(Baothanhhoa.vn) - Trên cơ sở định hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 đạt 32,7% và đến năm 2025 lên hơn 50%, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai sản xuất và nhân rộng các mô ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trên cơ sở định hướng tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trên diện rộng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 đạt 32,7% và đến năm 2025 lên hơn 50%, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC; đồng thời, có chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai sản xuất và nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC.

Có sự định hướng, khuyến khích, ủng hộ của các cấp chính quyền và các sở, ngành có liên quan, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp CNC, từ đó hình hành được các mô hình nông nghiệp điểm, hạt nhân và làm cơ sở để nhân rộng. Điển hình như các mô hình: Mô hình sản xuất rau, quả thực phẩm sạch nhà mái che và cánh đồng mở, với quy mô 50 ha của Trung tâm Nông nghiệp CNC Lam Sơn; mô hình trồng thanh long, trồng dưa vàng tại Công ty CP Nông nghiệp hiện đại Tiến Nông; dự án trang trại bò sữa quy mô 16.000 con của Công ty CP sữa Việt Nam – Vinamilk; trang trại chăn nuôi gà tập trung, khép kín của Công ty CP Nông sản Phú Gia... Những mô hình nông nghiệp CNC này đã và đang mở ra cho nền nông nghiệp tỉnh ta một hướng sản xuất mới. Bởi, nó không những cho hiệu quả kinh tế cao, hướng đến sự phát triển bền vững, mà còn có tác động tích cực đến ý thức sử dụng nguồn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

Từ việc các mô hình nông nghiệp CNC ngày càng khẳng định được những ưu điểm vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, nên những năm qua, nhiều địa phương đã thu hút, vận động doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất nông nghiệp CNC.

Ở huyện Yên Định, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC không chỉ dừng lại ở việc triển khai thực hiện các mô hình trong nhà lưới, nhà kính tại các xã Định Bình, Yên Thọ, Yên Trường, Định Hòa, Định Tường..., mà đã được nhân ra diện rộng cho những diện tích sản xuất nông nghiệp ngoài trời, đối với các cây trồng đại trà khác thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng CNC vào sản xuất, như: Lắp đặt hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; sử dụng các loại phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học vào quá trình sản xuất... để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài lĩnh vực trồng trọt, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi cũng được huyện chú trọng. Các kỹ thuật chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện áp dụng rộng rãi, như: Sử dụng các chế phẩm sinh học chế biến thức ăn, làm đệm lót, sử dụng kháng sinh có nguồn gốc thảo dược, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng con giống mới bảo đảm chất lượng.

Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Do vậy, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã tập trung thực hiện các giải pháp để thu hút doanh nghiệp, khuyến khích các HTX, hộ cá thể trên địa bàn triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Nhờ đó, chỉ từ năm 2016 đến hết vụ xuân năm 2018, huyện Thọ Xuân đã nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, như: Mô hình trồng hoa lan trong nhà kính, mô hình trồng đậu tương giống, mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới... với diện tích nông nghiệp được sản xuất trong nhà lưới, nhà kính của toàn huyện hiện đã đạt gần 22.000 m2. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được 10 trang trại chăn nuôi lợn ngoại, gà sinh sản áp dụng công nghệ chuỗi kín, máng ăn, máng uống tự động, với diện tích chuồng khoảng 8.000 m2.

Ngoài 2 huyện trọng điểm nằm trong lộ trình phát triển nông nghiệp CNC của tỉnh là Thọ Xuân và Yên Định, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC, như: Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Nga Sơn... Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay, hầu hết các mô hình thí điểm và những mô hình sản xuất nông nghiệp CNC được nhân rộng đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất. Điều đáng nói là, có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC hiện có trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng.


Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]