(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ta xác định 20 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Trong đó, có 7 sản phẩm trồng trọt, 5 sản phẩm chăn nuôi, 4 sản phẩm thủy sản, 4 sản phẩm lâm nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng tầm vị thế các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ta xác định 20 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Trong đó, có 7 sản phẩm trồng trọt, 5 sản phẩm chăn nuôi, 4 sản phẩm thủy sản, 4 sản phẩm lâm nghiệp.

Nâng tầm vị thế các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh

Diện tích nuôi ngao thâm canh tại xã Hải Lộc (Hậu Lộc).

Dựa trên cơ sở đó, tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 8-4-2019, tỉnh ta đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2019-2024, nằm ngoài danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, gồm 6 sản phẩm: Sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi; mía đường; bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa; tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng; cây thức ăn chăn nuôi; cây dược liệu. Từ những xác định bước đầu, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cũng như tăng diện tích, chủng loại, số lượng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ đầu tư sản xuất, tạo điều kiện cho người dân vay các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xây dựng thương hiệu, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại... một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa trên thị trường. Những chính sách hỗ trợ đó chính là “bước đệm” để các địa phương trong tỉnh phát triển bền vững và nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cho những sản phẩm được chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 8-4-2019.

Huyện Hậu Lộc có diện tích nuôi ngao lớn, đạt hơn 700 ha, sản lượng ngao thương phẩm hằng năm luôn dẫn đầu toàn tỉnh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, cùng với việc duy trì phát triển nghề nuôi ngao, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm ngao của địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật nuôi ngao, cải tạo bãi nuôi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trong nuôi thả, huyện còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo chuỗi liên kết từ quá trình ương nuôi ngao giống, tuân thủ kỹ thuật nuôi, thu mua nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Hậu Lộc, cho biết: Sản phẩm ngao nuôi được lựa chọn là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh không chỉ là cơ hội để nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người nuôi ngao mà còn là đòn bẩy để huyện thực hiện quyết liệt những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm ngao Hậu Lộc. Trong đó, huyện đã xúc tiến thành lập Hiệp hội Ngao Hậu Lộc và đang thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngao Hậu Lộc” cho sản phẩm ngao của huyện. Đây là những giải pháp nhằm nâng cao vị thế cho sản phẩm ngao Hậu Lộc trên thị trường trong, ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu ngao và các sản phẩm từ ngao.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, những sản phẩm nông nghiệp nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đều có tiềm năng và lợi thế để phát triển. Cụ thể, với sản phẩm bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa, hiện tỉnh ta có quy mô đàn bò đạt 249.500 con, tăng 1,6% so với năm 2018; trong đó, có gần 10.500 bò sữa, hơn 17.500 bò thịt và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, góp phần chuyển dịch ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu các sản phẩm từ bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa. Đối với sản phẩm tre luồng và các sản phẩm từ tre luồng, việc hình thành vùng nguyên liệu tre luồng diện tích 131.558 ha; trong đó, có gần 23.000 ha thực hiện các biện pháp thâm canh, hơn 1.000 ha luồng được cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững FSC và gần 60 cơ sở chế biến tre luồng... chính là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tre luồng tỉnh ta... Tại Tờ trình số 4179, ngày 30-11-2018 của Sở NN&PTNT đã chỉ rõ những ưu điểm, lợi thế và tiềm năng để phát triển những sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Đồng thời, cũng chỉ ra những hạn chế của các sản phẩm, như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sự gắn kết giữa sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao; số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu ít, chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô nên giá trị kinh tế chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Và hầu hết các sản phẩm này đều chưa xây dựng được thương hiệu và các chứng nhận về tiêu chuẩn, chất lượng...

Trước thực trạng đó, ngày 19-12-2018, tại hội nghị cho ý kiến về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, nhấn mạnh: Để nâng tầm vị thế các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh cần thực hiện tích tụ đất đai, hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu. Khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị, hộ kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đi đôi với các giải pháp về sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tập trung tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; quan tâm thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và đăng ký với các thị trường xuất khẩu. Tăng cường tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp trên các cổng thông tin quốc gia của tỉnh, áp dụng các phương thức kinh doanh tiên tiến. Đồng thời, bám sát chương trình mỗi xã một sản phẩm để xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Bài và ảnh: Lê Hòa


Bài Và Ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]