(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống cảng biển Nghi Sơn vẫn được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này cũng là bình thường bởi nhiều cảng biển khác trong nước đã vào giai đoạn phát triển ổn định, còn hệ thống cảng biển Nghi Sơn vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, phát triển hạ tầng. Đi vào hoạt động sau, lượng hàng hóa trung chuyển qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những mối lo, cần có những nhìn nhận đa chiều để chung tay phát triển tiềm năng to lớn của hệ thống cảng biển này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao năng lực cạnh tranh của Cảng nước sâu Nghi Sơn

Hệ thống cảng biển Nghi Sơn vẫn được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này cũng là bình thường bởi nhiều cảng biển khác trong nước đã vào giai đoạn phát triển ổn định, còn hệ thống cảng biển Nghi Sơn vẫn đang trong giai đoạn kiến thiết, phát triển hạ tầng. Đi vào hoạt động sau, lượng hàng hóa trung chuyển qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn đã có những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những mối lo, cần có những nhìn nhận đa chiều để chung tay phát triển tiềm năng to lớn của hệ thống cảng biển này.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của Cảng nước sâu Nghi Sơn

Tàu bốc xếp hàng hóa tại cảng PTSC Thanh Hóa. Ảnh: Lê Đồng

Tiềm năng to lớn...

Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Trung bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông – Vận tải, Cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến cảng Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn và khu bến Hòn Mê. Lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 32,7 đến 38,7 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng từ 56,4 đến 65,6 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng container dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 40 đến 80 nghìn TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 110 đến 180 nghìn TEU/năm.

Với diện tích khoảng 735 ha, gồm 62 bến cảng, trong đó có: 50 bến chuyên dụng, bến tổng hợp và 12 bến container, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, Cảng biển Nghi Sơn sẽ đưa Thanh Hóa trở thành “thế lực” mới tại Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển và logictics nếu hoàn thành hạ tầng và hoạt động hiệu quả. Đến nay, đã có 20 bến tổng hợp, bến chuyên dụng đi vào hoạt động; 10 bến container và nhiều bến tổng hợp, bến chuyên dụng khác đang tiếp tục được đầu tư, đảm bảo tiếp nhận tàu có tải trọng trên 30.000 DWT.

Gần đây, nổi lên Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn với những hoạt động bốc xếp hàng hóa qua đây khá nhộn nhịp, mở ra những bước đi mới tươi sáng cho toàn bộ khu vực Cảng biển Nghi Sơn. Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn thuộc Cảng biển Nghi Sơn đi vào hoạt động từ tháng 10-2017, đến nay đã có 4 cầu cảng đi vào hoạt động với tổng chiều dài 947 m. Với độ cao nạo vét luồng âm 13 m, được trang bị 9 cẩu bờ đa năng cùng các phương tiện cơ giới hiện đại, có năng lực xếp dỡ 9 triệu tấn hàng hóa/năm. Theo đó, Cảng biển Nghi Sơn hiện đã có đầy đủ công năng tiếp nhận các loại tàu chở hàng rời, hàng tổng hợp, tàu chở hàng lỏng và tàu container.

Đúng dịp Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, ngày 8 – 5 – 2019, Tập đoàn CMA CGM – một tập đoàn vận tải biển của Pháp đã mở tuyến hàng hải container quốc tế đến Cảng biển Nghi Sơn. Đây cũng chính là tuyến container quốc tế đầu tiên được mở đến khu vực Bắc Trung bộ. Tính đến trung tuần tháng 6 này, đã có 5 chuyến tàu container của hãng đến đưa hàng hóa đi các thị trường thế giới, mở ra kỳ vọng mới cho sự phát triển của hoạt động bốc xếp, trung chuyển hàng hóa qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn. Không chỉ Thanh Hóa, hàng hóa của các tỉnh lân cận cũng xuất qua Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn để đi thị trường một số nước, mang lại nguồn thu thuế xuất khẩu không nhỏ cho ngân sách.

...nhưng nhiều lợi thế chưa được phát huy

Có thể khẳng định, vận tải đường biển là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai. Đây là loại hình vận tải hàng hóa với nhiều ưu điểm, chi phí thấp so với các loại hình vận tải khác. Hệ thống cảng nước sâu Nghi Sơn có đầy đủ lợi thế, nhất là thế mạnh về vị trí địa lý bởi ngay sát Quốc lộ 1A, gần ga đường sắt, cách Cảng Hàng không Thọ Xuân chỉ khoảng 1 giờ ô tô. Nếu hàng hóa từ các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào muốn xuất qua đường biển, về Nghi Sơn sẽ gần hơn nhiều so với đi Cảng Hải Phòng. Cụ thể, một xe đầu kéo container chở hàng hóa đi từ tỉnh Sơn La xuống Cảng Hải Phòng 450 km, mất 2 ngày đi đường, nhưng nếu theo Quốc lộ 15A qua huyện Quan Hóa rồi về Cảng biển Nghi Sơn chỉ bằng 2/3 quãng đường, thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều. Nếu giá các dịch vụ qua cảng như nhau, các doanh nghiệp ở Sơn La, Hòa Bình và nhiều tỉnh Tây Bắc sẽ lựa chọn Nghi Sơn thay vì Hải Phòng. Lý thuyết là vậy, song hiện nay, gần như không có hàng hóa của các tỉnh Tây Bắc xuất qua Cảng biển Nghi Sơn bởi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, nhất là tuyến Quốc lộ 15A chưa được đầu tư bài bản, đi lại khó khăn.

Có một thực tế là, hiện nay, đa phần hàng hóa của các tỉnh gần Nghi Sơn hơn, nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu hàng hóa qua hệ thống Cảng Hải Phòng. Đáng nói, ngay các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn chấp nhận chi phí vận chuyển đường bộ cao hơn mà chưa mặn mà với cảng của tỉnh. Thống kê từ Chi cục Hải quan Nghi Sơn, trong 5 chuyến tàu container quốc tế cập Cảng biển Nghi Sơn đầu tiên trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vừa qua, chuyến thứ nhất có 292 container hàng hóa, nhưng chỉ có 20 container hạt nhựa của Thanh Hóa, còn lại là hàng của các tỉnh bạn. Chuyến thứ 2 có 170 container thì 100% là hàng của tỉnh Nghệ An xuất khẩu. Chuyến thứ 3 có 119 container, trong đó hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đầy 1/2 là giày da và đá xây dựng. Chuyến thứ 4, lượng hàng giảm mạnh, chỉ còn 63 container... Có thể thấy, ngoài sự bấp bênh về số lượng, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa mặn mà với việc trung chuyển hàng hóa qua hệ thống cảng nước sâu Nghi Sơn. Theo tìm hiểu, trong năm 2018 vừa qua, các doanh nghiệp trong tỉnh đã trung chuyển 55.000 container hàng hóa qua Cảng Hải Phòng. Đó là do thói quen của các doanh nghiệp hay còn lý do nào khác? Cần “bắt mạch” đúng nguyên nhân để có những điều chỉnh hợp lý !

Một đại diện của Chi cục Hải quan Nghi Sơn cho biết, Cảng biển Nghi Sơn hiện có nhiều điều kiện mà Cảng Hải Phòng không có được. Hải Phòng chỉ có Cảng Lạch Huyện là âm 14m, còn lại chủ yếu là cảng ở cửa sông, rất nông. Tàu hàng lớn đến đây đều phải đậu ở ngoài chứ không thể vào trực tiếp, phải trung chuyển 2 lần bằng các xà lan mới đưa được hàng lên tàu. Các doanh nghiệp Thanh Hóa và các tỉnh lân cận về Nghi Sơn gần hơn nhưng vẫn chọn Hải Phòng bởi ta chưa có kho lạnh để lưu hàng hóa, nhiều dịch vụ liên quan còn thiếu. Một nguyên nhân khác là giá dịch vụ qua Cảng biển Nghi Sơn đa phần vẫn còn cao hơn Cảng Hải Phòng. Các thủ tục thông quan tại Nghi Sơn cũng không đơn giản hóa bằng phía Hải Phòng. Cảng Nghi Sơn hiện cũng thiếu sự kết nối với các cảng trong nước cũng như quốc tế để liên vận, giảm giá thành vận chuyển.

Nếu không kịp thời cải thiện dịch vụ trung chuyển hàng hóa cũng như các điều kiện liên quan, hệ thống cảng biển Nghi Sơn sẽ tụt hậu, giảm sức cạnh tranh. Công tác tuyên truyền, quảng bá không tốt, không thu hút được hàng hóa qua cảng, sẽ không phát huy được tiềm năng, thất thu cho ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm từ nguồn thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 32,7 đến 38,7 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng từ 56,4 đến 65,6 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng container dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 40 đến 80 nghìn TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 110 đến 180 nghìn TEU/năm.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]