trung tích tụ đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp vào địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng lúa thâm canh trên diện tích 230 ha tại các xã Ngọc Phụng, Xuân Dương, Thọ Thanh; 95 ha mía thâm canh tập trung tại xã Thọ Thanh, Xuân Dương; cây ăn quả tập trung tại xã Thọ Thanh, Ngọc Phụng, Xuân Cẩm, Luận Thành, Lương Sơn, với diện tích 56 ha; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Xuân Dương, Thọ Thanh, Ngọc Phụng; xây dựng 7.200m2 nhà lưới trồng rau, quả an toàn tại các xã Ngọc Phụng, Xuân Dương, Thọ Thanh và thị trấn Thường Xuân.

Đỗ Văn Hoan

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân

Phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Định đã xác định việc tập trung phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập của người dân là vấn đề quan trọng hàng đầu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết và đến hết tháng 8-2019 đạt hơn 4.000 ha; trong đó, nhóm sản phẩm khoai tây, cà chua, bí xanh, hành, tỏi, rau màu 81,08 ha; nhóm sản phẩm ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, dưa xuất khẩu, ớt xuất khẩu: 1.505 ha; nhóm sản phẩm ngô dày và cỏ làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, bò thịt 150 - 200 ha; còn lại là lúa, ngô giống các loại. Triển khai thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, như: Trồng rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới; chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học... Vì vậy, giá trị sản xuất 1ha canh tác tăng từ 76,95 triệu đồng năm 2010 lên 140,37 triệu đồng năm 2018. Giá trị gia tăng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân hằng năm hơn 10%. Tuy đạt kết quả tích cực, song việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuỗi liên kết sản xuất... vẫn còn hạn chế, nhất là việc thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Trịnh Xuân Quý

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển

nông thôn, UBND huyện Yên Định

Xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Với việc đầu tư 1.600m2 diện tích nhà màng sản xuất rau, quả của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (Ngọc Lặc) ứng dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, như: Ủ phân hữu cơ từ các chế phẩm sinh học, tạo hàng rào thực vật xua đuổi côn trùng xung quanh nhà màng... Để phát triển mô hình sản xuất hữu cơ, HTX còn hợp tác và chuyển giao công nghệ với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, áp dụng các phương thức sản xuất hữu cơ giúp hạn chế được sâu bệnh, cải tạo đất đai, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thông qua các vụ sản xuất dưa vàng bằng phương pháp hữu cơ, mô hình không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho HTX, quan trọng hơn là nó đã tạo sự chuyển biến tích cực về phương pháp sản xuất mới cho người dân trong vùng. Không những thế, sản xuất theo phương pháp hữu cơ còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Hiện HTX đang tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 1.000 m2 nhà màng để áp dụng sản xuất hữu cơ các loại rau, quả an toàn.

Phạm Văn Kiên

Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp

Kiên Thọ (Ngọc Lặc)

Đúc rút kinh nghiệm để áp dụng sản xuất rau an toàn

Nhân rộng mô hình phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Nhận thấy các hộ sản xuất tham gia mô hình sản xuất rau an toàn tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) có hiệu quả kinh tế cao; gia đình tôi đã chủ động đầu tư, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Bên cạnh việc tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tôi còn chủ động tìm tài liệu học hỏi, đúc kết kinh nghiệm để áp dụng sản xuất rau an toàn của gia đình mình. Nhờ đó, mỗi ngày khu vườn 1.500m2 rau của gia đình cung cấp ra thị trường từ 35-40 kg rau các loại. Nếu như trước đây, chúng tôi sản xuất theo phương pháp truyền thống, 1 sào rau chỉ cho thu nhập từ 10 đến 14 triệu đồng/lứa thì nay việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng/lứa. Ưu điểm vượt trội của mô hình này là sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ và giảm chi phí trong sản xuất.

Nguyễn Quán Dũng

(Tiểu khu 6, thị trấn

Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa)

Lê Hợi


Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]