(Baothanhhoa.vn) - Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và địa điểm đầu tư cách đây hơn 10 năm - ngày 24-10-2008. Tuy nhiên, sau đó dự án bị vướng quy hoạch sân bay Hải Ninh nên bị gián đoạn một thời gian. Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa sân bay này ra khỏi quy hoạch mạng lưới sân bay quốc gia, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T tiếp tục theo đuổi dự án.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mòn mỏi chờ một dự án

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân (xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương và địa điểm đầu tư cách đây hơn 10 năm - ngày 24-10-2008. Tuy nhiên, sau đó dự án bị vướng quy hoạch sân bay Hải Ninh nên bị gián đoạn một thời gian. Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa sân bay này ra khỏi quy hoạch mạng lưới sân bay quốc gia, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T tiếp tục theo đuổi dự án.

Vùng quy hoạch dự án khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân vẫn chỉ là vùng đất um tùm cây cối.

Tháng 10-2013, Chủ tịch UBND tỉnh lại tiếp tục có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư trên tổng diện tích 117 ha, thuộc 4 thôn: Hồ Đông, Hồ Nam, Hồ Thịnh và Hồ Trung của xã Tân Dân. Với số vốn đăng ký đầu tư lên tới 1.024 tỷ đồng, dự án du lịch “khủng” này dự kiến sẽ xây dựng nhiều hạng mục “đẳng cấp”, như: Tòa tháp T&T và quảng trường biển; hệ thống khách sạn từ 3 đến 5 sao; công viên cây xanh, khu giải trí cao cấp và biệt thự ven hồ; hệ thống nhà hàng khách sạn cao cấp; khu vui chơi giải trí; khu biệt thự tam lập và các công trình dịch vụ...

Chủ đầu tư dự kiến khởi công vào quý II năm 2014 và đưa vào sử dụng vào quý III năm 2018, đem lại sự kỳ vọng lớn lao cho nhân dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2018 này, khi chúng tôi tìm hiểu về dự án, chưa một viên gạch nào được xây dựng. Những năm qua, mỗi khi tỉnh, huyện Tĩnh Gia có văn bản nhắc nhở, chủ đầu tư lại có một số động thái, nhưng những việc làm được đến thời điểm này cũng chỉ dừng ở việc: Thu thập số liệu thủy, hải văn khu vực; khảo sát kỹ thuật cơ bản bổ sung phục vụ tính toán thủy động lực; đề xuất giải pháp thay thế tuyến đê, kè dự kiến xây dựng dọc ven biển; xác định quy mô, kết cấu, ổn định giải pháp công trình thay thế... Và gần đây, việc kiểm kê bồi thường giải phóng mặt bằng đang được triển khai từng bước nhưng với tiến độ khá chậm. Những tưởng dự án sẽ được đẩy nhanh, thì gần đây lại vướng quy định chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp và rừng phòng hộ phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các thủ tục xin chuyển đổi vẫn đang tiếp tục.

Thống kê từ UBND xã Tân Dân, toàn xã có 460 hộ dân có đất và công trình bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 110 hộ dân phải tái định cư. Hơn 5.000 lăng mộ, mồ mả cũng sẽ bị di dời khi dự án triển khai. Tuy nhiên, việc quy hoạch quá lâu mà không thực hiện dự án đã gây nhiều hệ lụy cho nhân dân và chính quyền địa phương. Một lãnh đạo xã Tân Dân khẳng định: Nhiều thời điểm chúng tôi không biết dự án có triển khai nữa hay không nhưng cũng không dám dồn đổi ruộng đất để sản xuất quy mô lớn tại các cánh đồng trong vùng dự án. Công tác quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn bởi “vướng” vào quy hoạch dự án từ trước đó. Bà Bùi Thị Hằng, thôn Hồ Trung cho biết: Ruộng đất manh mún nhưng không dồn đổi khiến nông dân chúng tôi không thể đầu tư sản xuất quy mô lớn, dẫn đến thu nhập thấp. Cứ thấp thỏm không biết đi hay ở nên chúng tôi không thể ổn định cuộc sống được. Bà con đều mong dự án sớm triển khai từng ngày để được tái định cư, an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân khác ở địa phương đều nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của dự án, mong muốn dự án được hoàn thành để bà con phát triển các nghề phụ liên quan đến du lịch. Ông Hồ Văn Hạnh, Bí thư Chi bộ thôn Hồ Trung, cho biết: Thôn Hồ Trung có 275 hộ với 919 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng của dự án. Qua nhiều lần họp thôn và nắm bắt tình hình thực tế, bà con cơ bản đồng thuận và mong muốn dự án sớm triển khai để ổn định cuộc sống.

Được biết, thời gian từ cuối năm 2017 đến nay, chủ đầu tư cũng có một số động thái để xúc tiến đầu tư, nhưng nhiều người dân vẫn còn hoài nghi bởi niềm tin đã không còn nguyên vẹn. Một lãnh đạo ban giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư huyện Tĩnh Gia, cho biết: Qua nhiều lần UBND tỉnh và huyện Tĩnh Gia đôn đốc, gần đây, chủ đầu tư đã quay trở lại. Doanh nghiệp cũng đã thuê tư vấn, trích đo sổ mục kê các thửa đất liên quan bị thu hồi; đồng thời, phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh, huyện để làm thủ tục giới thiệu địa điểm tái định cư, vị trí di chuyển mồ mả, chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số hộ... Về phần huyện, chúng tôi đã xong việc kiểm kê tài sản trên đất, xét nguồn gốc đất, phê duyệt khu tái định cư, hiện chỉ chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Xã Tân Dân và huyện Tĩnh Gia cũng rất quan tâm phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện những công việc liên quan. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn bởi có diện tích đất lúa bị thu hồi và đất rừng phòng hộ đều lớn hơn 20 ha, theo quy định phải có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ mới được chuyển đổi mục đích...

Với sự “rục rịch” các khâu liên quan và sự vào cuộc của huyện Tĩnh Gia, nhân dân vùng dự án vẫn mong ngóng ngày khởi công, triển khai công trình để làm thay đổi diện mạo quê hương.


Bài và ảnh: Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]