(Baothanhhoa.vn) - Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - công trình đồ sộ, được coi là vô tiền khoáng hậu về mặt quy mô trên vùng đất Nghi Sơn đã đi vào hoạt động thương mại. Dự án đã cho những dòng sản phẩm triệu đô, mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao cho phát triển chung của đất nước. Song để có được thành quả như ngày hôm nay, dự án từng trải qua nhiều gian đoạn thăng trầm, gian khó... Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với một trong những người trong cuộc - đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - công trình đồ sộ, được coi là vô tiền khoáng hậu về mặt quy mô trên vùng đất Nghi Sơn đã đi vào hoạt động thương mại. Dự án đã cho những dòng sản phẩm triệu đô, mang theo nhiều kỳ vọng lớn lao cho phát triển chung của đất nước. Song để có được thành quả như ngày hôm nay, dự án từng trải qua nhiều gian đoạn thăng trầm, gian khó... Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với một trong những người trong cuộc - đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Lê Đồng)

Thai nghén ý tưởng từ nhiều đời lãnh đạo tỉnh

“Tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn từ 2004 đến 2010. Đây cũng chính là thời điểm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu được triển khai về mặt thủ tục, đàm phán, giải phóng mặt bằng (GPMB)... Tuy nhiên, quá trình nung nấu ý tưởng và xin chủ trương từ Chính phủ lại có từ những thế hệ lãnh đạo trước đó” – đồng chí Nguyên Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ. Đồng chí cho biết thêm, từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, ta chưa có Khu kinh tế Nghi Sơn, tuy nhiên các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã nhìn thấy tiềm năng phát triển và thu hút đầu tư vào vùng ven biển này. Đến thời kỳ tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh, lúc này Đảng bộ tỉnh đã rất chú trọng việc kêu gọi đầu tư vào đây, mà Nhà máy Xi măng Nghi Sơn là công trình đầu tiên được xây dựng.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao đổi với PV Báo Thanh Hóa.

Với những đề xuất từ tỉnh Thanh Hóa qua nhiều năm, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Bộ Chính trị đã có văn bản xác định sẽ hình thành “Khu Nghi Sơn”, trong đó có đề cập sẽ kêu gọi đặt một trung tâm lọc hóa dầu tại đây. Tuy nhiên, kêu gọi đầu tư từ đâu, quy mô thế nào thì vẫn hoàn toàn mờ mịt. Tỉnh cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tranh thủ mọi thông tin, xúc tiến kêu gọi đầu tư một nhà máy lọc hóa dầu với ý định ban đầu chỉ khoảng 3,5 tỷ USD, hướng nhiều hơn đến nguồn vốn trong nước. Tuy nhiên, việc kêu gọi gặp khó bởi lúc đó, nhà nước đang tập trung vốn cho triển khai Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi. Khi không tìm được nguồn vốn, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải kết luận là phải liên doanh để kêu gọi đầu tư từ bên ngoài nhằm tranh thủ vốn và nguồn dầu thô, Việt Nam chỉ góp một phần. Sau đó, ý tưởng của lãnh đạo tỉnh lúc đó đã hướng đến các nhà đầu tư từ Nhật Bản.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

(Ảnh: Xuân Hùng).

Đến ngày 15 – 5 – 2006, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định thành lập Khu Kinh tế Nghi Sơn, từ đó mới có những chính sách ưu đãi đặc thù cho nhà đầu tư nên mới dễ dàng hơn trong kêu gọi đầu tư. Chỉ sau 2 tháng, tỉnh đã thành lập được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn để thực hiện kêu gọi đầu tư và những công việc liên quan. Lúc này, lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã “nhắm” vào Tập đoàn Idemitshu của Nhật Bản để xúc tiến, mời gọi đầu tư. Sau nhiều cuộc gặp gỡ, đàm phán, họ đã chấp nhận đầu tư, đồng thời kêu gọi thêm các đối tác của Nhật Bản và Cô – Oét cùng tham gia. Tháng 4 – 2008, một công ty liên doanh được thành lập, ra mắt trọng thể tại TP Hồ Chí Minh trong niềm vui vỡ òa của lãnh đạo tỉnh.

Vượt khó khăn, thách thức để triển khai dự án

“Ban đầu, các bên liên quan dự kiến sẽ triển khai xây dựng dự án ngay trong năm 2009 nên tỉnh gấp rút triển khai công tác GPMB, tổ chức san lấp. Một số người dân trong vùng dự án còn băn khoăn về tương lai, thu nhập, việc làm... sau khi nhường đất để đến nơi ở mới. Nhiều người còn chưa tin tưởng, thậm chí có cả tình trạng tụ tập đông người. Tỉnh đã vận dụng các chế độ chính sách có lợi nhất cho người dân trong bồi thường GPMB, tái định cư, tìm nghề mới... trên tinh thần đến nơi tái định cư phải có cuộc sống khá hơn tại nơi ở cũ. Lúc này, cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động nhân dân hiểu được tầm quan trọng lớn lao của dự án, từ đó đồng thuận nhường mặt bằng cho mục tiêu lớn hơn là sự phát triển của Quốc gia, dân tộc” – đồng chí Nguyên Bí thư Tỉnh ủy hoài niệm.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Hệ thống tiếp nhận dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: Xuân Hùng)

Khi các thủ tục của dự án bắt đầu được triển khai, đã phát sinh ra nhiều vấn đề cần bàn bạc thêm giữa các bên. Cũng phải thừa nhận, lúc đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn chưa được hoàn thiện, chưa bao hàm hết nên có nhiều vấn đề mà phía liên doanh yêu cầu đám phán, bàn bạc thêm. Họ yêu cầu cần bổ sung quy định cho họ đổi thu nhập của họ thành ngoại tệ để chuyển về nước; làm rõ nguồn vốn cho bồi thường GPMB; những ưu đãi miễn giảm thuế nhập khẩu khẩu dầu thô khi đưa vào chế biến; thay đổi quy hoạch để di dời cảng biển từ vị trí cũ (gần Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 ngày nay) về sát dự án; chính sách tiêu thụ sản phẩm... Cái khó của tỉnh Thanh Hóa cũng như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lúc ấy là không thể quyết được nhiều vấn đề, lại phải chờ xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều cuộc làm việc, nhiều ngày đàm phán với các bên liên quan cũng cực kỳ căng thẳng, phải tranh luận kéo dài mới đi đến thống nhất. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh cũng phải tự tìm hiểu kỹ Luật Đầu tư cũng như các quy định quốc tế, đưa ra những khó khăn của mình để thuyết phục đối tác. Với những kiến nghị của phía bạn mà hợp tình, hợp lý, tỉnh đề xuất chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ngay. Rất may, phía Chính phủ và các bộ, ngành rất đồng thuận với tỉnh Thanh Hóa, nên sẵn sàng bổ sung hay điều chỉnh những quy định, chính sách chưa hợp lý. Cái khó lúc này là phía liên doanh liên tục thay đổi người đứng đầu, nhiều nội dung đã đàm phán cơ bản lại tiếp tục thảo luận lại từ đầu.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Các kỹ sư Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành hệ thống xuất bán sản phẩm cho khách hàng. (Ảnh: Xuân Hùng)

Khi các bên ngày càng hiểu nhau, lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đối tác để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho dự án. Những tưởng dự án sẽ sớm được xây dựng để cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2015 theo kế hoạch, thì một điều không may mắn là giai đoạn 2008 - 2010 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các bên liên quan cũng rất quyết tâm, song việc đầu tư của các đối tác nước ngoài bị ảnh hưởng, chậm lại làm kéo dài việc triển khai dự án. Các tổ chức tín dụng quốc tế cũng thắt chặt các khoản giải ngân khiến việc huy động vốn không được như kế hoạch...

Lọc hóa dầu Nghi Sơn – từ ý tưởng nung nấu đến công trình thế kỷ

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất bán sản phẩm cho khách hàng. (Ảnh: Xuân Hùng)

Thế rồi, mọi lo lắng cũng qua, ngày 23 – 10 – 2013, dự án được khởi công xây dựng. Nếu tính từ những bước triển khai ban đầu vào năm 2008, đến nay dự án đã trải qua 10 năm, trong đó có những giai đoạn gặp muôn vàn khó khăn. Trải qua càng nhiều thử thách thì sự thành công càng nhiều ý nghĩa. Để đến hôm nay, ngọn lửa từ Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn như thắp lên niềm tin lớn lao và sự kỳ vọng về sự phát triển của Thanh Hóa trong thời gian tới.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]