(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đẩy mạnh đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 7-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP (NĐ 116) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. NĐ 116 có hiệu lực từ ngày 25-10-2018 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo sức bật mới nhằm khai thông dòng vốn cho cả khách hàng và ngân hàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng hạn mức cho vay, đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Nhằm đẩy mạnh đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngày 7-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP (NĐ 116) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. NĐ 116 có hiệu lực từ ngày 25-10-2018 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo sức bật mới nhằm khai thông dòng vốn cho cả khách hàng và ngân hàng.

Được vay vốn của Agribank, nhiều hộ dân xã Phú Nhuận (Như Thanh) đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Một thay đổi đáng chú ý của NĐ 116 là nâng hạn mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng lên gấp hai lần mức cho vay cũ để phù hợp với yêu cầu thực tế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hiện nay. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được nâng từ mức vay 50 triệu đồng trước đây lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được nâng từ mức vay tối đa 100 triệu đồng trước đây lên 200 triệu đồng.

Vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi từ nhiều năm nay, nhưng do nguồn vốn vay ít, nên gia đình anh Đinh Công Hưng, ở xã Phú Nhuận (Như Thanh), chỉ có thể chăn nuôi ở quy mô gia trại, hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, khi biết có quy định mới về mức vay tới 200 triệu đồng không cần thế chấp tài sản, anh Hưng cho biết: Việc nâng hạn mức cho vay là phù hợp với nguyện vọng của nông dân cũng như tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Khang, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Như Thanh (Agribank Như Thanh), cho biết: Việc tăng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm cho cá nhân, hộ gia đình đồng nghĩa quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng ngày càng được mở rộng, phát triển. Sự điều chỉnh này phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mà không phải làm hồ sơ thế chấp tài sản.

Được biết, hiện nay, Agribank Thanh Hóa đã triển khai cấp hạn mức tín dụng dưới 200 triệu đồng cho 85% số hộ vay. Đây cũng là phương thức chuyển tải vốn khá hiệu quả khi giải quyết căn bản các nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh tiêu dùng của nông dân. Trong thời gian tới, để ngân hàng có thể kiểm soát chất lượng tín dụng khi cho vay tối đa 200 triệu đồng không có thế chấp tài sản bảo đảm, một yêu cầu tiên quyết là khách hàng phải có mối quan hệ uy tín hoặc lịch sử giao dịch sòng phẳng trước đó.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NĐ 116 đã bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa, cho rằng: “Đây sẽ là tác nhân tích cực đến các ngân hàng trong việc triển khai cho vay lĩnh vực này khi đã mở ra cơ chế cho vay, thúc đẩy hoạt động đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn vốn nhiều tiềm năng”. Về phía ngân hàng đã gỡ được “nút thắt” pháp lý, được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng. Hiện nay, riêng dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh đạt gần 500 tỷ đồng; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 34.380 tỷ đồng/98.605 khách hàng còn dư nợ.

Có thể thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh đa số người dân vùng nông thôn đều có nhu cầu vay vốn nhưng lại thiếu các tài sản bảo đảm. Việc bổ sung, nâng mức cho vay không cần thế chấp tài sản sẽ góp phần thúc đẩy nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Hiện, Agribank Thanh Hóa đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm bắt các điều kiện, thủ tục hồ sơ vay vốn theo NĐ 116. Song, để tiếp cận tốt chính sách tín dụng của Nhà nước, điều quan trọng nhất là người dân cần có phương án sản xuất, kinh doanh bảo đảm cho nguồn vốn tín dụng được đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]