(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và chính sách riêng của từng địa phương, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng... đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và từng bước đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thủy lợi

Những năm qua, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và chính sách riêng của từng địa phương, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giao thông nội đồng... đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và từng bước đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.

Kênh mương nội đồng tại xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) được bê tông hóa.

Trên địa bàn huyện Như Xuân có 123 công trình hồ, đập và hơn 146 km kênh mương nội đồng. Tuy nhiên, do được đầu tư xây dựng từ lâu nên nhiều công trình đã xuống cấp. Bên cạnh đó, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa mới đạt 70 km nên năng lực tưới, tiêu hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nhất là đối với những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Trước thực trạng đó, UBND huyện Như Xuân đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như: Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để thực hiện xây mới, tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng đường giao thông nội đồng...

Cánh đồng thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ vốn là vùng trọng điểm sản xuất lúa; tuy nhiên, từ những năm 2012 trở về trước, đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi còn yếu và thiếu nên năng suất lúa bình quân chỉ đạt 30 đến 35 tạ/ha. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn và huy động đóng góp của người dân để kiên cố hóa toàn bộ 7,6 km kênh mương nội đồng của thôn và cải tạo các công trình thủy lợi... Từ đó, xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 17,5 ha, qua thực tế sản xuất đã cho năng suất bình quân đạt 50 đến 55 tạ/ha, góp phần nâng cao đời sống và từng bước thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ của người dân.

Nhận thấy vai trò quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa và kiên cố hóa được 357/550 km kênh mương nội đồng; hơn 226 km giao thông nông thôn phục vụ việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản. Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trước năm 2012, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi của địa phương thiếu và yếu, nên để hướng tới sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, địa phương đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ, nguồn vốn địa phương và huy động đóng góp của người dân để xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi đã đáp ứng được 60-65% nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và 95% diện tích cây trồng đã được tưới tiêu chủ động bảo đảm năng suất, chất lượng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 2.524 công trình tưới, tiêu nước, 12.984 km kênh mương nội đồng, hằng năm đảm bảo tưới cho 423.000 ha cây trồng chủ yếu, như: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai lang... Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo được 824 công trình thủy lợi (218 hồ, 389 đập và 217 trạm bơm) và kiên cố hóa được 7.503 km kênh mương nội đồng; số còn lại hầu hết đã bị xuống cấp, hư hỏng không bảo đảm yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, hằng năm chỉ có 151.000 ha cây trồng được tưới, tiêu nước chủ động; diện tích cây trồng có khả năng thiếu nước tưới trên địa bàn tỉnh có thể lên tới 35.000 đến 40.000 ha/năm. Trong đó, diện tích có khả năng xảy ra hạn hán ảnh hưởng đến năng suất có thể từ 20.000 đến 24.000 ha.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh khẳng định: Việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thủy lợi chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh ta. Để công tác này đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc của các sở, ngành có liên quan và các địa phương. Trước mắt, các địa phương muốn nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi cần bảo đảm thực hiện đúng theo Quyết định số 3670/QĐ-UBND năm 2017 của UBND tỉnh và Quyết định số 243/QĐ-UBND năm 2018 của UBND tỉnh về Quy hoạch chi tiết thủy lợi vùng Nam sông Chu và Bắc sông Mã tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, cần nâng cấp các hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, trong đó ưu tiên đầu tư cho các hồ chứa không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Tiếp tục bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, vận hành, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những hư hỏng các công trình thủy lợi sau thiên tai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]