(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là địa phương có hàng trăm làng nghề truyền thống. Tuy nhiên hiện nay có nhiều làng nghề đang dần bị mai một, sản phẩm làm ra đang trong tình trạng lép vế so với những sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức công nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Loay hoay giải “bài toán” thương mại hóa sản phẩm làng nghề

Loay hoay giải “bài toán” thương mại hóa sản phẩm làng nghề

Những người thợ làng nghề nón lá Trường Giang (Nông Cống) vẫn sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Thanh Hóa là địa phương có hàng trăm làng nghề truyền thống. Tuy nhiên hiện nay có nhiều làng nghề đang dần bị mai một, sản phẩm làm ra đang trong tình trạng lép vế so với những sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức công nghiệp.

Để những sản phẩm làng nghề khẳng định được giá trị lâu bền cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì vấn đề thương mại hóa luôn được đặt ra và cần sớm có cách làm cụ thể.

Quy trình sản xuất hạn chế

Làng nghề nón lá Trường Giang (Nông Cống) có lịch sử hàng trăm năm với nhiều thời kỳ phát triển hưng thịnh, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương. Hiện toàn xã Trường Giang có 900 hộ dân làm nghề, nhưng phần lớn các hộ chỉ tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để làm kiếm thêm thu nhập chứ chưa thực sự coi đây là nghề chính để phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, tất cả nguyên liệu để làm ra chiếc nón đều phải nhập từ nơi khác. Lá được nhập từ các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai..., vành nứa tạo khung non lại được mua từ các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Việc không chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận thu được giảm khiến người sản xuất không còn quá mặn mà với nghề cha ông để lại.

Ông Đậu Minh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Giang cho biết: Thị trường nón mũ đang ngày một đa dạng các sản phẩm công nghiệp với nhiều ưu điểm rõ rệt về mẫu mã đẹp, chất liệu phong phú và hợp thời trang lại rất tiện lợi trong việc sử dụng. Trong khi đó, nghề làm nón lá nói riêng và nhiều nghề truyền thống nói chung lại sản xuất chủ yếu bằng phương pháp thủ công, người thợ phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, không thể làm ẩu, làm dối nên rất mất thời gian. Sản phẩm bán ra không đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú và biến chuyển liên tục của thị trường tiêu dùng. Đây là nguyên nhân chính khiến các nghề truyền thống đang có phần lép vế so với các sản phẩm công nghiệp hiện đại.

Làng nghề tơ nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa) cũng là một trong những làng nghề đang ngày một thu hẹp quy mô sản xuất. Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại diện UBND thị trấn Thiệu Hóa khẳng định: Có nhiều nguyên nhân khiến nghề dệt nhiễu đang dần bị mai một nhưng chủ yếu vẫn là sức cạnh tranh yếu so với các sản phẩm công nghiệp ngoài thị trường. Bên cạnh đó, quỹ đất trồng dâu, nguyên liệu chính để nuôi tằm lấy tơ đang dần bị thu hẹp gây khó khăn cho việc duy trì và phát triển làng nghề. Từ hàng trăm hộ sản xuất, giờ đây cả xã chỉ còn 30 hộ dân bám trụ nhưng việc sản xuất cũng rời rạc, manh mún và chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên hiệu quả kinh tế không cao.

Nhiều làng nghề khác hiện cũng gặp không ít khó khăn về nguồn lao động, nguyên vật liệu... Bản thân chủ nhân của các sản phẩm làng nghề cũng chưa thực sự đầu tư tìm những cách làm mới trong quá trình sản xuất. Mẫu mã sản phẩm còn ít, chưa có sự sáng tạo phá cách trong các thiết kế. Công nghệ và kỹ thuật áp dụng trong sản xuất ở các làng nghề nông thôn còn lạc hậu, tính cổ truyền vẫn chưa được chọn lọc, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giảm sức cạnh tranh.

Xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm làng nghề “ra khỏi làng”

Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế, góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất các sản phẩm làng nghề có quy mô nhỏ đều chưa đăng ký thương hiệu. Chỉ một số cơ sở có định hướng chiến lược lâu dài mới thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Cơ sở sản xuất nước mắm Tuyến Hòa ở thôn Quang Minh, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) là một trong những cơ sở đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu và quyết tâm mạnh mẽ phát triển dòng sản phẩm truyền thống ra khắp các thị trường trong và ngoài nước. Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cơ sở cho biết: Với lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào cùng với những bí quyết trong sản xuất đã được truyền thụ từ bao đời, nước mắm Ba Làng đặc trưng, thơm ngon không thua kém bất cứ sản phẩm đến từ các nơi. Song để đưa nước mắm của làng nghề mình đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi thì cách làm “đến từng ngõ, gõ từng nhà” là không hiệu quả mà cần phải từng bước xây dựng thương hiệu một cách quy mô, bài bản hơn. Chất lượng không thôi chưa đủ mà việc xây dựng hình ảnh cũng rất quan trọng. Việc đăng ký bản quyền, đặt logo, đóng chai và dán tem nhãn với mẫu mã bắt mắt tiện lợi cho từng sản phẩm, không chỉ giúp cho việc sản xuất tiết kiệm thời gian, chi phí lao động, việc vận chuyển dễ dàng mà còn đem lại niềm tin cho người tiêu dùng vào sản phẩm. Cùng với việc mở rộng sản xuất, chị Hòa đầu tư mở nhiều quầy hàng giới thiệu sản phẩm ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh phát triển bán sản phẩm qua kênh mạng online và kênh du lịch bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống. Nhờ có sự đầu tư bài bản, đến nay không chỉ cơ sở nước mắm Tuyến Hòa mà nhiều cơ sở sản xuất khác của làng nghề nước mắm Ba Làng đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, giúp cho vùng đất này được nhiều người biết đến và tin tưởng mỗi khi nhắc đến nước mắm xứ Thanh.

Từng bước tìm hướng đi bền vững cho làng nghề miến gạo Thăng Long (Nông Cống), những chủ cơ sở sản xuất đang mạnh dạn đặt mua các thiết bị máy móc để đóng gói, tạo mẫu mã mới, tiện lợi thay vì những sản phẩm có phần thô sơ như trước đây. Việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu cũng là cách làm được nhiều hộ dân xã Thăng Long đang vận dụng. Nhờ những cải tiến và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đến nay, miến gạo nơi đây đang dần tìm được những thị trường mới khắp các tỉnh, thành mà không bó hẹp chỉ phục vụ người dân địa phương như trước đây.

Một thực tế đáng buồn là số cơ sở tại các làng nghề hiểu về tầm quan trọng của thương hiệu không phải là số đông. Vẫn có nhiều làng nghề không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vì tâm lý dựa dẫm cái có sẵn của truyền thống. Những gì thế hệ trước để lại thì cứ đi theo, làm theo mà ngại thay đổi, ngại đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, không muốn bỏ chi phí để giới thiệu, quảng bá sản phẩm... nên sản phẩm làm ra thường “lỗi thời”, không phù hợp với thị trường ngày càng biến chuyển bên ngoài. Bên cạnh đó, lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, không có sự gắn kết khiến sản phẩm làm ra chưa nâng cao được giá trị kinh tế. Như làng nghề bánh đa nem Cầu Bố (TP Thanh Hóa) từ lâu đã được nhiều người dân xứ Thanh biết đến. Tuy nhiên, đến nay làng nghề này ngày một thu hẹp chỉ còn số ít hộ dân làm nghề. Phần lớn là những lao động tại đây đã cao tuổi, không có nhiều sự lựa chọn khác trong công việc nên cố bám trụ.

Đã qua thời tự cung tự cấp, những làng nghề truyền thống muốn duy trì và phát triển, điều quan trọng nhất là cần thương mại hóa từng mặt hàng làm ra. Như vậy, chỉ chất lượng sản phẩm thôi chưa đủ mà người sản xuất, những nghệ nhân cần có sự nhanh nhạy trong sản xuất, nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường để tạo nên những sản phẩm đa dạng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng cũng như đáp ứng được thị trường đang có nhiều sự cạnh tranh khốc liệt.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]