(Baothanhhoa.vn) - Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát được xác định là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời điểm này, đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, một trong những giải pháp đang được quan tâm trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và ngăn chặn sự lây lan của bệnh DTLCP nói riêng là công tác kiểm soát hoạt động giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm soát, tiến tới loại bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát được xác định là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời điểm này, đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, một trong những giải pháp đang được quan tâm trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và ngăn chặn sự lây lan của bệnh DTLCP nói riêng là công tác kiểm soát hoạt động giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép.

Kiểm soát, tiến tới loại bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

Cơ sở giết mổ tập trung tại xã Quảng Phong (Quảng Xương).

Trên thực tế, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật; vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; thực hiện thống kê, lập danh sách, kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở, điểm giết mổ... Tuy nhiên, việc kiểm soát các hoạt động này trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là hoạt động giết mổ trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, thủ công tại hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện chỉ có 14 cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động; nhưng có tới hơn 2.000 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ, lẻ. Số lượng cơ sở, điểm giết mổ phần đa là các điểm giết mổ không có giấy phép kinh doanh, không bảo đảm vệ sinh thú y, trong khi việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương chưa kiên quyết, triệt để; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ở cấp xã, phường, thị trấn còn yếu và thiếu. Vì vậy, việc quản lý kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi chấp nhận các sản phẩm sau giết mổ không được kiểm soát của cơ quan thú y, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, khiến cho loại thịt không được kiểm soát, không có dấu lăn của cơ quan thú y vẫn có cơ hội lưu thông tràn lan. Hơn nữa, công tác tuyên truyền cho người dân tại các địa phương chưa được thường xuyên, liên tục, nên chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn dân về việc lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn và tẩy chay các thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trên cơ sở phân tích những tồn tại, khó khăn, để kiểm soát, tiến tới loại bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, thời gian qua, các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong công tác kiểm soát. Ghi nhận của chúng tôi về vấn đề kiểm soát hoạt động giết mổ tại một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, như: Ngọc Lặc, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa, cho thấy, hầu hết các địa phương đã tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ, trong đó cũng đã thống kê ra những cơ sở, điểm giết mổ đang hoạt động nhưng không được cấp phép, trên cơ sở đó nghiêm cấm các cơ sở không phép này hoạt động. Đồng thời, chỉ cho lưu thông những sản phẩm thịt lợn có dấu lăn của cơ quan thú y.

Tại huyện Nông Cống, hiện có tới 121 cơ sở giết mổ, trong đó chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ. Trước thực trạng bệnh DTLCP lây lan nhanh, để công tác kiểm soát, quản lý hoạt động giết mổ trên địa bàn được siết chặt, ông Mai Nhữ Thắng, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Huyện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giết mổ, trọng tâm là quy hoạch các cơ sở giết mổ, với số lượng tối đa chỉ còn 30 cơ sở giết mổ trên địa bàn, tương đương với mỗi xã 1 cơ sở. Các cơ sở giết mổ này sẽ phải bảo đảm được quy trình giết mổ khép kín, bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để siết chặt công tác quản lý, kiểm soát, tiến tới loại bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, nhất là trong thời gian ngăn chặn sự lây lan của bệnh DTLCP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung về tăng cường công tác quản lý các cơ sở thu gom, giết mổ lợn. Theo đó, để kiểm soát được hoạt động giết mổ, các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, quản lý chặt chẽ số lượng các cơ sở thu gom lợn trên địa bàn quản lý, yêu cầu các cơ sở thu gom phải thực hiện làm đơn đề nghị cấp hoặc cấp lại giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rà soát, thống kê các cơ sở giết mổ được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trên địa bàn quản lý. Báo cáo danh sách các cơ sở thu gom, giết mổ được phép hoạt động; đồng thời, xử lý và kiên quyết xóa bỏ các cơ sở thu gom, giết mổ trái phép. UBND cấp xã yêu cầu các cơ sở thu gom, giết mổ trước khi xuất, nhập lợn, sản phẩm từ lợn phải khai báo với chính quyền xã hoặc trạm thú y cấp huyện để kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động. Tuyệt đối không mua bán lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y, các đội kiểm tra lưu động liên ngành kiểm tra chặt chẽ các cơ sở thu gom, giết mổ lợn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp thu gom vận chuyển, giết mổ thịt lợn trái quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh động vật. UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm triển khai và trực tiếp chỉ đạo và tổ chức quản lý thực hiện việc quy hoạch chi tiết, tuyên truyền tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch tại Quyết định số 3263/QĐ-UBND ngày 19-9-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và kế hoạch quản lý vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm năm 2019. UBND cấp xã quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.

Về lâu dài, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung nguồn lực, khuyến khích kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp, xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo đúng kế hoạch đề ra. Thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đủ điều kiện hành nghề. Thu giấy phép kinh doanh, buộc dừng hoạt động các cơ sở, điểm giết mổ không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Việc tăng cường kiểm soát giết mổ, lưu thông đến tận cơ sở không những hạn chế được sự lây lan của bệnh DTLCP trước mắt, về lâu dài còn tạo ra cơ hội tái cấu trúc lại hoạt động giết mổ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương.

Bài và ảnh: Hương Thơm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]