(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nhân lực và điều kiện sinh thái để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

Nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch

Du khách tham quan và trải nghiệm thu hoạch rau thủy canh tại xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Tỉnh ta có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nhân lực và điều kiện sinh thái để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trong đó, có nhiều loại nông sản đặc trưng, có ưu thế như rau quả an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... Đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 97 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 2.180 ha; trong đó, có hơn 400 ha đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 5.000 m2 đất sản xuất rau thủy canh, hơn 575 ha hoa, cây cảnh... Trước đây, người dân và các cơ sở chỉ sản xuất để cung cấp nhu cầu của thị trường, giờ đây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành một trong những tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa kết hợp với du lịch. Nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh đã được hình thành thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh kết hợp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp mang lại doanh thu cao và định hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp hiện đại.

Anh Lê Văn Quân, khu phố 4, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), cho biết: Trước đây, gia đình chỉ đơn thuần trồng hoa để phát triển kinh tế với những loại hoa truyền thống, như: Hồng, cúc, lay ơn. Nhưng những năm gần đây, nở rộ trào lưu chụp ảnh, kết hợp du lịch sinh thái nên gia đình mở thêm dịch vụ cho thuê vườn hoa chụp ảnh với giá 20.000 đồng/người/lượt và mở rộng diện tích trồng những loại hoa cao cấp như: Ly, tuy líp, violet... Theo tính toán của anh Quân, thời điểm cuối năm doanh thu từ dịch vụ cho thuê vườn hoa chụp ảnh đạt 5 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần tăng doanh thu cho gia đình. Theo khảo sát, hầu hết các hộ trồng hoa tại phường Đông Cương đều mở thêm dịch vụ cho thuê vườn chụp ảnh với chi phí từ 10-20.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, dịch vụ này vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được điểm nhấn hấp dẫn du khách.

Thực tế cho thấy, những khu trang trại, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sử dụng công nghệ sinh học trong canh tác rau, hoa, trồng cây ở môi trường không sử dụng đất mà dùng giá thể hoặc trồng bằng phương pháp thủy canh,... cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, đặc thù, mới, lạ và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng thường hấp dẫn du khách. Du khách tham quan các mô hình này sẽ được trải nghiệm từ quy trình sản xuất, khâu chăm sóc đến thu hoạch... Chị Nguyễn Thị Thơ, chủ trang trại rau thủy canh Phố, phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Khu sản xuất rau thủy canh của gia đình được làm bằng nhà kính, quy trình canh tác hiện đại đã tạo ra các loại cây giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng; ứng dụng hệ thống tự động thông minh trong tưới nước, phân bón; ứng dụng công nghệ cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng... nên thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Dù chưa mở dịch vụ thu phí tham quan khu sản xuất, nhưng ngoài lượng khách thu mua theo hợp đồng thì hằng tuần có khoảng 50-60 lượt khách đến tham quan, trực tiếp tham gia thu hoạch và mua sản phẩm rau thủy canh của gia đình.

Trên địa bàn tỉnh hiện có một số mô hình trang trại, như: Nông trại Golden Cow thuộc xã Lương Sơn (Thường Xuân); Xứ Thanh Eco-villa, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu Du lịch nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa); Nông trại Phong cách mới (Quảng Xương)... với nhiều cảnh quan thoáng đãng, đẹp và thơ mộng để du khách vừa thưởng lãm vừa chụp hình lưu niệm đã tạo được nhiều dấu ấn về hình thức du lịch nông nghiệp trải nghiệm độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển của nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm trên địa bàn tỉnh mới ở mức độ manh nha, sự đầu tư và chuyên môn chưa cao nên chưa thực sự phát triển.

Để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm trước hết, các địa phương cần tổ chức sản xuất phù hợp, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp lữ hành trong quá trình hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái. Mặt khác, cần tập trung xây dựng các mô hình cảnh quan kết hợp với sản xuất nông nghiệp, sản xuất cây đặc sản, cây dược liệu, các loại rau hoa đặc trưng của từng vùng... kết hợp với các tour du lịch trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.

Thanh Hòa


Thanh Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]