(Baothanhhoa.vn) - Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, nhu cầu về nguồn thực phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh ta tương đối lớn, khoảng 250 tấn/ngày. Do đó, việc vận chuyển, cung ứng động vật và các sản phẩm động vật giữa các vùng, miền trong tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm soát, lưu thông vận chuyển động vật còn nhiều khó khăn

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, nhu cầu về nguồn thực phẩm từ động vật trên địa bàn tỉnh ta tương đối lớn, khoảng 250 tấn/ngày. Do đó, việc vận chuyển, cung ứng động vật và các sản phẩm động vật giữa các vùng, miền trong tỉnh diễn ra thường xuyên, liên tục.

Kiểm soát, lưu thông vận chuyển động vật còn nhiều khó khăn

Kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông động vật tại Trạm kiểm dịch Dốc Xây.

Ngoài ra, tỉnh ta nằm trên các tuyến giao thông Bắc - Nam, lại giáp ranh với nhiều tỉnh nên việc kiểm soát, phòng ngừa, hạn chế lây lan dịch bệnh rất khó khăn. Bên cạnh đó, từ tháng 7-2016, Luật Thú y có hiệu lực, quy định chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu; đồng thời, bỏ quy định kiểm dịch theo số lượng, khối lượng. Trong thời điểm hiện tại, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp với mức độ lây lan nhanh và khó kiểm soát thì sự hạn chế trong quy định kiểm dịch đã tạo cơ hội để gian thương hoạt động, khiến cơ quan chuyên môn khó kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, gia súc, gia cầm cũng như kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng Phòng Kiểm dịch động vật và thú y cộng đồng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Việc không quy định kiểm dịch nội tỉnh chính là kẽ hở gây khó cho cơ quan quản lý trong công tác kiểm soát vận chuyển, lưu thông và kiểm soát giết mổ. Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh như hiện nay, cơ quan chuyên môn và các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, xóa bỏ nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, song số lượng cơ sở hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, nên việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn càng trở nên khó khăn. Đơn cử, như các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nhỏ lẻ được vận chuyển, kinh doanh không bao gói và nhãn hàng hóa, khi bị phát hiện lô hàng động vật hay sản phẩm động vật vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh thì lực lượng thú y cũng không có cơ sở kiểm tra do không phân biệt được sản phẩm đó trong hay ngoài địa phương để thực hiện kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Theo số liệu của Cục Thống kê, 10 tháng năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 180.000 tấn, sản lượng gia cầm giết bán thịt 39.800 tấn... Mặt khác, toàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 1.197 cơ sở giết mổ được cơ quan chuyên môn chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, lượng thịt động vật xuất phát từ các điểm giết mổ nhỏ lẻ tiêu thụ trên thị trường là tương đối lớn, khó kiểm soát. Thực tế cho thấy, Luật Thú y năm 2016 ra đời đã tạo được hành lang pháp lý cao nhất, quy định cơ bản công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát thì các địa phương cần thực hiện bổ sung các giải pháp mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết, trên địa bàn tỉnh ta, chăn nuôi nông hộ chiếm 76% cơ cấu ngành chăn nuôi nên việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, do đó, nếu áp dụng Luật Thú y năm 2016, không quy định điểm kiểm dịch nội tỉnh thì công tác quản lý dịch bệnh đạt hiệu quả không như mong muốn. Do đó, về ngắn hạn, tỉnh ta đã quyết định thành lập những trạm kiểm dịch cấp tỉnh và hơn 450 chốt kiểm dịch cấp xã, huyện để kiểm soát hoạt động lưu thông, vận chuyển, giết mổ động vật và các sản phẩm từ động vật. Các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tuyên truyền, kiểm soát và hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh cũng như thực hiện nghiêm các quy định vận chuyển, lưu thông động vật nhằm kiểm soát, hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, về lâu dài, để xóa những kẽ hở trong kiểm soát lưu thông, vận chuyển động vật, ngoài sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng thì bản thân người chăn nuôi cần thực hiện những giải pháp, như: Nâng cao chất lượng chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch hiệu quả và thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi.

Bài và ảnh: Lê Thanh


Bài Và Ảnh: Lê Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]