(Baothanhhoa.vn) - Bão số 4 đã đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ vào rạng sáng 30-8, suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão gây mưa lớn cho nhiều tỉnh, trong đó có Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưa lớn do hoàn lưu bão, nhiều địa phương bị ngập và thiệt hại

Mưa lớn do hoàn lưu bão, nhiều địa phương bị ngập và thiệt hại

Mưa lớn gây ngập cục bộ tại huyện Thạch Thành. Ảnh: khánh trình (Thạch Thành)

Bão số 4 đã đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ vào rạng sáng 30-8, suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão gây mưa lớn cho nhiều tỉnh, trong đó có Thanh Hóa.

Tổng lượng mưa từ ngày 29-8 đến 13 giờ, ngày 30-8 phổ biến từ 80 đến 250mm, một số trạm đo có lượng mưa cao, như: Tại Lý Nhân 308mm, Ngọc Lặc 257mm, Triệu Sơn 243mm, Bát Mọt 220mm, Bái Thượng 217mm, Cửa Đạt 206mm; Giàng (TP Thanh Hóa) 205mm...

Ngay từ sáng cùng ngày, thị trấn Ngọc Lặc đã chìm trong nước trên diện rộng. Xã vùng cao Yên Nhân của huyện Thường Xuân bị chia cắt tạm thời bởi nước suối dâng cao, tràn qua đường liên xã. Tại huyện Thạch Thành, lượng mưa đo được đến 13 giờ cùng ngày đã đạt 115mm, cùng với nước sông Bưởi từ thượng nguồn đổ về, đã làm ngập cục bộ nhiều xã, như: Ngọc Trạo, Thành Tiến, Thành Long... Tại huyện Quan Sơn, nước lũ tiếp tục tràn về gây chia cắt một số bản biên giới. Nguy cơ sạt lở đất, lũ quét càng hiện hữu. Huyện đã phải huy động lực lượng, di dời 20 hộ đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy đến nơi an toàn. Nhiều địa phương khác cũng tổ chức di dân, như: Vĩnh Lộc 151 hộ, Ngọc Lặc 57 hộ, Bá Thước 1 hộ.

Tính đến 16 giờ, ngày 30–8, toàn tỉnh có 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 103 nhà bị tốc mái, 351 công trình phụ bị hư hại. Nước mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn cũng đã làm 282 ngôi nhà ngập cục bộ, 15 phòng học bị ngập, 4 điểm trường bị ảnh hưởng. Trong trồng trọt, 4.520 ha lúa bị đổ hoặc ngập sâu trong nước, hơn 1.000 ha diện tích cây trồng khác như ngô, mía, dứa, ớt... bị đổ gãy, gần 120 ha rau màu bị ngập, hư hỏng. Nhiều diện tích cây lâu năm cũng bị thiệt hại nặng nề, trong đó hơn 80 ha cây ăn quả, 85 ha cây lâm nghiệp, 0,5 ha cây công nghiệp (như chè, cao su, cà phê...), hơn 500 cây xanh đô thị và cây bóng mát bị đổ, gãy. Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều thiệt hại, trong đó có 2.100 con gia cầm bị chết và cuốn trôi, 9 trang trại, gia trại bị ngập nước.

Ngoài các công trình đê điều - thủy lợi bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh cũng hư hỏng, chia cắt tạm thời. Các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B, 47 bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường tại 36 vị trí, với khối lượng khoảng 27.650m3; sạt lở taluy âm tại 3 vị trí, với chiều dài 35m. Nhiều tuyến đường tỉnh, như: 521E, 530B, 516B, 523C, 522, 523, 516, 519B bị sạt lở taluy dương, sa bồi mặt đường với khối lượng khoảng 2.270m3; sạt lở taluy âm tại 1 vị trí với chiều dài 6m. 9 tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập gây chia cắt, 1 đường tràn bị sạt lở tại xã Xuân Lẹ (Thường Xuân). Trên địa bàn toàn tỉnh, có tổng thể 22 cột điện hạ thế bị nghiêng, đổ gãy, 50m dây điện bị đứt, 2 công sở xã bị ngập và hư hỏng...

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 3 công điện khẩn; UBND tỉnh đã ban hành 1 công điện khẩn yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả hậu quả do bão gây ra. Sở Giao thông - Vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại. Các địa phương đã và đang huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch được 1.582 ha lúa diện tích lúa mùa đã chín trên 80%.

Bên cạnh đó, để bảo vệ diện tích cây trồng khỏi bị ngập úng và ngập úng cục bộ, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông chủ động phối hợp với các địa phương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy trên các sông, trục dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêu thoát lũ. Kiểm tra, vận hành thử các trạm bơm, cống tiêu, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để vận hành kịp thời khi có lũ lụt xảy ra. Theo dõi chặt chẽ mực nước trên các sông, kênh, mặt ruộng để tiến hành vận hành các trạm bơm, cống tiêu. Tính đến 16 giờ, ngày 30-8-2019, toàn tỉnh đã có 5 cống tiêu và 15 trạm bơm tiêu, với 65 máy bơm đang vận hành tiêu úng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã và đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, bảo vệ cây trồng, như: Vun cao luống cho diện tích trồng cây; khơi thông rãnh thoát nước để thuận tiện cho công tác tiêu thoát nước. Tiến hành che chắn cho các loại rau ăn lá, chằng buộc lại giàn để bảo vệ rau, hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lớn, gây dập nát, đổ gãy. Đồng thời, chủ động các biện pháp chăm sóc, phục hồi cây trồng sau ngập úng.

Lê Đồng và Hương Thơm


Lê Đồng Và Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]