(Baothanhhoa.vn) - Cứ vào dịp cuối tháng 5, khi vụ chiêm thu hoạch xong, người dân làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) lại tất bật với nghề làm hương truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề làm hương ở Đông Khê

Cứ vào dịp cuối tháng 5, khi vụ chiêm thu hoạch xong, người dân làng Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) lại tất bật với nghề làm hương truyền thống.

Cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).

Từ đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm ngào ngạt, hai bên đường những bó hương đầy màu sắc được phơi dưới cái nắng mùa hè. Khắp trong nhà, ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy màu vàng của bột hương, màu đỏ của chân hương đan xen nhau tạo lên bức tranh rực rỡ sắc màu. Trước đây, các công đoạn làm hương tại Đông Khê từ pha chế nguyên liệu, xe hương... đều được tiến hành bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự tinh tế của người thợ. Vì sản xuất hoàn toàn thủ công nên mỗi cơ sở chỉ sản xuất được khoảng 2.000 nén hương/ngày. Hương trầm ở làng Đông Khê do không sử dụng hóa chất nên được thị trường ưa chuộng, không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh mà còn vươn ra các thị trường khác trong khắp cả nước và hiện đang bắt đầu được xuất bán ra nước ngoài. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm hương ở Đông Khê đến nay vẫn được duy trì với 32 hộ làm nghề và thu hút 5 đến 10 lao động/hộ. Thu nhập của lao động từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, làng Đông Khê cung cấp ra thị trường trên 10 triệu cây hương trầm thơm, mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng.

Sự phát triển của nghề làm hương hiện nay ở làng Đông Khê không thể không nhắc tới “dấu ấn” quan trọng là sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật. Hiện nay, ở làng Đông Khê các hộ sản xuất hương đã thay thế toàn bộ quy trình sản xuất thủ công bằng các loại máy vê hương. Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư máy vê hương để sản xuất là gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn. Năm 2014, ông đầu tư gần 30 triệu đồng mua 2 máy vê hương chuyên sản xuất các loại hương truyền thống. Ưu điểm của máy là năng suất gấp 2-3 lần sản xuất thủ công, sản phẩm không những đều, đẹp mà còn đa dạng về mẫu mã, kích thước. Nhờ có máy vê hương, mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất được từ 8.000 đến 10.000 nén hương các loại, tạo việc làm cho 2 lao động chính với mức thu nhập bình quân 150-170.000 đồng/người/ngày; 3-5 lao động phụ làm theo thời vụ đóng gói, dán nhãn cũng có thu nhập từ 100-120.000 đồng/người/ngày. Từ thành công của ông Hoàn, nhiều hộ làm hương theo phương pháp truyền thống cũng đã mạnh dạn đầu tư máy để phát triển sản xuất. Bên cạnh sản phẩm hương thắp truyền thống (nén hương dài, chân hương nhuộm màu đỏ, hồng), từ năm 2015 đến nay, cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Hoàn cũng đã bước đầu sản xuất hương xuất khẩu sang Ấn Độ.

Hiện nay, xã Hoằng Quỳ đang tập trung định hướng, khuyến khích người dân phát triển làng nghề hương trầm làng Đông Khê theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời, xây dựng thương hiệu “Hương trầm thơm Đông Khê”.


Bài và ảnh: Minh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]