(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh có 7 cửa lạch lớn, nhỏ, giúp hình thành nên diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS), với diện tích khoảng 7.700 ha.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển

Trên địa bàn tỉnh có 7 cửa lạch lớn, nhỏ, giúp hình thành nên diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS), với diện tích khoảng 7.700 ha.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, có 4.300 ha nuôi tôm sú quảng canh kết hợp nuôi các đối tượng thủy sản khác, như: Cua, rong câu, cá đối... Những năm qua, diện tích NTTS nói trên đã giúp nhiều hộ dân vùng ven biển có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thì việc NTTS ở vùng triều ven biển đang gặp khó khăn về chất lượng con giống, môi trường ô nhiễm, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp... đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích NTTS ven biển, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện đa dạng các mô hình NTTS, thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, qua đó đưa các đối tượng con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi luân canh, xen canh.

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên mô hình nuôi cá mú hoa trong ao được thực hiện thí điểm tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa. Mô hình sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn cá tạp, nên môi trường nuôi không bị ô nhiễm, tỷ lệ sống của con nuôi đạt cao hơn so với đối tượng con nuôi khác từ 35-50%. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy, với 1 ha cá mú hoa sau 10 tháng nuôi đạt năng suất 1,5 tấn, doanh thu từ 200 đến 240 triệu đồng, lãi từ 120 đến 150 triệu đồng, cao hơn khoảng 30% so với các đối tượng nuôi, như: Cua, tôm sú, cá bống. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nên mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra một số địa phương, như: Xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); các xã Thanh Thủy, Trúc Lâm (Tĩnh Gia). Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 10 ha nuôi cá mú hoa trong ao được áp dụng nuôi theo công nghệ mới.

Thịt hàu được xem là nguồn thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, ít chất béo, giảm nguy cơ tim mạch, được thị trường ưa chuộng, nhất là các nhà hàng, khách sạn lớn. Do vậy, trên cơ sở phân tích các điều kiện thích nghi, cuối năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia đã đưa con hàu Thái Bình Dương vào nuôi tại vụng Nghi Sơn, với quy mô 2.000 giá bám. Sau 7 tháng nuôi, sản lượng đạt 60 tấn, doanh thu đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế trong việc nuôi hàu Thái Bình Dương tiếp tục được khẳng định vào những vụ nuôi tiếp sau đó. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương tại vụng Nghi Sơn, nhiều địa phương ở Tĩnh Gia có điều kiện sản xuất tương tự đã mạnh dạn đưa hàu vào nuôi. Đến nay, nuôi hàu Thái Bình Dương đã được nhân rộng ra các xã Xuân Lâm, Hải Hà, Hải Thượng, Hải Châu, Hải Ninh, với diện tích đạt hơn 100 ha và được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Nuôi giàn, lồng, giá bám, bè treo dây. Thực tế cho thấy, hàu Thái Bình Dương là đối tượng con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, vì vậy huyện Tĩnh Gia đang xây dựng kế hoạch nhân rộng đối tượng con nuôi này. Hiện, ngoài diện tích đang được nuôi nói trên, huyện đã xác định được diện tích mặt nước thích hợp để nuôi hàu Thái Bình Dương trên địa bàn huyện lên tới hơn 1.000 ha, thuộc các vùng: Eo vịnh Nghi Sơn, Hòn Mê, đầm xã Hải Thượng, cửa sông Lạch Bạng, cửa Lạch Ghép. Trên cơ sở đó, huyện đang định hướng cho chính quyền các xã và hộ dân phát triển diện tích nuôi hàu trong thời gian tới.

Một trong những mô hình NTTS đang được các địa phương ven biển chú trọng nhân rộng hiện nay là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thực hiện theo quy trình VietGap. Tuy là mô hình mới được thực hiện từ năm 2015, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), với quy mô hơn 1 ha, song đến nay đã được mở rộng ra nhiều xã ven biển thuộc các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Nga Sơn, với tổng diện tích lên tới 15,5 ha. Sở dĩ, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng là bởi quá trình nuôi được thực hiện theo đúng quy trình VietGap, các hộ được nuôi đều nằm trong vùng nuôi chuyên canh, quá trình nuôi được ghi nhật ký theo ngày, các vật tư được sử dụng trong quá trình nuôi đều được truy xuất nguồn gốc. Do đó, trong quá trình nuôi, tôm không bị dịch bệnh, các yếu tố môi trường được quản lý tốt, phù hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá của Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap đạt năng suất khoảng 10,7 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 750 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 1,5 lần so với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường.

Ngoài những mô hình NTTS nói trên, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều mô hình NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng, điển hình như: Mô hình sản xuất và ương lên ngao giống cấp II, nuôi cá đối mục thương phẩm, nuôi cá vược thương phẩm... Ông Hoàng Hồng Chung, Trưởng Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực tế việc nhân rộng các mô hình NTTS thời gian qua không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp người dân tiếp cận được với kỹ thuật nuôi mới, con nuôi giá trị kinh tế cao. Đồng thời, trên cơ sở thực hiện các mô hình, các địa phương còn định hướng được việc đưa các đối tượng con nuôi giá trị vào thả nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trong NTTS. Do đó, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo, đôn đốc các trạm khuyến nông huyện triển khai thực hiện các mô hình NTTS mới, đưa các loại con nuôi mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cùng với đó, chú trọng nhân rộng các mô hình NTTS có hiệu quả kinh tế cao.


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]