(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh Thanh Hóa đang không ngừng được cải thiện. Điều đó thể hiện rõ trong sự tăng trưởng đều của chỉ số PCI. Không những vậy, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo, quyết liệt trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, động lực và sức hút đối với những hoạch định mới của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Những năm gần đây, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh Thanh Hóa đang không ngừng được cải thiện. Điều đó thể hiện rõ trong sự tăng trưởng đều của chỉ số PCI. Không những vậy, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo, quyết liệt trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, tạo niềm tin, động lực và sức hút đối với những hoạch định mới của doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố. Theo đó, năm 2018, chỉ số này của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2017 và xếp trong nhóm khá của cả nước. Bên cạnh đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018 cũng mới được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 2-4 vừa qua. Theo báo cáo, chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa tăng 9 bậc so với năm 2017 và là địa phương đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Có thể nói, chưa có thời điểm nào, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh được các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành và thực thi như hiện tại. Trong đó, những yếu tố liên quan trực tiếp đến quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được đặc biệt quan tâm. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tổng điểm tỉnh Thanh Hóa đạt được trong năm 2018 là 63,94 điểm, tăng 1,48 điểm so với năm 2017. Trong 10 chỉ số thành phần, có 7 chỉ số tăng, trong đó có nhiều chỉ số “sát sườn” với nhu cầu, hoạt động phát triển của doanh nghiệp (DN).

Tăng cao nhất là chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN (0,65 điểm), chi phí không chính thức (0,39 điểm), đào tạo lao động (0,37 điểm), tính năng động của chính quyền tỉnh (0,31 điểm). Trong đó, chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN của tỉnh Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ 3 cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 71% DN cho rằng UBND tỉnh đã linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân, 60% cho rằng tỉnh rất năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 48% DN cảm nhận thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực; 70% cho rằng các vướng mắc, khó khăn của DN đã được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại. Ngoài ra, một số chỉ số thành phần khác cũng có số điểm tăng là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; cạnh tranh bình đẳng và chi phí thời gian.

Còn theo báo cáo về chỉ số PAPI, tổng điểm số của tỉnh Thanh Hóa đạt được là 45,69 điểm, gồm các lĩnh vực nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,57 điểm); công khai, minh bạch (5,7 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân (5,32 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (6,36 điểm); thủ tục hành chính công (7,49 điểm); cung ứng dịch vụ công (7,17 điểm); quản trị môi trường (4,62 điểm); quản trị điện tử (3,45 điểm). Cũng theo báo cáo, mối tương quan giữa Chỉ số PAPI 2018 và Chỉ số PCI 2018 của tỉnh Thanh Hóa ở mức khá cao, thể hiện sự đánh giá toàn diện và tương đối khách quan môi trường kinh doanh, năng lực phục vụ DN, người dân của các cơ quan hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh ở tỉnh Thanh Hóa đang không ngừng được cải thiện. Điều đó thể hiện rõ trong sự tăng trưởng đều của chỉ số PCI. Không những vậy, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo, quyết liệt trong giải quyết vấn đề cho DN, tạo niềm tin, động lực và sức hút đối với những hoạch định mới của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh quyết liệt và “cuộc đua” cải thiện chỉ số PCI đang rất “nóng” ở các địa phương thì mức độ tăng trưởng này tại tỉnh ta vẫn chưa có sức đột phá. Cộng đồng DN mong muốn những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, về cơ chế tiếp cận đất đai, những thông tin minh bạch, thuận lợi để các DN dễ dàng tiếp cận, hội nhập và phát triển.

Nhiều DN cũng cho rằng, những điểm quan trọng dẫn đến thứ hạng PCI của tỉnh chưa tương xứng với kỳ vọng, đó là: Các địa phương chậm trong ban hành quy hoạch sử dụng đất, một số quy hoạch như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, sản phẩm còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho DN khi tìm hiểu; các sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; công tác thanh, kiểm tra DN còn chồng chéo...

Phân tích từ thực tế, ông Nguyễn Thanh Tiêu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa nhận định: Bên cạnh những chỉ số tăng điểm thì 3 chỉ số thành phần của PCI năm 2018 giảm là những chỉ số khá quan trọng, đó là: Chỉ số gia nhập thị trường giảm 1,37 điểm, chỉ số tiếp cận đất giảm 0,74 điểm, chỉ số tính minh bạch giảm 0,15 điểm. Qua theo dõi 5 năm gần nhất, đây đều là những chỉ số mà tỉnh Thanh Hóa đang xếp ở thứ hạng thấp, sức cải thiện chậm và không ổn định. Một số chỉ số thành phần có tăng điểm nhưng chưa được như kỳ vọng.

Với mục tiêu đưa chỉ số PCI đứng thứ 6 vào năm 2020 như kế hoạch đã ban hành, các sở, ngành trong tỉnh cần quán triệt thực hiện nghiêm các nghị quyết quan trọng, như: Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-5-2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN... Đồng thời, tiến hành rà soát, ban hành và ban hành thay thế các văn bản, quyết định còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc tiếp cận của DN, nhất là các văn bản, quy định liên quan đến thủ tục đất đai, chấp thuận chủ trương đầu tư, vấn đề phân cấp ủy quyền trong đầu tư. Tập trung hoàn chỉnh thể chế về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao vai trò của các trung tâm hành chính công. Thực hiện công khai, minh bạch các dự án đấu thầu, các quy hoạch để DN và người dân thuận lợi tìm hiểu và công khai quy trình thực hiện. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng hạn chế thấp nhất phiền hà, khó khăn cho DN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thông suốt.

Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]