(Baothanhhoa.vn) - Nghề đan cót ở làng Giàng, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) đã từng nức tiếng một thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Song, trải qua thời gian, nghề đan cót nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguy cơ mai một nghề đan cót làng Giàng

Nghề đan cót ở làng Giàng, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) đã từng nức tiếng một thời, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Song, trải qua thời gian, nghề đan cót nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một...

Hiện nay, ở làng Giàng, xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), nghề đan cót truyền thống chủ yếu do người già, trẻ nhỏ làm.

Không ai biết chính xác nghề đan cót “bén duyên” ở làng Giàng từ khi nào, chỉ biết các thế hệ người dân nơi đây cứ nối tiếp nhau làm nghề và sống bằng nghề. Những tấm cót làng Giàng một thời nổi tiếng về độ bền, đẹp, ít nơi nào có được. Tuy chỉ là nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn nhưng ở thời hưng thịnh nghề đan cót đã là nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Ngày nay, do cuộc sống phát triển, người dân địa phương không còn mặn mà với nghề mà tìm đến những ngành, nghề khác cho thu nhập cao hơn, vì thế nghề đan cót đang dần bị mai một.

Bà Cao Thị Nguyên, 70 tuổi, ở xóm 3, thôn 1, cho biết: “Trước đây, người dân cả xóm đều làm nghề đan cót, nhưng nay chỉ còn gần chục hộ làm nghề. Lao động chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và chỉ làm trong lúc nông nhàn, thu nhập từ 40 đến 80.000 đồng/người/ngày”. Để làm ra tấm cót đẹp phải cẩn trọng từ khâu nguyên liệu đến kỹ thuật đan, sấy... Nguyên liệu là nứa, vầu được lấy từ các huyện miền núi, như: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh... Phải chọn những cây nứa bánh tẻ, đường kính to, dày thịt, thưa đốt và được chọn vào mùa đông. Cót làng Giàng có 2 loại: Cót cật và cót bụng. Để tạo ra một tấm cót, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu là pha và “lách” nứa sao cho các thanh nan bản to và độ dày giống nhau, rồi đan thành phên, tấm sau đó hun khói bằng rơm rạ sao cho cót có màu vàng óng vừa tạo độ bền, vừa chống ẩm, mốc... Theo bà Nguyên, mỗi tấm cót xuất khẩu có chiều dài 3m, rộng 1m với thợ “lành nghề” như bà mỗi ngày chỉ đan được 2 tấm, thu nhập khoảng 60.000 đồng; với loại cót cật không cầu kỳ về nguyên liệu, kỹ thuật thì có thể đan được 3 đến 4 tấm/ngày, thu nhập từ 70 đến 80.000 đồng/ngày. Thực tế cho thấy, có nhiều nghề cho thu nhập cao hơn nghề đan cót, thêm vào đó là nguồn nguyên liệu dần khan hiếm, thị trường không được mở rộng nên không thu hút được lao động trẻ ở địa phương.

Anh Dương Văn Sáu, 40 tuổi, ở xóm 3, thôn 1, cho biết: Trước đây anh và gia đình cũng làm nghề đan cót, nhưng thu nhập chỉ đạt từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng, không đủ chi phí cho gia đình và nuôi con ăn học, nên anh phải chuyển sang nghề buôn bán hoa quả, còn vợ làm công nhân tại công ty may. Hiện, chỉ có mẹ già 70 tuổi nhận gia công sản phẩm cót cho cơ sở thu mua.

Ghé thăm cơ sở thu mua của gia đình ông Dương Khắc Dũng, xóm 3, thôn 1, ông cho biết: Với mong muốn lưu giữ và khôi phục lại nghề truyền thống cho người dân, ông đã lặn lội khắp nơi trong tỉnh để tìm nguồn nguyên liệu và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cót làng Giàng. Đến nay, cơ sở của gia đình ông đã tìm được thị trường xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia và các nước châu Âu, do đó ông đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm cót ép cho người dân của xã. Mỗi năm, xưởng của gia đình ông Dũng xuất đi từ 20.000 đến 30.000 tấm cót, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 300 đến 350 triệu đồng/năm. Hiện tại, nghề đan cót thu hút khoảng 120 lao động, thu nhập khoảng 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu nguồn nguyên liệu và thị trường ổn định có thể số lượng lao động bám trụ với nghề sẽ nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Dương, cho biết: Trước đây trong xã có khoảng 70% lao động làm nghề đan cót nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 10% gắn bó với nghề. UBND xã Thiệu Dương xác định việc lưu giữ và phát triển nghề đan cót là một nhiệm vụ trọng tâm, song vì những lý do khách quan, như: Thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khó khăn và thu nhập từ nghề chưa cao nên chưa thu hút được lao động địa phương. Do đó, việc lưu truyền và phát triển nghề đan cót làng Giàng chỉ trông chờ vào những người già, gắn bó với nghề lâu năm.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]