(Baothanhhoa.vn) - Trên địa bàn tỉnh hiện có 856 cơ sở, cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 5 đại lý cửa hàng cấp 1, 20 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 2.000 cửa hàng phân phối, bán lẻ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp

Trên địa bàn tỉnh hiện có 856 cơ sở, cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 5 đại lý cửa hàng cấp 1, 20 cơ sở sản xuất phân bón với hơn 2.000 cửa hàng phân phối, bán lẻ...

Khó kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp

Cán bộ Cục Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Thường Xuân.

Từ những con số trên cho thấy, số cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp (VTNN) trên địa bàn tỉnh khá nhiều, có mạng lưới rộng khắp. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở, cửa hàng kinh doanh có địa chỉ, đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, thì vẫn còn không ít trường hợp trong quá trình hoạt động kinh doanh, buôn bán không tuân thủ quy định.

Để quản lý, kiểm soát thị trường kinh doanh VTNN, thời gian qua, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chấp hành các quy định của Nhà nước về chất lượng VTNN. Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý chất lượng VTNN cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã và chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh VTNN; hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng VTNN theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ đầu năm 2019 đến nay, các sở, ngành có liên quan của tỉnh đã thực hiện 3 cuộc thanh tra hành chính, 26 cuộc thanh tra và 5 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, có 26 cuộc thanh tra và 2 cuộc kiểm tra theo kế hoạch; 3 cuộc kiểm tra đột xuất, với các nội dung kiểm tra thực hiện các quy định về đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, hồ sơ công bố hợp quy, chất lượng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, việc ghi nhãn hàng hóa... Qua đó, đã có 444 tổ chức, cá nhân được kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm 39 tổ chức, cá nhân. Tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 278 triệu đồng.

Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã tăng cường thực hiện các giải pháp về quản lý, kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán, song thị trường VTNN trên địa bàn tỉnh vẫn khó kiểm soát. Khảo sát tại một số địa phương về vấn đề kinh doanh VTNN, chúng tôi nhận thấy, nhiều cơ sở kinh doanh VTNN không có biển hiệu kinh doanh theo quy định, các loại VTNN bày bán lộn xộn, không theo từng chủng loại cụ thể, hầu hết các cơ sở kinh doanh không niêm yết giá công khai về các loại VTNN. Đáng chú ý, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế, trình độ dân trí còn hạn chế xuất hiện trình trạng các tiểu thương, hộ kinh doanh bày bán một số loại VTNN, như: Hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Đáng lo ngại, do điều kiện kinh doanh của tiểu thương ở các chợ, nhất là các chợ phiên không bảo đảm, nên thường xảy ra tình trạng các loại VTNN được bày bán với các hàng hóa khác, thậm chí là các loại thực phẩm khô, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có tình trạng cứ đến thời điểm bước vào vụ sản xuất chính, tại các xã lại xuất hiện các điểm bán VTNN tự phát để cung ứng các loại VTNN để bà con nông dân sản xuất. Các điểm kinh doanh này chỉ tạm thời, ở một thời điểm nhất định, thông thường khi kết thúc mùa vụ thì các điểm kinh doanh này cũng ngừng hoạt động. Vì vậy, khiến việc quản lý, kiểm soát của các sở, ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, sở dĩ công tác quản lý, kiểm soát VTNN còn gặp khó khăn, hạn chế là do chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh VTNN còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng tồn tại vi phạm còn nhiều. Kinh phí dành cho công tác kiểm tra chất lượng VTNN, nhất là công tác giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, vì vậy việc kiểm tra chưa thường xuyên, trong khi đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh VTNN trên địa bàn tỉnh đa phần là nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, nên càng khó kiểm tra. Hơn nữa, thực tế các địa phương chưa chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân về tác hại của việc sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, nên người dân vẫn duy trì thói quen sử dụng VTNN tùy tiện, theo sự giới thiệu của người bán hàng, không cần biết loại vật tư đó có nằm trong danh mục khuyến cáo sử dụng hay không, nên việc kiểm soát càng trở nên khó khăn.

Để thị trường VTNN được kiểm soát chặt chẽ, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm trong kinh doanh, cũng như người sử dụng VTNN; tổ chức tập huấn, thực hiện quy trình sản xuất an toàn trong quá trình sử dụng các loại VTNN. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về VTNN, kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định.

Bài và ảnh: Tiến Xuân


Bài Và Ảnh: Tiến Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]