(Baothanhhoa.vn) - “Non trẻ” bước vào thị trường, các cơ chế, chính sách hỗ trợ “startup” được đánh giá là một động lực quan trọng đối với người khởi nghiệp. Không chỉ là nguồn vốn, các chương trình đào tạo kỹ năng khởi sự, quản trị mô hình khởi nghiệp cần đi vào thực chất hơn; đồng thời việc tiếp tục đổi mới, linh hoạt trong công tác giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp các mô hình khởi nghiệp nhanh chóng được gia nhập thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản - Bài cuối: Xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực cho phong trào khởi nghiệp

“Non trẻ” bước vào thị trường, các cơ chế, chính sách hỗ trợ “startup” được đánh giá là một động lực quan trọng đối với người khởi nghiệp. Không chỉ là nguồn vốn, các chương trình đào tạo kỹ năng khởi sự, quản trị mô hình khởi nghiệp cần đi vào thực chất hơn; đồng thời việc tiếp tục đổi mới, linh hoạt trong công tác giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp các mô hình khởi nghiệp nhanh chóng được gia nhập thị trường.

Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản - Bài cuối: Xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực cho phong trào khởi nghiệpMô hình sản xuất, chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh của Công ty TNHH Thủy Canh Phố tại xã Đông Tiến (Đông Sơn). Ảnh: Minh Hằng

Tin liên quan:
  • Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản - Bài cuối: Xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực cho phong trào khởi nghiệp
    Khởi nghiệp và câu chuyện vượt rào cản - Bài 2: Hai bức tranh “sáng” - “tối”

    Dấn thân, dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp đã và đang lan tỏa, thôi thúc, thay đổi tư duy về con đường lập thân, lập nghiệp trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, từ khảo sát thực tiễn, có thể nhận thấy, bên cạnh số ít những doanh nghiệp (DN) lựa chọn định hướng tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì có rất nhiều mô hình, DN khởi nghiệp “chết yểu” sau một thời gian ngắn.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một địa phương có sự quan tâm đáng ghi nhận đến phong trào khởi nghiệp. Đáng kể nhất, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, triển khai đề án “Quỹ tín dụng thanh niên khởi nghiệp”, với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Đề án này được nhận định tạo bước đột phá về cơ chế, chính sách, tạo động lực, niềm tin cho phong trào khởi nghiệp. Hiện nay, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định, giải ngân nguồn vốn này cho các dự án đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, lồng ghép cùng các chương trình, tỉnh Thanh Hóa đã đưa các chính sách, nội dung hỗ trợ khởi nghiệp vào thực tiễn. Điển hình như chính sách hỗ trợ về đào tạo khởi sự doanh nghiệp (DN) và bồi dưỡng doanh nhân hàng năm, chính sách hỗ trợ các DN đổi mới ứng dụng công nghệ trong sản xuất...

Đặc biệt, thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành “Chương trình hỗ trợ phát triển DN khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020”. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ xây dựng và phát triển các DN khoa học và công nghệ; triển khai, cụ thể hóa nội dung đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh; từng bước tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các DN dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đẩy mạnh hoạt động sáng tạo trong cộng đồng. Thực hiện đề án này, trong 2 năm 2019-2020, tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn, hỗ trợ 3 DN khởi nghiệp và tổ chức đầu mối về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, với kinh phí 5,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khởi nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình hoàn thiện, do đó, các DN khởi nghiệp vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là nguồn lực và kiến thức khởi nghiệp. Đa phần, các thanh niên được đào tạo bài bản có xu hướng lựa chọn khởi nghiệp ở các thành phố lớn. Số thanh niên tại địa phương khởi nghiệp chủ yếu vẫn trên nền tảng kiến thức tự có và thừa hưởng ở gia đình. Do đó, nhiều bạn trẻ tư duy khởi nghiệp còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh, phân tích rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên có ý tưởng, có đề án nhưng khó vay vốn đầu tư.

Đại diện Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết: Bức thiết nhất đối với khởi nghiệp là nguồn vốn. Đối tượng khởi nghiệp đa phần là giới trẻ, tích lũy về vốn còn hạn chế. Trong khi đó, cơ chế tiếp cận vốn vay thương mại không có chính sách đặc thù riêng cho các DN khởi nghiệp. Với việc vay ưu đãi tín dụng chính sách thì còn hạn chế về nguồn vốn so với nhu cầu, thủ tục vẫn còn nhiều bất cập. Điển hình như với đề án “Quỹ tín dụng thanh niên khởi nghiệp”, riêng với các dự án khởi nghiệp hiện hữu, đến đầu năm 2020, nhu cầu vay vốn đã vượt con số 100 tỷ đồng, vượt xa so với nguồn vốn được phê duyệt. Hơn nữa, thủ tục, quy trình cho vay khiến nhiều mô hình, DN khởi nghiệp không đáp ứng được, như: DN phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, phải xuất trình được hóa đơn đầu tư dự án... Do đó, tỷ lệ DN khởi nghiệp được thụ hưởng chính sách còn rất thấp.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mới lạ là trồng rau thủy canh công nghệ cao, sau 1 năm kinh doanh dưới mô hình hộ cá thể, cuối năm 2019, anh Đào Xuân Hồng và chị Lê Thị Thùy Dung thành lập Công ty TNHH Thủy Canh Phố tại xã Đông Tiến (Đông Sơn). Chị Lê Thị Thùy Dung chia sẻ: Rời xa công việc gắn bó lâu năm tại một DN để khởi nghiệp, ban đầu tôi gặp không ít khó khăn vì sự phản đối của gia đình. Bước chân vào khởi nghiệp, chính thức tự vận hành mô hình kinh doanh của mình đã khiến tư tưởng, suy nghĩ của bản thân trưởng thành hơn, tự có trách nhiệm với mọi quyết định của mình. Tuy nhiên, cũng như nhiều DN khởi nghiệp khác, DN gặp khá nhiều khó khăn về vốn đầu tư để quay vòng sản xuất. Nguồn vốn vay thương mại lãi suất khá cao và thường xuyên phải đáo hạn. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi khởi nghiệp gặp không ít khó khăn do DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên không xuất trình đủ được các hóa đơn, chứng từ liên quan.

Anh Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa, chia sẻ: Mặc dù, tỉnh đã có những cơ chế “ưu ái” cho các DN khởi nghiệp về tiếp cận vốn, nhưng hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu... Trong khi đó, với các DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, quy mô nguồn vốn lớn hơn nên cần có chính sách đặc thù hơn. Đặc biệt, với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà rất nhiều thanh niên trẻ đang lựa chọn, do suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, bởi vậy các cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các DN thụ hưởng các chính sách về vốn kịp thời và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù những năm gần đây, ranh giới phân biệt giữa các DN mới - cũ đã dần được thu hẹp. Tuy nhiên, với tuổi đời gia nhập thị trường còn ngắn, DN khởi nghiệp vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nhất là các thông tin về quy hoạch, sự thay đổi của cơ chế, chính sách ưu đãi... Trong khi đó, quá trình tiếp cận các dịch vụ hành chính công còn chậm đổi mới, kéo theo sự chậm trễ của các kế hoạch kinh doanh, làm chậm lộ trình của DN. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện nay, thủ tục “khai sinh” làm cơ sở pháp lý cho các DN khởi nghiệp tham gia thị trường rất đơn giản, nhanh gọn. Tuy nhiên, DN hoạt động trên thương trường, thực hiện các dự án kinh doanh liên quan trực tiếp đến nhiều cấp chính quyền, sở, ngành, đơn vị. Do đó, để tạo thuận lợi về các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi DN, cần sự thay đổi, cải thiện đồng bộ trong cơ chế “phục vụ” của các cấp trực tiếp có liên quan.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh động lực, chính sách về vốn khởi nghiệp đặc thù, Nhà nước cần thực hiện rà soát, sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật vừa bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho DN khởi nghiệp. Đồng thời, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của DN khởi nghiệp tại cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho các “startup”. Phát hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ DN khởi nghiệp hiệu quả. Tăng cường đối thoại giữa các DN khởi nghiệp với đại diện cơ quan Nhà nước để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, gỡ khó những “rào cản” trên con đường phát triển của DN khởi nghiệp. Cùng với đó, nâng cao vai trò của các hiệp hội DN và hiệp hội ngành nghề, tạo cơ hội kết nối cho các DN khởi nghiệp tham gia thị trường thuận lợi và an toàn hơn.

Nhóm PV Kinh tế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]