(Baothanhhoa.vn) - Trong đợt lũ lịch sử vào tháng 10-2017, đê sông Lạch Trường đã vượt qua mức báo động III, tràn bờ xối xả, nguy cơ vỡ đê ở nhiều đoạn xung yếu. Huyện Hoằng Hóa đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp sáng tạo ngay trong đêm, cứu đê thành công, được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Cục Đê điều... coi là điển hình cần nhân rộng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kinh nghiệm rút ra từ công tác bảo đảm an toàn đê sông Lạch Trường

Trong đợt lũ lịch sử vào tháng 10-2017, đê sông Lạch Trường đã vượt qua mức báo động III, tràn bờ xối xả, nguy cơ vỡ đê ở nhiều đoạn xung yếu. Huyện Hoằng Hóa đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp sáng tạo ngay trong đêm, cứu đê thành công, được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Cục Đê điều... coi là điển hình cần nhân rộng.

Đoạn đê hữu sông Lạch Trường nguy cơ vỡ trong đợt lũ lịch sử tháng 10-2017, đang được mở rộng, tôn cao và xây dựng kiên cố.

Để đê yếu qua được cơn lũ dữ

Ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12-10-2017, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa to, gây ra đợt lũ lịch sử. Trên sông Lạch Trường, từ ngày 9 đến 11, mực nước đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1980, gây tràn đê với tổng chiều dài 530m; nhiều đoạn khác, mực nước cũng xấp xỉ bằng mặt đê. Cụ thể, ngày 9-10, sau khi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh phát lệnh báo động lũ cấp I trên sông Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa đã ráo riết triển khai các giải pháp ứng phó, trong đó tính đến tình huống xấu nhất là tràn hoặc vỡ đê. UBND huyện đã triệu tập khẩn các thành viên của BCH PCTT & TKCN huyện, BCH phòng chống lụt bão các cụm, các trọng điểm để phân công cán bộ, công chức xuống địa bàn trực tiếp rà soát lại phương án huy động lực lượng, vật tư và thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác đê theo cấp lũ báo động.

Đến 18 giờ, ngày 11-10, mực nước lũ lên nhanh bất thường, vượt mức báo động III, các phương án và công tác huy động lực lượng đã sẵn sàng. Từ 22 giờ đêm ngày 11-10 đến 4 giờ sáng ngày 12-10, lũ bắt đầu vượt và tràn qua đỉnh đê tả sông Lạch Trường tại 3 đoạn: K4+800 đến K4+900 thuộc xã Hoằng Cát; K8+520 đến K8+740 thuộc xã Hoằng Xuyên và K8+700 đến K8+900 thuộc xã Hoằng Đạt. Thế nước ngày càng mạnh, có đoạn còn cao hơn đỉnh đê tới 30cm, đổ ầm ầm về phía đồng. Nhiều đoạn đê xung yếu trở nên vô cùng mong manh trước sức mạnh khủng khiếp của nước lũ.

Trước tình hình trên, BCH PCTT & TKCN huyện Hoằng Hóa đã báo cáo BCH PCTT & TKCN tỉnh, đồng thời phân công lãnh đạo kiểm tra, trực tiếp xử lý các sự cố trên hiện trường. Cùng với hơn 1.000 người thuộc các lực lượng tại chỗ, ngay trong đêm, UBND huyện đã quyết định điều động thêm 400 người thuộc lực lượng dân quân xung kích của 4 xã khác đến hiện trường hỗ trợ, xử lý sự cố tràn đê. 3 xã có đê bị tràn cũng gấp rút huy động 12.000 bao tải, 600m bạt dứa, gần chục xe ô tô tải, máy xúc, công nông, xe kéo cùng các dụng cụ thiết yếu, đất tích thổ để thực hiện nhiệm vụ chống tràn theo hướng dẫn chuyên môn của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh. Khi các điểm tràn được đắp cao, gia cố một cách kịp thời và hiệu quả, dòng nước đã được khắc chế, tuyến đê sau đó an toàn.

Nhiều bài học kinh nghiệm rút ra

Từ thực tiễn ứng phó với đợt lũ lịch sử, BCH PCTT & TKCN huyện Hoằng Hóa đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, làm cơ sở quan trọng cho công tác bảo vệ đê điều sau này. Đầu tiên, phải chú ý công tác lãnh, chỉ đạo ngay từ khi chưa có sự cố. Trong mùa mưa lũ, người chỉ huy được phân công chỉ huy ở đoạn đê nào thì phải thường xuyên bám sát thực địa, chỉ đạo tuần tra, canh gác, theo dõi diễn biến, hư hỏng của đê để đề ra biện pháp kịp thời. Mặt khác, người chỉ huy phải là người có kiến thức, kinh nghiệm nhất định về chỉ huy điều phối lực lượng, nhân lực, kỹ thuật hộ đê, xử lý thông tin một cách chính xác, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Ngược lại, người chỉ huy thiếu kinh nghiệm, sử dụng cán bộ kỹ thuật không hợp lý sẽ dẫn đến thất bại hoặc gây lãng phí sức người, sức của. Đó cũng là lý do mà trước mùa mưa bão năm 2017, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, trách nhiệm và kỹ năng xử lý sự cố cho lãnh đạo các xã, thị trấn và các ngành, đoàn thể của huyện.

Với công tác chuẩn bị nhân lực để bảo vệ đê, phải yêu cầu các xã, thị trấn thành lập các tổ tuần tra, canh gác và xung kích hộ đê để kịp thời phát hiện sự cố, xử lý từ giờ đầu. Sau khi được diễn tập, các lực lượng này chính là hạt nhân nòng cốt trong công tác hộ đê, chống lụt. Mặt khác, cần phải tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay phòng chống thiên tai và hộ đê. Cụ thể ở Hoằng Hóa, ngoài lực lượng dân quân, thanh niên xung kích, cần tuyên truyền cho mọi người dân trong độ tuổi lao động tại các xã có đê đều trở thành lực lượng canh đê, sẵn sàng hộ đê, tránh tình trạng chỉ dựa vào lực lượng nòng cốt và trông chờ nhân lực được điều từ nơi khác đến.

Về công tác chuẩn bị, huy động vật tư tại chỗ, huyện đã thực hiện phương châm: “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả”, trong đó lấy phòng tránh là chính. Rút kinh nghiệm trong công tác triển khai, đối phó với các đợt bão lũ lớn những năm trước, nhất là cơn bão số 7 năm 2005 và bão số 5 năm 2007, khi đó các địa phương đã không có hoặc không đủ vật tư để xử lý ngay từ giờ đầu, dẫn đến ứng phó thiếu kịp thời, ít hiệu quả. Những năm gần đây, trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu của tỉnh, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu và yêu cầu các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư dự trữ. Để giám sát việc thực hiện, trước và trong mùa mưa bão, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị vật tư, cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong các vật tư dự trữ, BCH PCTT & TKCN huyện Hoằng Hóa cho rằng, quan trọng nhất vẫn là đất dự trữ, nhưng phải tập kết ngay sát đê. Bởi khi có mưa lớn trên diện rộng, lũ về nhanh gây ngập lụt khắp nơi. Nếu tập kết đất trong các khu dân cư, ở sân trụ sở UBND xã thì rất khó vận chuyển ra đê khi các con đường và cánh đồng đã ngập nước.

Theo các thông tin về thiên tai, thủy văn ghi chép lại của huyện Hoằng Hóa và ngành thủy lợi, đợt lũ trên sông Lạch Trường hồi tháng 10-2017 đã cao hơn đợt lũ lịch sử năm 1980 và là đợt lũ lớn nhất từ trước đến nay. Đáng nói, lũ trải dài trên tuyến đê qua nhiều xã, lại xảy ra ban đêm trong điều kiện mưa xối xả..., đe dọa nguy cơ vỡ đê nếu không được xử lý, ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị ứng phó được triển khai từ trước, sát thực tế với sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt nên tuyến đê đã được bảo vệ an toàn.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]